Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh tế Việt Nam 2012: Thoát lên từ “cửa” BĐS

Tạp Chí Giáo Dục

"Sự phục hồi của thị trường BĐS không chỉ là cứu cánh cho ngân hàng mà còn cho các lĩnh vực kinh tế khác", TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã chia sẻ quan điểm này tại Hội thảo "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012, đâu là cơ hội?" vừa được tổ chức tại TP. HCM. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người khác.

Khủng hoảng lòng tin

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Bến Thành Land chia sẻ, các doanh nghiệp đang rất trông ngóng tình hình kinh tế vĩ mô tốt lên, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp hiện nay. Chưa thấy nước nào mà lãi suất vay vốn lại cao nhiều năm liên tục như Việt Nam
"Điều lạ là khi kinh tế khó khăn, sản lượng xe hơi bán vẫn tốt. Năm 2011 đã có 200.000 xe được bán ra. Trong khi đó, toàn bộ nhà, đất vẫn còn tồn. Nếu khảo sát nhu cầu mua nhà thì hỏi 10 đã có 8 người muốn mua. Phải chăng, khó khăn không phải nằm ở cung, cầu mà là chính sách?", ông Trí đặt câu hỏi. 

Nói về tình hình khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chúng ta chưa có một chính sách nhà ở nào "tử tế". Chính sách tín dụng về nhà ở đang có vấn đề rất lớn. Việt Nam đã có một số ngân hàng ra đời với chiến lược cung cấp tín dụng nhà ở cho người dân (như Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long và Habubank), nhưng bây giờ, tất cả các ngân hàng này đều muốn trở thành ngân hàng thương mại cung cấp các dịch vụ như các ngân hàng khác. "Chính phủ nhất thiết phải có chiến lược về nhà ở và tín dụng cho nhà đất một cách rõ ràng. Vì đầu tư vào nhà đất là một khoản đầu tư rất lớn, mang tính dài hạn và vượt xa khả năng có thể sở hữu của đa số người dân Việt Nam hiện nay", tiến sĩ Nghĩa nói.
Phản ánh mối quan hệ đang xảy ra hiện nay giữa các ngân hàng với doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng HDBank cho biết, đang có sự "khủng hoảng niềm tin" giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị nợ quá hạn nên "buộc phải" không chân thật với ngân hàng và ngân hàng cũng không tin doanh nghiệp.

"Không chỉ lòng tin của ngân hàng với doanh nghiệp và doanh nghiệp với ngân hàng suy giảm mà ngay chính giữa các ngân hàng thương mại với nhau, lòng tin cũng đang giảm sút. Các ngân hàng thương mại chưa bao giờ bị rơi vào tình trạng đi vay tiền trên thị trường liên ngân hàng mà cũng phải có tài sản thế chấp như hiện nay", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Gỡ nút thắt từ thị trường BĐS?

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, điều Chính phủ lo nhất hiện nay là nợ xấu cho vay BĐS. Rủi ro từ khu vực BĐS với ngân hàng là rất lớn nên sự phục hồi của thị trường BĐS không chỉ là cứu cánh cho ngân hàng mà còn cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Để giải bài toán này, tiến sĩ Nghĩa cho biết, chúng tôi đang kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng một chương trình tài chính cho các dự án nhà ở. Việc cho vay các dự án nhà ở đang dở dang cũng đang được đề nghị kéo dài đến hết năm 2012. Một đề xuất thiết thực khác cũng đang được xem xét là người dân mua nhà ở vay tiền ngân hàng thương mại không nhất thiết phải trả bằng tiền lương mà có thể trả bằng các khỏan thu nhập khác nếu chứng minh được. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ phục hồi việc cho vay mua nhà của các ngân hàng chuyên về loại tín dụng này như Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long…

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, từ kinh nghiệm của năm 2011, năm 2012, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp tăng trưởng tín dụng cao hơn, từ đó "gỡ băng" cho cả thị trường BĐS và chứng khoán. Tiến sĩ Lịch cho biết, các chính sách tín dụng sắp tới sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu; các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn. Đối với lĩnh vực BĐS sẽ là những dự án đầu tư nhà ở xã hội, những dự án phục vụ cho các công trình đô thị…

