Hội nhậpThế giới 24h

Kinh tế tăng trưởng trở lại ở khu vực đồng euro

Tạp Chí Giáo Dục

Lạm phát tại 20 quốc gia khu vực đồng euro đã giảm xuống 5,3% trong tháng 7 trong khi GDP tăng 0,3% trong quý II /2023.
Đường phố ở Antwerp, Bỉ.
Nền kinh tế châu Âu đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực về khả năng phục hồi, theo dữ liệu do cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) Eurostat công bố đầu tuần này. Lạm phát ở khu vực đồng euro giảm xuống 5,3% trong tháng 7, giảm từ mức 5,5% được ghi nhận trong tháng trước. Đây là mức lạm phát thấp nhất được ghi nhận ở khu vực này kể từ tháng 1.2022, trước khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra làm nảy sinh tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài.
Tuy nhiên, lạm phát lõi – cung cấp ước tính chính xác về áp lực giá cơ bản – không thay đổi so với tháng 6, ở mức 5,5%. Lạm phát thường kỳ với thực phẩm, rượu và thuốc lá giảm từ mức 11,6% trong tháng 6 xuống 10,8% trong khi giá hàng hóa năng lượng và công nghiệp cũng giảm. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ chứng kiến lạm phát tăng nhẹ lên 5,6% – tăng từ mức 5,4% trong tháng 6.
Một số quốc gia ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục ghi nhận tỉ lệ lạm phát cao đáng báo động. Trong số 20 quốc gia thuộc khu vực đồng euro, lạm phát tháng trước cao nhất ở Slovakia (10,2%), tiếp theo là Croatia (8,1%) và Litva (7,1%). Euro News chỉ ra, lạm phát tổng thể giảm phù hợp với các dự báo kinh tế trước đây nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong khi đó, ngày 31.7, Eurostat cũng tiết lộ, GDP quý II/2023 của nền kinh tế khu vực đồng euro đã tăng 0,3% – nhiều hơn so với dự kiến trước đó. GDP tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. GDP trong khối 27 thành viên EU vẫn ổn định. Trong khu vực đồng euro, Ireland ghi nhận mức tăng theo quý cao nhất – tăng 3,3%, tiếp theo là Lithuania – tăng 2,8%. Tuy nhiên, một số nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm, trong đó có Thụy Điển (-1,5%), Latvia (-0,6%), Áo (-0,4%) và Italy (-0,3%).
Đức – được coi là cường quốc kinh tế của liên minh – dường như đang dần thoát khỏi suy thoái, đạt mức tăng trưởng 0%. Điều này diễn ra nhiều tháng sau khi GDP trì trệ trên toàn khu vực đồng euro, với chi phí đi vay cao kìm hãm tăng trưởng.
Những số liệu mới được công bố cũng thúc đẩy hy vọng khu vực đồng euro có thể đạt được tăng trưởng 0,9% trong năm nay như dự báo mà ECB đưa ra, với các nền kinh tế lớn như Pháp (tăng 0,5%) và Tây Ban Nha (tăng 0,4%) cũng ghi nhận mô hình tăng trưởng đáng khích lệ so với quý trước.
CNN cho hay, dù có những dữ liệu kinh tế đáng khích lệ nhưng vẫn còn dấu hiệu cho thấy khu vực đồng euro đang hướng tới tình trạng trì trệ trong thời gian còn lại của năm.
Cùng ngày, các nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg cho biết, sau cú sốc về giá lương thực và năng lượng cao, nền kinh tế khu vực đồng euro đã lấy lại được một chút động lực trong vài tháng qua. Tuy nhiên, Ngân hàng Berenberg dự báo, tăng trưởng sẽ đình trệ trong thời gian còn lại của năm, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, sản xuất toàn cầu yếu và xây dựng nhà ở giảm, khiến tăng trưởng hàng năm của khu vực ở mức 0,6%. Berenberg dự báo mức tăng trưởng trung bình ở khu vực đồng euro sẽ tăng lên 1% vào năm 2024. Việc phục hồi tốt hơn mong đợi trên toàn khối đồng tiền chung có nghĩa là Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ tăng lãi suất thêm nữa vào mùa thu. Tuần trước, ECB tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp lên mức cao nhất trong 23 năm, nhằm kiểm soát lạm phát. Lãnh đạo ECB Christine Lagarde cũng đã nhiều lần lưu ý, lãi suất sẽ tiếp tục tăng cho đến khi áp lực cơ bản lên giá tiêu dùng có dấu hiệu giảm bớt.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)