Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kinh tế TP.HCM tiếp tục trên đà phục hồi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 4-8, UBND TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2022; đồng thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM.


Toàn cảnh buổi họp báo

Chủ trì họp báo có ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM; ông Đặng Quốc Toàn – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM; ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Giá xăng dầu giảm nhưng hàng hóa vẫn cao

Tại họp báo, trả lời báo chí về việc sau thời gian giá xăng dầu điều chỉnh giảm 4 lần song giá cả hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chưa giảm theo, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, giá xăng dầu trong quá trình tăng đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất làm cho chi phí tăng.

Đối với hệ thống phân phối các chợ, siêu thị, giá tăng chủ yếu do cước phí vận tải. Khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp điều chỉnh giá cước phí tăng lên tác động trực tiếp lên giá phân phối. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh giá xăng vừa rồi thì giá cước phí vẫn chưa được điều chỉnh giảm nên khó có cơ sở nhắc các cơ sở phân phối điều chỉnh giảm giá hàng hóa.

Theo ông Phương, các biện pháp quản lý giá được Sở Công thương tham mưu hàng năm cho TP, đặc biệt thông qua chương trình bình ổn thị trường ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu, trong đó có lương thực thực phẩm, hàng hóa phục vụ học sinh, sữa trẻ em và dược phẩm.

Ngoài bình ổn thị trường còn các giải pháp khác liên quan, trong đó có giải pháp kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng từ các địa phương khác, đặc biệt là lương thực thực phẩm với giá cả tốt nhất. Đây là mặt hàng nông nghiệp TP.HCM hiện chưa đáp ứng được do đặc điểm tình hình sản xuất nông nghiệp của TP với sản lượng thấp, chỉ đáp ứng 3-5% nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó là các chương trình kích thích tiêu dùng nhằm giúp doanh số bán hàng của các doanh nghiệp tăng lên, qua đó chi phí sản xuất giảm, giá cả hàng hóa ổn định hơn. Ngành công thương cũng có các giải pháp kích thích các hệ thống phân phối giữ chiết khấu mức hợp lý, không tăng theo tình hình giá xăng dầu. Sau cùng, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tính toán giải pháp kết nối nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

“Từ đầu năm đến nay, khi giá cả tăng cao qua tác động từ xăng dầu thì các doanh nghiệp cũng nỗ lực tiến hành bình ổn giá, chỉ 4 lần điều chỉnh tăng giá của khoảng 7 mặt hàng so với hàng trăm mặt hàng mà doanh nghiệp đang cố gắng giữ ổn định”, ông Phương cho biết.

Kinh tế TP tiếp tục trên đà phục hồi

Trước đó, báo cáo tại họp báo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7, ông Đặng Quốc Toàn – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, kinh tế TP tiếp tục trên đà phục hồi, duy trì sự ổn định và phát triển. Các chỉ số phát triển 7 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực.

So với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4,9%. Doanh thu du lịch tăng 57,8%, khách du lịch đến TP đạt hơn 13,3 triệu lượt, tăng 71,7%.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP tăng 7,7%. Qua thống kê, các ngân hàng thương mại đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ở 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời đã tiếp nhận tháo gỡ khó khăn cho 934/944 trường hợp doanh nghiệp.


Giá xăng đã 4 lần giảm nhưng giá hàng hóa vẫn cao

Riêng đầu tư công, mặc dù đã rất nhiều nỗ lực, nhưng đến cuối tháng 7 tỷ lệ giải ngân mới đạt 26% so với tổng số vốn kế hoạch được giao.

Đối với tổng thu ngân sách nhà nước đạt 73,20% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm đạt 33,19% dự toán.

Cùng với các kết quả về kinh tế, UBND TP đã hoàn thành khối lượng lớn công việc để trình HĐND TP tại kỳ họp thứ 6 khóa X vừa qua nhiều tờ trình về chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội TP. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ, tiếp tục thăm hỏi các lực lượng hỗ trợ TP sau 1 năm chống dịch…

Bên cạnh các kết quả, ông Toàn cũng chỉ ra một số hạn chế. Bao gồm khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra.  Một số ngành có chỉ số lao động giảm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 7 tăng 2,6%. Việc triển khai lập quy hoạch TP giai đoạn 2021-2030, đến năm 2040, tầm nhìn 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu. Dịch sốt xuất huyết ở TP và các tỉnh phía Nam nói chung còn diễn biến phức tạp.

Theo đó, ông Toàn cho biết, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới TP tiếp tục tập trung công tác kiểm soát và phòng, chống dịch. Khẩn trương cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về chính sách về đất đai, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể… và các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 HĐND TP khóa X.

TP cũng chuẩn bị xây dựng khung đánh giá chương trình công tác năm 2022 và xây dựng dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.

Hoàn thiện tham mưu báo cáo tổng kết Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị gắn với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội; đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 về các cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM xứng tầm với vị trí, vai trò của đô thị đặc biệt.

Bên cạnh đó, tập trung hơn nữa trong công tác cải cách hành chính; triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án, đề án trọng điểm của TP. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế. Tiếp tục tăng cường, đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)