Liên quan tới việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc tái cấu trúc không chỉ là hợp nhất những ngân hàng yếu, mà làm sao xây dựng các ngân hàng trong tương lai phải là một hệ thống lành mạnh, việc hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải có một số ngân hàng lớn tầm cỡ khu vực. Hơn thế, tái cấu trúc để phần lớn các ngân hàng có quy mô đủ sức tương xứng với hoạt động của nó, và tiến tới, khá nhiều ngân hàng phải là ngân hàng đại chúng. 

Nhận diện những khó khăn vẫn còn trong năm 2012, đại diện HDBank cho rằng, không nên tăng dư nợ đầu tư quá nhiều vào một ngành hàng nào. Dù bản thân mình không có vấn đề, nhưng các đối tác có vấn đề thì cũng dễ gây hiệu ứng domino. "Năm 2012, đầu tư an toàn vẫn là trên hết", đại diện nhà băng này nhận định.   
“Có 4 cơ hội trong khó khăn”
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia    

Thứ nhất, chúng tôi đã nhận thấy một chiến lược thương mại đầu tư xuyên Thái Bình Dương đến từ các đối tác Mỹ. Chiến lược đầu tư dài hạn của các đối tác Mỹ mang đến Việt Nam là cơ hội lớn cho thị trường phục hồi.    

Thứ hai, Chính phủ đã nhận thấy những khó khăn thực sự của doanh nghiệp nên năm 2012, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách khắc phục và giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, đã có những dấu hiệu chứng tỏ đang có chính sách phục hồi thị trường BĐS và chứng khoán. Dù chính sách về tín dụng BĐS mới đưa ra của NHNN còn chưa thật rõ ràng, nhưng cũng chứng tỏ chính sách đã quan tâm đến lĩnh vực này. Đối với TTCK, UBCK đang xây dựng đề án tái cấu trúc các CTCK và TTCK. Có thể tới đây, các CTCK tồn tại được sẽ còn rất ít. Trong khi đó, hàng hóa cho TTCK tiếp tục được "đẩy ra". Chính phủ vẫn đẩy mạnh chủ trương cổ phần hóa ngành hàng không, dầu khí, ngân hàng thương mại lớn… những mặt hàng đáng giá trên TTCK.
Thứ tư, năm 2012 sẽ sửa chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng. 
“Chính sách của Nhà nước phải trở thành hoa tiêu rõ ràng”
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội  

Chính phủ đã chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế. Từ 2008, chúng ta đã áp dụng nhiều giải pháp tính thế hay, nhưng chưa căn cơ. Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu, chậm nhất là năm 2012, tổng thể nền kinh tế phải được bắt đầu tái cấu trúc, chứ không riêng gì 3 lĩnh vực: đầu tư công, thị trường tài chính, các tập đoàn. Cụ thể hơn, đến 2015, khi hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng, các ngân hàng sẽ phải trở thành công ty đại chúng được niêm yết trên sàn, công khai minh bạch tốt hơn.  

TTCK đã giảm sâu, BĐS đóng băng. Chúng ta sẽ làm tan khối băng này từ từ để kích thích thanh khoản.  

Đối với vấn đề giảm lãi suất cho vay, tôi cho rằng, lãi suất có xuống được hay không là tùy vào khả năng NHNN có thể "bơm" được tiền hay không. Tuy nhiên, cũng vẫn phải dè chừng lạm phát. Vì vậy, Chính phủ vẫn phải đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu. Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề nghị Chính phủ hỗ trợ thông qua tín dụng và phát huy vay trò của quỹ bảo lãnh tính dụng.  

Tôi tin rằng, những tín hiệu điều hành sắp tới sẽ được thể hiện rõ hơn, để doanh nghiệp nhìn chính sách của Nhà nước như một hoa tiêu rõ ràng hơn.

  Theo Ngọc Lan
 

(ĐTCK-online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)