Hội nhậpThế giới 24h

Kinh tế ảm đạm kéo giảm giá dầu

Tạp Chí Giáo Dục

Giá dầu giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 tháng qua do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu từ Trung Quốc và đà tăng giá của đồng USD

Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch hôm 21-11 (giờ địa phương) có lúc giảm xuống 86,88 USD/thùng trong khi giá dầu WTI có thời điểm giảm còn 79,40 USD/thùng.

Nhà phân tích Tina Teng thuộc Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) nhận định ngoài triển vọng nhu cầu suy yếu do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc, đà tăng của đồng USD cũng là nhân tố làm giảm giá dầu.

Theo bà Teng, niềm tin trở nên mong manh khi số liệu kinh tế của các nước lớn gần đây đều cho thấy tín hiệu về một kịch bản suy thoái, đặc biệt là tại Anh và khu vực đồng euro. Theo hãng tin Reuters, những bình luận cứng rắn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần qua cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc vẫn gần mức cao nhất kể từ tháng 4. Các trường học ở một số quận thuộc thủ đô Bắc Kinh đã đóng cửa từ ngày 21-11 sau khi các quan chức yêu cầu người dân ở nhà trong lúc chính quyền TP Quảng Châu ra lệnh phong tỏa 5 ngày đối với quận đông dân nhất.

Trong khi đó, thị trường dầu diesel tiếp tục khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đang gấp rút dự trữ đầy kho chứa dầu diesel trước khi lệnh cấm sản phẩm dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2-2023 vì các nguồn thay thế vẫn còn hạn chế.

Kinh tế ảm đạm kéo giảm giá dầu - Ảnh 1.

Một nhân viên làm việc tại nhà máy thuộc Công ty Sản xuất dầu Gazprom Neft ở TP Omsk – Nga hôm 18-11. Ảnh: Reuters

Từ ngày 5-12, EU sẽ cấm nhập hầu hết dầu thô Nga, đến tháng 2-2023, EU sẽ cấm vận hoạt động vận chuyển các sản phẩm từ dầu của Nga.

Bà Pamela Munger, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Công ty Phân tích năng lượng Vortexa (Anh), cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 12-11, lượng dầu diesel của Nga được vận chuyển đến khu vực lưu trữ Amsterdam – Rotterdam – Antwerp (ARA) tăng lên 215.000 thùng/ngày, tăng 126% so với tháng 10.

Dù sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu từ Nga đã giảm hơn 50% so với thời điểm trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 nhưng Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của lục địa già.

Ông Eugene Lindell, chuyên gia phân tích thị trường sản phẩm và lọc dầu tại Công ty Tư vấn dầu khí FGE (Anh), cho biết: "EU sẽ phải tìm nguồn cung khoảng 500.000 – 600.000 thùng/ngày để thay thế sản lượng dầu của Nga. Nguồn thay thế sẽ đến từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ".

Hungary, Slovakia và CH Czech đã đàm phán tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm này với lý do không có nguồn thay thế cho dầu của Nga. Cả 3 nước này đều phụ thuộc lớn vào đường ống Druzhba vận chuyển dầu trực tiếp từ Nga.

Trong khi đó, chính phủ Ý công bố khoản chi mới trị giá khoảng 30 tỉ euro trong ngân sách năm 2023, chủ yếu tập trung vào việc kiềm chế tác động của giá năng lượng cao. Khoảng 2/3 ngân sách bổ sung nói trên sẽ được sử dụng để giúp các công ty và hộ gia đình thanh toán hóa đơn tiền điện và khí đốt đang cao kỷ lục.

Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire hôm 19-11 công bố nước này sẽ chi 8,4 tỉ euro (tương đương 8,67 tỉ USD) để hỗ trợ các công ty thanh toán hóa đơn năng lượng, nhằm giảm bớt tác động từ tình trạng tăng giá điện và khí đốt, đồng thời giúp họ cạnh tranh với các doanh nghiệp Đức. 

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)