Kinh tế đêm (KTĐ) có rất nhiều tiềm năng và đang được một số địa phương tích cực triển khai. Song kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển KTĐ và kiểm soát rủi ro…
Hoạt động ăn uống tại phố đêm Bùi Viện (Q.1, TP.HCM)
Còn cái nhìn sai lệch về kinh tế đêm
Ông Đỗ Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương – cho biết, ở Việt Nam, sự hiện diện KTĐ đã có ở nhiều nơi, đặc biệt ở những TP lớn có điều kiện kinh tế, xã hội vượt trội. KTĐ phát triển chắc chắn giúp tối đa hóa lợi ích từ việc sử dụng các nguồn lực sẵn có nhưng không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Nếu làm tốt, phát triển KTĐ sẽ tạo được nhiều việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, khuyến khích tiêu dùng và hình thành động lực phát triển mới của nhiều địa phương, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay KTĐ ở Việt Nam phát triển còn rất chậm. Tại nhiều địa phương, hoạt động KTĐ mới chỉ khai thác quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún, còn có rủi ro, tiềm ẩn tác động tiêu cực từ KTĐ tạo ra như mất trật tự xã hội, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và ổn định giá cả hàng hóa.
Mặt khác, Việt Nam nhìn nhận KTĐ chủ yếu thông qua hoạt động giải trí, mua sắm, ẩm thực… Thậm chí, vẫn còn định kiến cái gì liên quan đến đêm là không bình thường, mang yếu tố tiêu cực.
“Mới đây, Tập đoàn Petrolimex thay vì chỉ bán xăng, dầu ban ngày thì nay đã bán 24/24 giờ. Nhiều người có thể coi là hiện tượng lạ nhưng thực tế rất cần thiết để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho người dân”, ông Hải nói.
Tại TP.HCM, theo Sở Công thương TP, các loại hình KTĐ đang tập trung vào dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển KTĐ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP. Chưa có khung pháp lý hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KTĐ và kiểm soát rủi ro, chưa có mô hình quản lý Nhà nước thống nhất đối với các loại hình hoạt động của KTĐ. Mặc dù KTĐ không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế, nhưng chưa huy động được sức mạnh tổng lực từ các ngành du lịch, thương mại – dịch vụ, văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống… Chưa có cơ sở đánh giá các hoạt động KTĐ, chưa có thống kê các chỉ tiêu hoạt động KTĐ. Ngoài ra, vẫn còn định kiến xã hội đối với các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi, giải trí về đêm trên địa bàn TP.
Cũng như TP.HCM, Đà Nẵng là một trong những TP có tiềm năng phát triển KTĐ với hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các hoạt động, dịch vụ về đêm đã cơ bản được hình thành đồng bộ. Nhiều hoạt động KTĐ đã được triển khai như chương trình “Đà Nẵng về đêm – Danang by night” nhằm phục vụ du khách về đêm; thí điểm mô hình Bãi biển đêm Mỹ An, Phố du lịch An Thượng; nâng cấp tiện ích các phố ẩm thực, tổ chức các khung giờ vàng mua sắm vào buổi tối với các mức giảm giá, ưu đãi, quà tặng… để kích cầu mua sắm ban đêm.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn gặp không ít khó khăn. Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng – cho biết, Đà Nẵng chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển KTĐ, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại TP chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là dịch vụ ăn uống; quy mô các dự án phục vụ KTĐ còn nhỏ lẻ… Đặc biệt thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại ngữ tốt, có kỹ năng chuyên môn trong phục vụ một số hoạt động KTĐ; thiếu nguồn nhân lực quản lý có kinh nghiệm về phát triển KTĐ cả trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và tư nhân.
Cần có các khu vực tập trung phát triển kinh tế đêm
Thực tế cho thấy, vai trò KTĐ ở các nước phát triển như một phần hợp thành trong tổng thể nền kinh tế, trở thành biểu tượng sức sống của các đô thị.
PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng – Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết, tại nước Anh, KTĐ đóng góp bình quân cho nền kinh tế khoảng 70 tỷ bảng và tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm. Tại Trung Quốc, năm 2020, KTĐ đóng góp khoảng 22.400 tỷ USD, chủ yếu là mua sắm, đặc biệt mua sắm trực tuyến. Còn Nhật Bản, KTĐ đóng góp khoảng 400 tỷ Yên. Tại Việt Nam, năm 2020, Chính phủ cũng đã có Quyết định 1129 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm; trong đó đưa ra các khung chính sách để các ban ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển KTĐ.
Các chợ đêm nổi tiếng ở TP.HCM Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM là thành phố không ngủ, thành phố sống về đêm. Theo đó ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (Q.1), TP.HCM còn có rất nhiều nơi để vui chơi vào buổi tối; trong đó không thể không nhắc đến các chợ đêm. Các chợ đêm không chỉ bán đồ ăn, thức uống mà còn bán cả quần, áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồ lưu niệm, hoa, nông sản, thậm chí cả vàng bạc…
Có thể kể đến các chợ đêm nổi tiếng như chợ Bến Thành (Q.1) – chợ hoạt động bắt đầu từ 20 giờ mỗi buổi tối; chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh); chợ đêm Bình Tây (Q.6); chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp); chợ Cây Gõ (Q.6); chợ Kỳ Hòa (Q.10) – mở cửa vào lúc 18 giờ hằng ngày; chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10 – ảnh) – chợ bán hoa đêm ở Sài Gòn; chợ Hòa Bình (Q.5) – còn gọi là chợ Bạc, tại đây chuyên bán các loại đồ trang sức vàng bạc đá quý; chợ Tân Định (Q.1); chợ đêm Làng Đại học Thủ Đức – chợ dành cho sinh viên mua sắm quần áo, giày, dép, mỹ phẩm, trang sức với giá không quá 500 ngàn đồng… P.V |
Bà Phương – Sở Công thương Đà Nẵng – kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển KTĐ. Bởi đây chính là cơ sở để các tỉnh, TP có căn cứ thực hiện.
Ông Thắng cũng cho rằng, cần có hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTĐ và kiểm soát rủi ro. Bởi KTĐ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, đóng góp vào phúc lợi của người dân địa phương. Do đó, đối với các với tỉnh, thành, việc tổ chức KTĐ cần dựa trên thực tế của các địa phương, tạo sự hợp lý giữa ban ngày – ban đêm. Chú ý hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển KTĐ.
Sở công thương các tỉnh, thành cũng kiến nghị cần tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa 5 TP trực thuộc Trung ương, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp hiệu quả để phát triển KTĐ. Hình thành kênh liên lạc riêng của 5 TP để kịp thời trao đổi, đề xuất các nội dung liên quan đến phát triển KTĐ; đồng thời hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ KTĐ của các TP khác tại địa phương mình…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)