Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh tế Việt Nam đang phát triển tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“7 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng tích cực, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế được lạm phát, vấn đề an sinh xã hội giải quyết được việc làm cho hơn 900.000 lượt người lao động”.

Đó là nhận xét chung của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 3 và 4/8.
Về tình hình xuất, nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm, người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kì năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 45,7 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kì. Nhập siêu 7 tháng đầu năm ước khoảng 7,4 tỉ USD, bằng 19,45% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kinh tế Việt Nam được nhận định đã qua giai đoạn khủng hoảng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2010 tăng 0,06% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Tính bình quân, CPI 7 tháng đầu năm 2010 tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách đề ra theo nghị quyết 18/NQ – CP.
Về vấn đề thực hiện ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7/2010, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 265.100 tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán năm; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt xấp xỉ 299.000 tỷ đồng, bằng 51,3% dự toán năm, tăng 24,2% so với cùng kì năm 2009.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nhìn chung kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Thu ngân sách đạt tiến độ khá, xuất khẩu tiếp tục được cải thiện cao hơn so với cùng kì năm trước; nhập siêu có xu hướng giảm; giá cả thị trường bình ổn; lạm phát được kiểm chế trong giới hạn cho phép; đời sống người dân từng bước được khắc phục.
Trong các đợt thiên tai, dịch bệnh vừa qua các địa phương đã kịp thời xử lí để đảm bảo ổn định tình hình sản xuất. Đặc biệt trong các đợt lũ chúng ta đã cố gắng không để cho người dân phải chịu đói, rét.

Không để tình trạng tăng giá bất hợp lý
“Các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm chỉ đạo thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chú trọng làm tốt kiểm soát giá, không để tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý” – chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như; giá cả trên thị trường thế giới tăng, gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong cả nước; tình trạng thiếu điện trong những tháng đầu năm, thiếu vốn lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Ngoài ra thiên tai, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến phức tạp…
Trong các tháng cuối năm 2010, cùng với việc tổ chức tốt các Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, giảm dần tốc độ tăng giá, thực hiện chính sách tiền tệ vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vừa bảo đảm tín dụng và cung ứng nguồn vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển.
Căn cứ diễn biến của thị trường, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu để thực hiện các giải pháp ở tầm vĩ mô nhằm giảm lãi suất tín dụng xuống mức hợp lý; ổn định tỷ giá ngoại tệ trong biên độ cho phép đi đôi với biện pháp cân đối ngoại tệ…
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện 7 giải pháp cụ thể là tiếp tục thực hiện tốt việc thu mua, dự trữ, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu bảo đảm cho nông dân có lãi ở mức hợp lý; chủ động phòng chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi không để lây lan trên diện rộng; triển khai các biện pháp kỹ thuật kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu…
Nguồn DÂN TRÍ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)