Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh tế biển Việt Nam: Chưa tương xứng với tiềm năng

Tạp Chí Giáo Dục

Cần khẩn trương xây dựng quy hoạch sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo đến năm 2020. Liên kết để xây dựng thương hiệu biển.

“Quảng bá và xây dựng thương hiệu sản vật, sản phẩm biển Việt Nam thân thiện môi trường” là chủ đề của diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ III do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ngày 6-6.

Tụt hậu khá xa

PGS-TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhận xét: “Sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém; hệ thống cảng biển nhỏ bé, thiết bị khá lạc hậu”. Ông Cư đánh giá kinh tế biển Việt Nam không chỉ tụt hậu so với các nước lớn mà còn lép vế so với các nước trong khu vực. Hiện lượng hàng hóa thông qua cảng biển tính trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.
Hệ thống cảng biển của Việt Nam còn nhỏ bé và lạc hậu về thiết bị.
Trong việc phát triển kinh tế biển Việt Nam, du lịch biển có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, ngành du lịch biển vẫn thiếu những sản phẩm đặc sắc có tính cạnh tranh cao; chưa có khu du lịch biển đạt đẳng cấp quốc tế. PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), nhìn nhận: Du lịch biển Việt Nam thiếu những sản phẩm mang tính đặc thù để thu hút khách quốc tế. Nhiều tài nguyên du lịch biển đã không được khai thác hợp lý, thậm chí còn bị “biến dạng” bởi những ý tưởng thiếu căn cứ khoa học.
Liên kết để xây dựng thương hiệu biển
Theo các đại biểu, để kinh tế biển phát triển mạnh, chúng ta phải sớm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.Cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch sử dụng tổng hợp và bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là cơ sở để quy hoạch lại ngành kinh tế biển hợp lý nhằm khai thác và phát triển bền vững vùng biển quốc gia.
Nhiều đại biểu lưu ý Việt Nam phải đầu tư xây dựng cảng biển một cách có trọng điểm thay vì tràn lan như hiện nay. “Cần phát triển đồng bộ giữa cảng biển với mạng lưới cơ sở hạ tầng sau cảng, đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng lưới giao thông quốc gia và đầu mối logistic ở khu vực” – ông Phạm Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh, nói.
Việc liên kết giữa các ngành nghề trong việc xây dựng một thương hiệu mang tầm vĩ mô cũng được nhiều đại biểu quan tâm. “Xây dựng thương hiệu biển nếu chỉ dừng lại ở hình ảnh và thương hiệu ngành, lĩnh vực sẽ không tạo nên sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, các ngành nên cùng hỗ trợ, hợp tác hài hòa với nhau trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu biển” – Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cư bày tỏ.
Theo tài liệu tại hội thảo, đến nay kinh tế biển Việt Nam đạt hơn 10 tỉ USD/năm, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước đạt 1.300 tỉ USD/năm (dẫn đầu là Nhật với 468 tỉ USD/năm). Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đạt bình quân 47%-48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt 20%-22% tổng GDP cả nước, tập trung chủ yếu ở khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải và du lịch biển.
THÀNH NGUYỄN / Pháp Luật 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)