Hội nhậpThế giới 24h

Kinh tế châu Á sẽ phục hồi nhanh?

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Strauss-Kahn (phải) cho rằng về lâu dài châu Á cần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu – Ảnh: Reuters

Các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng trở lại rất nhanh vào cuối năm 2009 hoặc đầu 2010, theo dự báo của giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn.
Hãng tin AP dẫn lời ông Strauss-Kahn nhận định các nền kinh tế châu Á phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, do đó khó có thể tăng trưởng mạnh trở lại trước khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu phục hồi. Tuy nhiên, một khi đã khởi động thì kinh tế châu Á sẽ tăng tốc rất nhanh.
IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn châu Á chỉ đạt mức 2,7% năm 2009, nhưng sẽ vọt lên mức 5,5% trong năm 2010. Giới chuyên gia nhận định tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng đối với khu vực châu Á không lớn như với Mỹ hay châu Âu. Hệ thống ngân hàng của châu Á vẫn khá khỏe mạnh và các chính phủ có dư nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, ông Strauss-Kahn cảnh báo các dự đoán này hoàn toàn không chắc chắn và không thể loại trừ một kết quả tồi tệ hơn. “Tất cả phụ thuộc vào những chính sách được thực hiện trong những ngày tháng tới”. 
Úc, Singapore đẩy mạnh kích thích kinh tế
Reuters cho biết mới đây Chính phủ Úc vừa công bố gói kích thích kinh tế trị giá 26 tỉ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái lan tới nước Úc. Thủ tướng Kevin Rudd cho biết chính phủ sẽ chi 18,1 tỉ USD vào các dự án xây dựng trường học, nhà cửa, đường sá trong vòng bốn năm tới và giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ cấp khối tiền mặt trị giá 8 tỉ USD cho các công nhân có đủ tiêu chuẩn, nông dân và sinh viên… Bên cạnh gói kích thích, Ngân hàng Trung ương Úc cũng đã cắt giảm lãi suất thêm 1% xuống mức 3,25%, thấp nhất trong vòng 45 năm qua.
Theo Thủ tướng Kevin Rudd, gói kích thích này sẽ giúp tạo ra 90.000 việc làm và đưa kinh tế Úc đạt mức tăng trưởng 1% năm 2009 so với mức 0,5% dự kiến, và 0,75% năm 2010, tránh được suy thoái. Reuters cho biết kế hoạch này sẽ đẩy Chính phủ Úc rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách khoảng 14,2 tỉ USD. “Không ai muốn rơi vào thâm hụt – Reuters dẫn lời ông Rudd khẳng định – Tuy nhiên không có sự lựa chọn, đó là việc chúng tôi phải làm”. Theo ông Rudd, nếu không chấp nhận thâm hụt ngân sách, Úc sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Trong khi đó tại Singapore, Hãng tin Channel NewsAsia cho biết chính quyền sẽ chi 66 triệu USD để thực hiện kế hoạch cải thiện chất lượng dịch vụ. Singapore là một trong những quốc gia có chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới, tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế, chính phủ lo ngại các tiêu chuẩn dịch vụ sẽ giảm sút khi các công ty giảm chi phí gây hạn chế năng lực dịch vụ, càng tạo thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế.
Tiền ra khỏi Trung Quốc
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2009 nhiều khả năng chỉ đạt 6,7%, thua xa mức 8% dự kiến. Các nhà kinh tế cũng đang cảnh báo về một xu hướng mới là dòng tiền thay vì đổ vào Trung Quốc lại đang đổ ra nước ngoài. Báo New York Times cho biết nhiều công ty tại Trung Quốc đang đổ tiền mua trái phiếu của các công ty Mỹ, các công ty Trung Quốc ở nước ngoài thay vì gửi tiền về nước lại chuyển tiền vào các ngân hàng nước ngoài. Người Trung Quốc giàu có bỏ tiền mua địa ốc ở nước ngoài và đồ trang sức, đá quý ở Hong Kong. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rút tiền ra khỏi Trung Quốc khiến tốc độ đầu tư nước ngoài sụt giảm.
Theo NYT, tổng số tiền rời khỏi Trung Quốc trong quý 4-2008 lên đến 240 tỉ USD. “Nhiều người thừa nhận tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, vậy thì tại sao lại để tiền ở đó” – New York Times dẫn lời chuyên gia Henry Lee, một giám đốc quỹ đầu tư ở Hong Kong, bình luận. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ xu hướng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nếu các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh có hiệu quả, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào cuối năm nay và tiếp tục thu hút đầu tư từ nước ngoài.
HIẾU TRUNG (TTO)
 

Bình luận (0)