Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh tế năm 2009: Khó, đừng chờ, biết chớp cơ hội

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2009, kinh tế VN – do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu – sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn có nhiều cơ hội sớm phục hồi và ổn định nếu các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đến đúng địa chỉ. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo ngày 22-12.

Hội thảo có tên “Kịch bản nào cho kinh tế VN 2009” do Thời Báo Kinh Tế VN tổ chức tại TP.HCM.

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế 

Hãy chớp lấy cơ hội mà làm

Ông Lê Đức Thúy cho rằng dù kinh tế VN hiện đang giảm sút nhưng vẫn chưa đến mức đình đốn và cũng không quá bi quan, bằng chứng là nhiều DN vẫn làm ăn hiệu quả và người tiêu dùng vẫn mua hàng.

Trong thực tế, nhiều DN đang có cơ hội nhưng không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư, do kỳ vọng lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm. Đây là tính toán sai lầm, bởi vấn đề quan trọng là DN phải đánh giá được khả năng sinh lợi của nguồn vốn đầu tư.

 “Nếu DN tính toán và cân đối được lợi nhuận thì hãy chớp lấy mà làm chứ không thể chờ cơ hội đầu tư với giá rẻ nhất. Bởi đến lúc đó, bản thân DN đó sẽ khó tìm lại được cơ hội tốt nhất do có nhiều DN khác cũng tham gia” – ông Thúy nói.

“Đã có một số tổ chức dự báo kinh tế VN khó đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% trong năm 2009. Tuy nhiên tôi cho rằng VN hoàn toàn có khả năng thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% nếu thực hiện được một số điều kiện” – chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói.

Theo ông Thành, đó là mạnh tay thực thi chính sách tiền tệ thích hợp với nhu cầu phát triển, không để cho một dự án khả thi nào thiếu vốn. Ngoài ra, phải thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh dựa trên hiệu quả kinh tế, thay vì chạy theo thành tích…

Ông Lê Đức Thúy – chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – đưa ra ba kịch bản kinh tế VN năm 2009. Trong đó, kịch bản lạc quan nhất là GDP tăng trưởng trên 6% và lạm phát dưới 10%. Kịch bản thứ hai là GDP tăng trên 5% và lạm phát ở mức lý tưởng 6% hoặc 7-8%. Kịch bản xấu nhất là GDP tăng khoảng 4% và lạm phát trên 10%.

Theo ông Thúy, việc theo đuổi kịch bản tăng trưởng GDP trên 5% và lạm phát ở mức 6-8% để ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó tập trung nguồn lực gia cố nền tảng cơ bản cho tăng trưởng bền vững là chọn lựa tốt nhất. Tuy nhiên, ông Thúy cũng cho rằng VN vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP trên 6% trong năm tới, dù sẽ rất khó khăn.

Khó nhưng vẫn có cơ hội

Theo ông Trương Đình Tuyển – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế quốc gia, bên cạnh những khó khăn không thể tránh khỏi, kinh tế VN trong năm tới cũng có khá nhiều thuận lợi.

Đó là các doanh nghiệp (DN) có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ khi lãi suất đã giảm xuống mức thấp và nhiều khả năng sẽ còn giảm. Tới đây, khả năng kết nối giữa ngân hàng và DN sẽ được cải thiện khi cơ chế thỏa thuận lãi suất được mở ra. Ngoài ra, cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ sẽ được thực thi, thông qua ngân hàng chính sách, giúp khối DN này có cơ hội tồn tại và vượt qua khó khăn. “Chính phủ cũng đang tích cực cải cách thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, nếu thành công sẽ giải quyết được nhiều ách tắc về vốn hiện nay” – ông Tuyển khẳng định. Chẳng hạn, hiện nay các dự án dưới 5 tỉ đồng ở các vùng khó khăn không phải đấu thầu, một thủ tục phức tạp nhưng không hiệu quả, và đây là cơ hội rất tốt cho các DN vừa và nhỏ tham gia…

Sớm tăng lương để…kích cầu!

Một trong những nội dung cũng được hầu hết diễn giả tham dự hội thảo tập trung thảo luận, đó là gói kích cầu của Chính phủ. Ông Lê Đức Thúy cho rằng việc chấp nhận bội chi ngân sách trong ngắn hạn để kích cầu là chọn lựa đúng đắn của Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đây là cơ sở tạo được nguồn thu bền vững, giảm bớt bội chi ngân sách trong tương lai. Ngược lại, không chấp nhận bội chi vào thời điểm này, nguồn thu cho ngân sách trong tương lai cũng giảm. Theo ông Thúy, gói kích cầu của Chính phủ chỉ để làm “mồi”, trên cơ sở đó khuyến khích tăng chi tiêu trong DN và dân cư.

Theo ý kiến của các chuyên gia, gói kích cầu cần tập trung vào những khu vực có khả năng tạo được sự “lan tỏa” cao. Ông Trần Đình Thiên – viện trưởng Viện Kinh tế VN – gợi ý hai lĩnh vực cần được kích cầu, đó là hạ tầng và xuất khẩu. Các chuyên gia cũng đề nghị nên kích cầu ở những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm. Nhiều người có công ăn việc làm sẽ chi tiêu nhiều hơn, tạo đà cho thị trường phát triển. Theo ông Lê Đức Thúy, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần tính tới phương án tăng lương kể từ tháng 1-2009.

 

Kích cầu phải rót trúng chỗ

Theo ông Trương Đình Tuyển, nhiều DN đang tính đến chuyện “tranh thủ” nguồn vốn kích cầu, thậm chí sẵn sàng “chạy” để có được sự hỗ trợ. Đây là tư duy sai lầm. Cả nước hiện có đến 349.000 DN, nếu tất cả đều trông chờ vào nguồn vốn kích cầu thì không phải 6 tỉ mà… 6.000 tỉ USD cũng chưa chắc đủ. “Gói kích cầu của Chính phủ giống như một bộ “khuếch đại”, nó góp phần tạo ra thị trường cho đầu tư xã hội…” – ông Tuyển nói. Khi Chính phủ đầu tư vốn xây dựng nhà giá rẻ thì không đơn thuần chỉ là gạch hay ximăng mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như sắt thép, gỗ, đồ điện…, tức là tạo ra thị trường cho DN đầu tư.

HẢI ĐĂNG (TTO)

Bình luận (0)