Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh tế toàn cầu khả năng lâm vào đợt suy thoái mới

Tạp Chí Giáo Dục

“Cơn bão” tài chính bắt nguồn từ khu vực châu Âu đang gieo rắc ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế thế giới. Những tín hiệu về một cuộc suy thoái toàn cầu mới đang hiện ra rõ nét.

Theo hãng tin Reuters, các số liệu thống kê gần đây cho thấy, tốc độ xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống bằng phân nửa năm ngoái. Tại Đức – đầu tàu kinh tế châu Âu – đơn đặt hàng mà các nhà máy nhận được sụt giảm mạnh. Australia và Indonesia đều đã phải cắt giảm lãi suất để ngăn chặn những ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu. Nhật Bản, Anh quốc và Brazil mới đây đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế…

Từ Bắc Kinh tới Washington, các quan chức tài chính đang tỏ rõ thái độ lo ngại nền kinh tế nước mình sẽ bị vạ lây một khi châu Âu không thể đoàn kết để đi tới một chiến lược giải quyết khủng hoảng nợ.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, tốc độ xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống bằng phân nửa năm ngoái – Ảnh: Reuters.
Mức lợi suất trái phiếu chính phủ Italy và Tây Ban Nha cao ngất ngưởng thời gian gần đây, dao động quanh ngưỡng 7%, đang đặt ra những áp lực căng thẳng về nguồn vốn đối với các nhà băng, ảnh hưởng tới hệ thống tài chính toàn cầu, xói mòn niềm tin và dựng nên những rào cản đối với tăng trưởng.
“Tình hình hiện nay thật đáng ngại. Trừ phi châu Âu thực sự bị cuộc khủng hoảng nợ nuốt chửng, thế giới vẫn có thể tránh được suy thoái. Tuy nhiên, mỗi tuần qua đi mà không có giải pháp, nền kinh tế toàn cầu lại chịu nhiều thiệt hại hơn. Rất khó biết chừng nào tình thế hiện nay sẽ chấm dứt”, ông Mike Feroli, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của JPMorgan Chase, nhận xét.
Song song với những bất ổn của châu Âu, giới quan sát quốc tế còn bày tỏ sự quan ngại về cuộc tranh cãi trong Quốc hội Mỹ về các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Những rủi ro chính trị từ cuộc tranh cãi này có thể chặn đứng tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.
“Khả năng kinh tế thế giới lại trượt vào suy thoái rất dễ trở thành sự thật”, ông Tom Porcelli, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của công ty RBC Capital Markets, phát biểu.
Thứ Tư tuần này là hạn chót để các nhà làm luật Mỹ đưa ra một kế hoạch nhằm cắt giảm 1,2-1,5 nghìn tỷ USD trong thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới đây. Chuyên gia Porcelli e ngại, nếu Washington không đạt được thỏa thuận – mà điều này là rất có khả năng xảy ra – các nhà làm luật Mỹ sẽ thúc đẩy một dự luật mới cấm việc tự động cắt giảm ngân sách. Một động thái như vậy sẽ châm ngòi cho những bất ổn trên thị trường tài chính và làm xấu đi triển vọng vốn đã u ám của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ còn chưa quyết định xem có hay không mở rộng các biện pháp kích cầu kinh tế sang năm sau. Theo tính toán của JPMorgan Chase, việc đặt dấu chấm hết cho các biện pháp như giảm thuế tuyển dụng, trợ cấp thất nghiệp dài hạn và chi đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ bị “gọt” mất 1,5-2 điểm phần trăm trong năm tới.
Gần đây, các dữ liệu kinh tế Mỹ đã khả quan hơn, nhưng, những trở ngại mới trong tiến trình cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ là một đòn giáng thẳng vào sự cải thiện này.
Tháng 10, doanh số thị trường xe mới của Mỹ tăng khá mạnh, với mức tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng công nghiệp tiếp tục đi lên, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm đều. Người tiêu dùng Mỹ, đối tượng chiếm 70% hoạt động kinh tế của nước này, đang giảm dần mức nợ, khôi phục sức chi tiêu của các hộ gia đình trong bối cảnh lạm phát yếu.
Thống kê về thu nhập cá nhân của người Mỹ trong tháng 10, dự kiến công bố vào thứ Tư tuần này, được dự báo tăng 0,3% sau khi tăng 0,1% trong tháng trước. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua được dự báo dưới ngưỡng 400.0000 người. Hai thống kê này, nếu đúng như dự báo, sẽ hỗ trợ cho GDP Mỹ quý 3 tăng trưởng gần 3%.
Nền kinh tế châu Âu cũng có một số điểm sáng. Dòng tiền của các doanh nghiệp tại châu lục này đang ở mức cao, lượng hàng tồn kho thấp, tạo cơ hội lớn cho sản xuất tăng tốc khi nhu cầu phục hồi. Ngoài ra, nước Đức có tỷ lệ thất nghiệp phấp, nền tài chính công vững vàng và mức lãi suất thấp – những yếu tốc có thể hỗ trợ sự tăng trưởng nhu cầu của thị trường nội địa.
Tuy vậy, những mâu thuẫn trong hệ thống chính trị và bất ổn trên thị trường tài chính đang như một đám mây đen lớn phủ mờ viễn cảnh kinh tế cả ở châu Âu và Mỹ, đồng thời tác động tới các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở khu vực châu Á.
Trong những thống kê được giới đầu tư dành sự quan tâm trong tuần này là chỉ số quản lý sức mua (PMI), thước đo sức khỏe lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Đức và Trung Quốc trong tháng 10. Chỉ số PMI của Đức được dự báo tiếp tục trượt sâu hơn trong vùng suy thoái dưới 50 điểm, trong khi chỉ số này của Trung Quốc được nhận định sẽ chỉ nhỉnh hơn mức 50 điểm một chút.
Ông Stephen Roach, Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, nhận định, sự kết hợp giữa nhu cầu tiêu dùng yếu ở Mỹ và những bấn loạn ở châu Âu sẽ là hồi chuông báo động đối với khu vực châu Á, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
“Đây là lần thứ hai trong 3 năm trở lại đây, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào thế rủi ro”, ông Roach nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng.
Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)