GDP của Mỹ giảm 0,6% trong quý II của năm 2022, dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kỹ thuật.
GDP của Mỹ giảm 0,6% trong quý II của năm 2022.
GDP giảm thấp hơn dự kiến
Ngày 25.8, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 0,6% trong quý thứ 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức giảm 0,9% được báo cáo ban đầu. Sự cải thiện bắt nguồn từ dữ liệu tốt hơn về chi tiêu của người tiêu dùng. GDP của Mỹ đã giảm 1,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 – kết quả tệ nhất từ mùa xuân năm 2020 khi kinh tế chịu ảnh hưởng của COVID-19.
Theo Fox Bussiness, nền kinh tế Mỹ suy thoái với tốc độ chậm hơn một chút trong quý thứ hai so với báo cáo trước đó nhưng vẫn tiếp tục đáp ứng các tiêu chí cho một cuộc suy thoái kỹ thuật do lạm phát và lãi suất cao hơn đè nặng lên chi tiêu. Suy thoái kỹ thuật là 2 quý liên tiếp có tăng trưởng kinh tế âm, với đặc trưng là tỉ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng GDP thấp hoặc âm, thu nhập giảm và doanh số bán lẻ chậm lại, theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER).
Với sự suy giảm liên tục trong tăng trưởng, nền kinh tế đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật về suy thoái, phải có "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn vài tháng". Tuy nhiên, NBER – trọng tài bán chính thức – có thể không xác nhận việc có suy thoái kỹ thuật ngay mà thường đợi tới một năm mới gọi tên.
NBER cũng nhấn mạnh đã dựa vào nhiều dữ liệu hơn GDP để xác định liệu có suy thoái hay không, như tỉ lệ thất nghiệp và chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. "Do đó, trên thực tế, GDP có thể giảm tương đối ít trong 2 quý liên tiếp nhưng chưa chắc chắn xác định nền kinh tế đó rơi vào suy thoái kỹ thuật” – NBER thông tin trên website. Hội đồng này cũng không họp thường xuyên, trong khi quyết định được đưa ra cần tất cả các thành viên xác nhận.
Đợt suy thoái mới nhất bắt nguồn từ một số yếu tố, bao gồm sụt giảm hàng tồn kho tư nhân, chi tiêu của chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương… Những khoản này được bù đắp khi xuất khẩu ròng cũng như chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ (vốn chiếm 2/3 GDP) tăng lên.
Giới chuyên gia nhận định, báo cáo này có thể tác động tới sự ủng hộ Tổng thống Joe Biden và khiến việc hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) thêm phức tạp. Giới chức đang cân nhắc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không đè bẹp tăng trưởng kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản vào tháng 6 và tháng 7, lần đầu tiên kể từ năm 1994. Giới phân tích cảnh báo có thể có một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 9, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới. Hồi tháng 7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay, ông không tin nền kinh tế Mỹ đang suy thoái. "Lý do là có rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt. Đây là một thị trường lao động rất mạnh. Với những dấu hiệu này, nền kinh tế sẽ không thể rơi vào tình trạng suy thoái” – ông nói.
Vẫn còn lo ngại
Theo Bloomberg, ngoài GDP, một thước đo chính thức khác về tăng trưởng kinh tế ít được biết đến hơn là tổng thu nhập quốc nội (GDI) đã tăng 1,4% trong quý thứ hai sau khi tăng 1,8% trong 3 tháng đầu năm.
Về mặt lý thuyết, GDP và GDI gần như tương đương nhau, nhưng trên thực tế, chúng có xu hướng khác nhau, đặc biệt là trong các ước tính ban đầu. Nhưng khoảng cách hiện tại là đặc biệt lớn.
Số liệu GDP cho thấy đà giảm đột ngột của kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm. Đằng sau đó, còn nhiều điều khác, bao gồm tác động của các danh mục dễ biến động như nhập khẩu và hàng tồn kho, nhưng nhìn chung, chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm. Các quý GDP giảm liên tiếp, vốn là quy luật chung của cuộc suy thoái, đã làm dấy lên lo ngại rằng không chỉ là sắp xảy ra suy thoái mà còn khiến nhiều người tin là suy thoái đang thực sự diễn ra.
Tuy nhiên, GDI lại có tín hiệu khởi sắc hơn. GDI vẽ ra bức tranh về một nền kinh tế được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh mẽ và chi tiêu của người tiêu dùng linh hoạt, dù nền kinh tế đang bắt đầu cảm thấy sức ép của lạm phát tồi tệ nhất trong thế hệ.
Riêng ngày 25.8, báo cáo cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm trong tuần thứ hai. Điều này cho thấy các nhà tuyển dụng đang giữ chân người lao động bất chấp sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng. Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm phần lớn trong nền kinh tế, được xác định là 1,5%, cao hơn so với mức 1% được báo cáo ban đầu.
Báo cáo ngày 25.8 cũng bao gồm ước tính ban đầu của chính phủ về lợi nhuận doanh nghiệp trong quý thứ hai. Lợi nhuận doanh nghiệp trước thuế được điều chỉnh tăng 6,1% so với quý trước – tốc độ nhanh nhất trong một năm – sau khi giảm 2,2% trong 3 tháng đầu năm. Lợi nhuận tăng 8,1% so với một năm trước đó.
Trong tương lai, các nhà dự báo kỳ vọng GDP sẽ tăng trở lại trong quý III nhưng lo ngại suy thoái vẫn tăng cao. Cục Dự trữ Liên bang đang tích cực tăng lãi suất trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế đủ để ngăn chặn sức ép giá cả mà không gây ra suy thoái. Cho đến nay, tác động rõ ràng nhất với người tiêu dùng là lãi suất thế chấp tăng vọt và thị trường nhà đất trượt dốc mạnh.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)