Hội nhậpThế giới 24h

Kinh tế thế giới nhiều biến động

Tạp Chí Giáo Dục

Giá vàng tăng trong tuần thứ hai liên tiếp sau khi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ củng cố dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hạ lãi suất hai đợt trong năm nay

Giá vàng thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 2.384 USD/ounce hôm 17-5 và đã tăng gần 5% trong 2 tuần qua. 

Theo đài CNBC, chiến lược gia thị trường tại Công ty Giao dịch trực tuyến IG (Anh) Yeap Jun Rong nhận định: "Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây để ngỏ khả năng FED xem xét cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm nay trong khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Do đó, mục tiêu tiếp theo của giá vàng là chạm mức kỷ lục mới".

Bộ Lao động Mỹ trong tuần này công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, với mức tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 3,5% của tháng trước đó. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách chưa công khai thời điểm cắt giảm lãi suất.

 Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group, thị trường dự đoán khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 lên đến 68%. FED đã duy trì lãi suất ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong hơn 23 năm qua. Cuộc họp kế tiếp của FED dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12-6 tới.

Tại châu Âu, cũng tỏ ra thận trọng, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel cảnh báo không nên cắt giảm lãi suất liên tục trong bối cảnh rủi ro lạm phát dai dẳng. Tuyên bố trên được đưa ra trước cuộc họp vào tháng 6 tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu, vốn được kỳ vọng là thời điểm hạ lãi suất ở châu lục này.

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng ở TP Los Angeles, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng ở TP Los Angeles, bang California – Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo tạp chí Nikkei, ECB đã duy trì lãi suất ở mức đỉnh kỷ lục trong cuộc họp thứ 5 liên tiếp vào tháng trước và dự kiến giảm 3,75% từ mức 4% hiện tại trong cuộc họp tiếp theo. Bà Schnabel nhận định sau nhiều năm lạm phát ở mức cao và tiềm ẩn rủi ro leo thang trở lại, việc đẩy nhanh tiến trình hạ lãi suất sẽ đi kèm nguy cơ nới lỏng chính sách tiền tệ sớm. 

Lạm phát cơ bản của khu vực đồng tiền chung euro giảm từ mức 2,9% xuống 2,7% trong tháng 4, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, Trung Quốc được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản vào ngày 20-5 tới. Hiện lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm được giữ ở mức 3,45% trong khi LPR kỳ hạn 5 năm là 3,95%.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ đã tăng 2,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức 3,1% vào tháng 3. Đáng chú ý, đầu tư bất động sản đã giảm 9,8% trong 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Bruce Pang tại Công ty Đầu tư JLL (Mỹ) cho rằng người tiêu dùng không chắc chắn về thu nhập trong tương lai nên sẽ thận trọng trong chi tiêu. Ông cũng dự báo việc cải thiện số liệu việc làm và tăng trưởng trong tiêu dùng dịch vụ cho thấy doanh số bán lẻ có thể cải thiện trong thời gian tới.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu tăng 8,4%, cao hơn dự kiến. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2024 của nước này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức kỳ vọng 4,6%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay.

"Các chỉ số quan trọng về công nghiệp, xuất khẩu, việc làm và giá cả nhìn chung đều cải thiện, các động lực tăng trưởng mới được duy trì" – thông cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh. 

Dù vậy, theo kênh CNBC (Mỹ), những dữ liệu tháng 4 vừa được Trung Quốc công bố lại cho thấy một bức tranh tăng trưởng chưa rõ nét. 

Tuần trước, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc nhận định với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài muốn nhìn thấy nhu cầu nội địa Trung Quốc gia tăng hơn là mức đầu tư cho công nghiệp tăng lên. 

Cứu thị trường bất động sản

Trung Quốc hôm 17-5 công bố một loạt biện pháp nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng, như cho phép chính quyền địa phương mua căn hộ hoặc nới lỏng quy định về đặt cọc. Các nhà đầu tư hy vọng bước đi này đánh dấu việc chính phủ bắt đầu can thiệp mạnh mẽ hơn để bù đắp cho nhu cầu suy giảm đối với cả căn hộ mới và cũ, làm chậm lại đà giảm giá cũng như giảm bớt số lượng nhà chưa bán.

Sau khi một loạt biện pháp hỗ trợ không đạt kết quả trong hai năm qua, Bộ Nhà ở Trung Quốc giờ đây cho biết chính quyền địa phương có thể chỉ thị các doanh nghiệp nhà nước mua nhà với mức giá hợp lý.

Theo Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, các ngôi nhà mua lại có thể được dùng để cung cấp nhà vừa túi tiền. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời gian biểu cụ thể hoặc mục tiêu của việc mua lại nói trên. Ông Hà nói thêm chính quyền địa phương có thể mua lại đất đã giao cho các công ty bất động sản, đồng thời hứa rằng cơ quan chức năng sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành các dự án bị đình trệ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ lập một quỹ tái cho vay trị giá 300 tỉ nhân dân tệ (khoảng 41,53 tỉ USD) cho nhà vừa túi tiền, đồng thời tiếp tục hạ lãi suất thế chấp và giảm yêu cầu về khoản tiền trả trước.

Một số chuyên gia nhận định các biện pháp mới nói trên là tích cực và táo bạo nhưng không rõ các chính quyền địa phương có đủ khả năng tài chính để thực hiện hay không. Reuters dẫn lời ông Larry Hu, chuyên gia tại Công ty Dịch vụ tài chính Macquarie (Úc), cho rằng để đánh giá mức độ tác động của biện pháp trên thì phải biết ai sẽ tài trợ và tổng số tiền chi ra cuối cùng là bao nhiêu.

Dữ liệu chính thức cho thấy lượng nhà tồn kho ở Trung Quốc vào năm ngoái tăng gần 335 triệu m2, mức cao nhất kể từ năm 2016. Công ty Dịch vụ Tài chính Tianfeng Securities (Trung Quốc) ước tính sẽ cần ít nhất 7.000 tỉ nhân dân tệ để giải quyết lượng nhà tồn kho này trong 18 tháng.

Hoàng Phương

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

 

Bình luận (0)