Hội nhậpThế giới 24h

Kinh tế Mỹ suy giảm với tốc độ nhanh

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế Mỹ đã suy giảm khoảng 0,3% trong quý ba năm nay và dù chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tốt hơn dự kiến (0,5%), nhưng nó vẫn cho thấy nền kinh tế này đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001 đến nay.

Đây là lần suy giảm đầu tiên của nền kinh tế Mỹ kể từ cuối năm 2007. Trước đó, trong quý II, nền kinh tế Mỹ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,8%.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến nhiều người Mỹ phải tiết kiệm chi tiêu do lâm vào cảnh thất nghiệp cộng với những khó khăn trong thanh toán tín dụng. Việc chi tiêu đối với những mặt hàng không lâu bền, như thực phẩm và giấy, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1950. Người Mỹ đang tỏ ra thận trọng trong mua sắm, ưu tiên mua những sản phẩm giá rẻ.

Mức chi tiêu của người tiêu dùng, vốn đóng góp tới 2/3 vào sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ, giảm 3,1%, là mức suy giảm đầu tiên kể từ năm 1991. Nhìn tổng thể, sức mua của người dân Mỹ đã suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1980, khiến tăng trưởng kinh tế bị mất 2,25 điểm. Tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2006, các khoản đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực nhà ở vẫn trên đà giảm mạnh, tới hơn 19%, làm chỉ số kinh tế Mỹ mất 0,72 điểm.

Việc Chính phủ Mỹ hỗ trợ các hoạt động kinh tế thông qua kế hoạch kích thích kinh tế cả gói, theo đó giảm hàng chục tỷ USD tiền thuế cho người tiêu dùng, cũng hầu như mất tác dụng.

Hoạt động xuất khẩu là một trong số ít những “đốm sáng” của bức tranh kinh tế Mỹ nhưng kim ngạch xuất khẩu trong quý ba cũng đã tăng chậm lại (5,9% so với 12,3% của quý trước). Ngân sách quốc phòng tăng làm chi tiêu của Chính phủ liên bang tăng 5,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ mùa Xuân 2003, cũng góp phần ngăn chặn sự giảm sút của GDP khi đóng góp 1,15 điểm cho nền kinh tế.
Giới phân tích dự báo điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước, trong tương lai gần. Theo các nhà kinh tế, GDP sụt giảm chứng tỏ cuộc khủng hoảng tín dụng đã tác động xấu đến chi tiêu của các hộ gia đình và lĩnh vực đầu tư, đồng thời gây tâm lý lo ngại về việc nền kinh tế số một thế giới đã “đặt một chân” vào thời kỳ suy thoái sâu rộng.

Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, cho rằng kinh tế Mỹ ngay từ bây giờ đã rơi vào suy thoái vì sự tiếp tục sụt giảm của các hoạt động kinh tế trong quý IV/2008 và quý I/2009 là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, Nhà Trắng cũng đã gián tiếp thừa nhận điều này khi cam kết “hành động thận trọng để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm từ nay đến quý I/2009”.

Theo nhà kinh tế của CIBC World Market, kinh tế Mỹ đang “bấu víu” vào khu vực xuất khẩu, song điều này sẽ không thể kéo dài sang quý IV/2008. Chủ tịch FED tại thành phố San Francisco Janet Yellen nhận định kinh tế Mỹ có thể suy giảm mạnh trong ba tháng cuối năm.

Một nhà kinh tế Mỹ cũng  dự báo nhu cầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới do tác động của khủng hoảng tín dụng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cũng sẽ gây sức ép nặng nề đối với tiêu dùng và nhiều khả năng tăng trưởng GDP trong quý IV/2008 sẽ giảm mạnh hơn so với quý III/2008.Tình trạng kinh tế suy giảm có nghĩa là nền kinh tế Mỹ hiện nay đang ở điểm nửa chừng trước khi tới mức được định nghĩa là suy thoái (là khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm). Tuy nhiên, định nghĩa chính thức tại Mỹ lại khác, có nghĩa là kinh tế Mỹ không bao giờ chính thức bị suy thoái chừng nào Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia chưa quyết định là kinh tế nước này bị suy thoái.

Bất chấp những lời cảnh báo cho rằng kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái, ngày 30/10, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết không ủng hộ đề xuất về kế hoạch kích thích kinh tế mới vì theo họ, “phương thuốc” tốt nhất cho nền kinh tế đang ốm yếu của Mỹ là kế hoạch cứu trợ kinh tế trị giá 700 tỷ USD.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush, ông Ed Lazear, cho rằng gợi ý của các nghị sĩ đảng Dân chủ về một dự luật cấp thêm vốn mới không phải là hướng đi đúng và thích hợp vào thời điểm này.

Theo dddn(Vnanet)

 

Bình luận (0)