Kỳ 1: Từ Thành Đại La đến Thăng Long Thành
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”(1)
Cầu Thê Húc – Hà Nội dẫn vào Đền Ngọc Sơn |
Hà Nội của chúng ta kể từ khi Lý Công Uẩn khai sinh trong bài Chiếu dời đô, đến nay đã tròn 1.000 năm (1010). Nếu ta tính từ Thục Phán xây thành Cổ Loa thế kỷ trước Công nguyên thì đã đến hơn 2.200 năm. Đây có lẽ là một trong những thủ đô tuổi cao nhất còn lại trên trái đất này. Ta yêu Hà Nội không chỉ là trái tim thiêng liêng của tổ quốc, mà chính nơi đây trải qua hàng chục thế kỷ có biết bao nhiêu chiến công vang dội, nơi có nhiều truyền thuyết kỳ lạ và có nhiều danh lam thắng địa.
Sử sách còn ghi
Đọc lại sử sách cũ ghi lời của Lý Thái Tổ – vua thứ nhất của họ Lý – khi nhận thấy Hoa Lư không tiện đường giao thông, không mở mang thành nơi phồn hoa đô hội được, nên vua bèn ra lệnh dời đô ra thành Đại La, tức Hà Nội bây giờ: “Đại La là khu vực thích trung của trời đất, có hình thế như hổ phục rồng chầu, đúng cái vị trí của bốn phương đông, tây, nam, bắc trước mặt và sau lưng đều có sự thuận tiện của sông nước. Đất nước rộng rãi mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui. Xem khắp đất Việt, đó là chỗ đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời”.
Tương truyền rằng triều nhà Lý khi đưa kinh thành về đây vì có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự của vua rồi bay lên cửa Đại Hưng, nên nhân đó Lý Thái Tổ mới đặt là Thăng Long Thành.
Thành Đại La thế kỷ thứ IX do Cao Biền – một tên tướng đời Đường sang làm Tiết độ sứ xây. Cao Biền đắp thành Đại La bốn mặt dài 1.982 trượng linh năm thước, dày hai trượng, có 55 sở vọng lâu, sáu cửa ống. Trong bài thơ Điếu Cổ Loa Thành của Tế Xuyên thời Lê đã mỉa mai: Cao Biền tốn công xây thành đắp lũy, bài thơ còn truyền lại trong dân gian: Đại La Thành tốn công xây/ Cao Biền tưởng chiếm đất này dài lâu/ Nào ngờ mấy chục năm sau/ Vùi quân xâm lược dòng sâu Bạch Đằng”(2).
Đến năm 939 chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, nước ta trở thành một nước độc lập, thì Ngô Quyền lại về Cổ Loa đóng đô. Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành lại đóng ở Hoa Lư. Thành Đại La trở nên hoang tàn. Mãi đến thời Lý 1010-1225, Trần 1225-1400, Hồ 1400-1407, Hậu Trần 1407-1413, thuộc Minh 1414-1427, nhà Lê 1428-1788, nhà Nguyễn 1788-1882, và thuộc Pháp 1883-1945, trong khoảng ngót ngàn năm ấy, Thăng Long đã đổi thay bao màu sắc, xóa đi bày lại như ván cờ. Thời Lý Công Uẩn, Thăng Long thành mở bốn cửa: Đại Hưng, Đông Hoa, Quảng Đức và Diệu Đức. Qua các lần ngoại xâm của quân Nguyên 1285 – Thoát Hoan kéo thẳng xuống đô thành, năm 1287 giặc Nguyên đến lần thứ hai, vua Nhân Tông bỏ thành đi về phía Nam. Đến Trần Nghệ Tông 1371 và 1378, hai lần Chiêm Thành theo đường bể vào đánh phá kinh sư. Đến năm 1406 giặc Minh xâm lấn bờ cõi, chiếm Đông Đô đổi thành Đông Quan, mãi 1427 Lê Lợi mới giải phóng được. Tôn Sĩ Nghị tướng nhà Thanh do Lê Chiêu Thống rước vào đóng doanh trại ở Thăng Long năm 1788. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Nguyễn Tri Phương tuyệt thực hy sinh. Lần thứ hai Pháp vào (1882), Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn. Mãi đến tháng 8 năm 1945, ngày 19-8 lịch sử, Hà Nội đã vùng lên lật đổ đế quốc Pháp – Nhật cùng phong kiến, giành lại tự do.
Những dòng sông lịch sử
Thăng Long xưa kia có núi Nùng ở giữa. “Nùng sơn chính điện”, đó là cái rốn của rồng vàng. Trên núi có điện Kính Thiên, điện Vạn Thọ, hai bên tả hữu là nơi thường triều. Bên tả điện Kính Thiên có miếu… sông Tô Lịch do nhánh sông Nhị từ bắc chuyển sang tây vòng quanh Thăng Long như chiếc đai ngọc đầy cây xanh hoa lạ, duyên dáng rót vào Hồ Tây. Tên sông Nhị là do Hoàng Phúc thời Minh đắp Thành Đại La, thấy nước sông chảy quanh như cái vành tai, bèn đặt là Nhĩ Hà, sau này đọc là Nhị Hà. Sông Tô Lịch là phân lưu của sông Nhị. Sông này từ mùa đông đến mùa xuân nước cạn, mùa hè, mùa thu nước lớn phải dùng thuyền. Theo Lĩnh Nam chích quái xưa kia Cao Biền thấy một người tóc bạc, diện mạo kỳ lạ, từ sông đi lên, Biền hỏi thì xưng họ Tô tên Lịch, nói xong liền biến vào Thành Đại La. Biền lo sợ “gian thần” đến ám hại nên lập đàn cúng và đặt tên là sông Tô Lịch(3). Xưa kia Tô Lịch uốn khúc phía tây nam Tây Hồ đưa nước Hồng Hà về tây nam Thăng Long. Du khách thường đến ngoạn cảnh đề thơ ca hát. Sông Nhị Hà và sông Tô Lịch bao bọc từ Bắc đến Nam như chiếc vành khuyên, chính giữa là Tây Hồ. Theo truyền thuyết, Hồ Tây là mạch nước chảy từ bụng rồng (Long Đỗ) nên nguồn nó bất tuyệt, Tây Hồ ví như sữa đựng trong chén, nước sâu thì ngập, nước cạn thì đất nổi. Năm 1258 Lý Thái Tông dựng hành cung nơi đây, gọi tên là Dâm Đàm, vì mặt hồ quanh năm có sa mù bốc lên thành từng đám mưa nhỏ rơi xuống…
Đoàn Minh Tuấn
LTS: Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhà văn Đoàn Minh Tuấn vừa thực hiện xong bài tư liệu rất đặc sắc về Kinh thành Thăng Long. Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến bạn đọc…
|
(1)Huỳnh Văn Nghệ
(2)Thơ dịch của Doãn Kế Thiện
(3)Theo Việt Điện U Linh chép sông Tô Lịch xuất hiện dưới thời Tần. Tài liệu của Tảo Trang
Bình luận (0)