Giới đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương các nước sẵn sàng gây suy thoái nhằm chống lại lạm phát vốn đang ở mức cao kỷ lục
Ông Anderson Alves tại Công ty Môi giới giao dịch ActivTrades (Anh) nhận định: "Tình trạng thị trường ảm đạm hiện nay phản ánh triển vọng u ám đối với kinh tế toàn cầu".
Các chỉ số quan trọng ở châu Á như Hang Seng (Hồng Kông – Trung Quốc) giảm 1,4% và Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,7% trong khi thị trường Úc, New Zealand và Đông Nam Á cũng chứng kiến phiên giao dịch giảm điểm.
Theo hãng tin AP, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,6% sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống 2,7%, so với mức 4,3% trong dự báo hồi tháng 6. WB lập luận do các thành phố lớn ở Trung Quốc phong tỏa nhiều lần để chống dịch COVID-19.
Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) cũng giảm 2,4% sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố đi ngược lại động thái tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Bảng điện hiển thị chỉ số Nikkei tại một khu thương mại ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 20-12. Ảnh: Reuters
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết Nhật Bản sẽ không ngần ngại nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết khi nền kinh tế nước này đối mặt với nhiều bất ổn. Bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất cơ bản, BOJ sẽ tăng biên độ lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ mức 0,25% như hiện tại lên mức 0,5%.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Kuroda hôm 20-12 lý giải bước đi này nhằm cải thiện các chức năng của thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả việc nới lỏng chính sách tiền tệ và đây không phải là tăng lãi suất.
BOJ cũng thông báo tăng đáng kể hoạt động mua trái phiếu lên 9.000 tỉ yen (khoảng 67,5 tỉ USD) mỗi tháng so với mức 7.300 tỉ yen theo kế hoạch hiện tại. Sau thông báo của BOJ, đồng yen Nhật đã tăng giá hơn 3%, lên mức 1 USD đổi 132,68 yen.
Trong khi đó, Phố Wall đã chứng kiến phiên giảm điểm ngày thứ 5 liên tiếp hôm 19-12 (giờ địa phương) sau khi FED cho biết lãi suất có thể duy trì ở mức cao lâu hơn so với dự báo trước đó. FED cho rằng lãi suất có thể đạt phạm vi từ 5% đến 5,25% vào cuối năm 2023 và không có ý định hạ lãi suất trước năm 2024.
Các chỉ số quan trọng ở Mỹ như Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm, đáng chú ý chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 20% trong năm nay. Các nhà đầu tư đang chờ đợi các báo cáo kinh tế của Mỹ trong tuần này để cập nhật diễn biến lạm phát. Tỉ lệ lạm phát đã giảm từ mức 9,1% trong tháng 6 nhưng vẫn duy trì ở mức cao là 7,1% trong tháng 11.
Trong khi đó, giá dầu thế giới tăng nhờ giá đồng USD giảm và kế hoạch bổ sung 3 triệu thùng dầu cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ kể từ đợt xuất kho kỷ lục 180 triệu thùng trong năm nay.
Tuy nhiên, mức tăng còn hạn chế do sự không chắc chắn về diễn biến dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Ông Edward Moya, nhà phân tích tại Công ty Cung cấp dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), nhận định: "Triển vọng nhu cầu dầu sẽ là yếu tố then chốt quyết định mức tăng giá dầu và điều này lại không rõ ràng do các tín hiệu lẫn lộn về việc mở cửa trở lại của Trung Quốc".
Theo Reuters, nhà phân tích Tina Teng tại Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), cho rằng tuy Trung Quốc nới lỏng phòng dịch song sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đã gây ra sự không chắc chắn về khả năng phục hồi kinh tế của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)