Chiều 3-11, UBND TP.HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ tháng 11 năm 2020.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp chiều 3-11 (Ảnh: TTBC)
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đánh giá tình hình kinh tế TP 10 tháng năm 2020. Trong tháng 10, tình hình kinh tế TP tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy không nặng như làn sóng dịch lần thứ nhất nhưng ít nhiều cũng khiến nền kinh tế gặp khó khăn.
Trong đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 115.367 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,7%). Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.058.140 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,6%.
So với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 10 tháng ước đạt 36,71 tỷ USD, tăng 5,5% (cùng kỳ tăng 10,8%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 40,94 tỷ USD, giảm 1,8% (cùng kỳ tăng 8,0%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,6%; các mặt hàng còn lại giảm so với cùng kỳ…
Về tổng doanh thu du lịch tháng 10 ước đạt 8.800 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 12.800 tỷ). Tổng 10 tháng năm 2020 ước đạt 66.144 tỷ đồng, giảm 45,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 121.100 tỷ đồng), đạt 45% so với kế hoạch năm…
Riêng công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao. TP đã có 95 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng là sự phấn đấu rất lớn. Ông cũng đánh giá cao hoạt động quyên góp, thăm hỏi, động viên, chia sẻ kịp thời của TP.HCM đến người dân miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa.
Quang cảnh cuộc họp tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ tháng 11 năm 2020 (Ảnh: TTBC)
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do tác động dịch Covid-19. Đây là cơ sở để báo cáo HĐND TP vào cuối năm để thấy được thành quả lớn của TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cuối năm 2021 mới có thể tiếp cận được vắc xin phòng chống Covid-19 Chiều cùng ngày, UBND TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng năm 2020. Tại đây, trả lời câu hỏi báo chí về thông tin một đơn vị tại Khu công nghệ TP.HCM đang sản xuất, thử nghiệm vắc xin phòng chống Covid-19 thì người dân TP có được tham gia không, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định Sở Y tế chưa có thông tin này và đang kiểm tra, sau đó sẽ thông tin lại. “Hiện nay không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng đang trông chờ sớm có vắc xin phòng chống Covid-19 hiệu quả, an toàn, có thể sử dụng rộng rãi ở trên con người. Gần đây cũng có nhiều thông tin khác nhau về các đơn vị, các quốc gia đang thử nghiệm vắc xin ở các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Y tế, sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 chúng ta mới có thể tiếp cận được các vắc xin. Trong khả năng có thể, Việt Nam cũng đang tăng tốc làm sao để có thể sản xuất được vắc xin với tiêu chí đầu tiên là an toàn và sẽ được thử nghiệm qua nhiều khâu”, Phó Giám đốc Sở Y tế nói. Thông tin thêm về dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Hưng – cho biết tình hình dịch bệnh các nước trên thế giới đang hết sức phức tạp. Tại Việt Nam, dù cơ bản kiêm soát tốt nhưng nguy cơ vẫn còn, đặc biệt mùa đông sắp tới sẽ có nhiều thách thức trước phòng chống dịch. Về phía Sở Y tế cũng đã xây dựng, hoàn thiện cập nhật các phương án, kịch bản phòng chống dịch bằng cách xác định các tiêu chí. Khi dịch bệnh xảy ra ở tình huống nào thì TP sẽ có những giải pháp đối phó linh hoạt, phù hợp với từng tình hình. |
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch Đầu tư cũng phải phối hợp Văn phòng UBND TP và một số các đơn vị liên quan xây dựng đề cương kế hoạch 5 năm dựa trên định hướng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ 11; kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm và 41 đề án đã được thông qua. Kế hoạch do thường trực UBND TP chủ trì, sau đó triển khai đến thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND quận huyện. Trên cơ sở này, thủ trưởng các đơn vị lên kế hoạch kinh tế, xã hội cho sở ngành, địa phương mình.
“Hiện nay đa số chủ tịch UBND quận huyện đều là người mới, đòi hỏi phải quán triệt đầy đủ kế hoạch 5 năm để triển khai xây dựng kế hoạch ở địa phương gắn với Nghị quyết đại hội Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
“Năm 2021 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ 11, cũng là năm triển khai thực hiện cụ thể hóa kế hoạch 5 năm (2021-2026) nên phải xây dựng kế hoạch 5 năm”, ông Nguyễn Thành Phong nói thêm.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)