Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kinh tế VN 2010: Nhiều tín hiệu khả quan

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước tin tưởng vào khả năng đạt mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 6,5% trong năm 2010, đúng như mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đặt ra cho năm cuối cùng của kế hoạch 2006-2010 dù nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức.
Tương tự, việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch khác, như tăng trưởng xuất khẩu 6%; vốn đầu tư phát triển ở mức 41,5% GDP; CPI kiềm chế dưới 7%; giải quyết việc làm cho 1,6 lao động… là hoàn toàn có thể. Theo nhiều chuyên gia, triển vọng sáng sủa hơn của nền kinh tế trong năm tới là điều có thể kỳ vọng.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 rất khả quan – Ảnh minh họa
Sức bật cho năm 2010
Tại hội thảo “Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2010?” vừa được Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia kinh tế đã có luận bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng một diễn biến thuận lợi và có thể coi là “cơ may” đối với Việt Nam là đồng USD đang tiếp tục xu thế giảm giá. Điều này góp phần giảm bớt áp lực giảm giá VND và đối với chính sách điều hành tỷ giá – một bài toán khó khăn với nhiều tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2008 và 2009.
Tại hội thảo, một nội dung được các chuyên gia tập trung phân tích là Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả của các hoạt động đầu tư, hiệu quả sản xuất của các thành phần kinh tế để có những điều chỉnh và phát huy hợp lý, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững hơn trong năm 2010. Điểm chung được kỳ vọng là sức bật của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cụ thể hơn, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng một trọng lực hiện nay là sự đóng góp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Điều này sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2010.
Dẫn chứng, trong giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng qua, tăng trưởng của khu vực ngoài quốc doanh đã tăng mạnh từ tháng 7 trở lại đây, bên cạnh khối đầu tư nước ngoài; trong khi đó, khu vực quốc doanh lại ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. 3 tháng gần nhất, so với cùng kỳ 2008, tăng trưởng của khu vực quốc doanh lần lượt giảm mạnh từ 8,5%, 6,8% và còn 6,1% trong tháng 11; trong khi khu vực ngoài quốc doanh sau khi giảm từ 16,5% xuống 15,7% trong tháng 10 đã tăng trở lại 17,3% trong tháng 11.
Phải vượt qua nhiều thách thức
Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2009, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được gói lãi suất kích cầu và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhờ đó, số việc làm mới được tạo ra cũng được tăng lên theo từng quý, thu nhập của người lao động cao hơn đã kéo theo sức cầu tiêu dùng phục hồi. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm yếu cố hữu. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp năm nay tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu giảm 11,6% trong khi nhập siêu tăng cao.
Bên cạnh đó, tăng đầu tư, tăng tín dụng sẽ gây áp lực làm tăng sức cầu ngoại tệ. DN tận dụng nguồn tín dụng trong gói kích thích kinh tế để nhập nguyên liệu và thiết bị trong khi nhu cầu chưa cần, do đó vốn bị dồn lại. Điều này ở tầm vĩ mô tạo nên áp lực về cầu ngoại tệ, còn ở tầm vi mô áp lực lên hiệu quả hoạt động của DN. Vì vậy, có thể kiểm soát được CPI trong năm 2009, nhưng vấn đề lãi suất và tỷ giá thì áp lực rất lớn, trong khi đó những biến động và sự tổn thương từ tác động của nền kinh tế thế giới vẫn chưa lường hết được.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong điều kiện các cân đối vĩ mô tuy ổn định nhưng chưa vững chắc, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện thì không nên quá tập trung vào tăng tốc độ tăng trưởng mà nên chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các mục tiêu xã hội đồng thời xác định năm 2010 là năm tạo tiền đề để xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Vấn đề quan trọng nhất mà các chuyên gia cảnh báo, đó là nguy cơ tái lạm phát, trong khi đó, doanh nghiệp cần nhất là ổn định kinh tế vĩ mô để họ yên tâm sản xuất. Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh, năm 2010, nước ta sẽ đối mặt với những rủi ro. Cụ thể,  về mặt vĩ mô sẽ là nguy cơ thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, thâm hụt thanh toán, , lạm phát cao quay trở lại. Rủi ro về mặt thị trường, đó là thương mại thế giới tăng trở lại nhưng không tăng đột biến, vì vậy nhu cầu sản phẩm của Việt Nam không tăng nhiều.
"Kinh tế vĩ mô ổn định chính là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Năm 2009 và 2010 đà tăng trưởng kinh tế được duy trì nhưng có sức ép tăng lạm phát, do đó, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu xác nhận, mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế còn phải kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thanh Niên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)