Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội. Ảnh: I.T |
Không chỉ có hồ Tây, Hà Nội còn có hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu cùng nhiều công trình kiến trúc đẹp và nổi tiếng khác. Mỗi thắng cảnh đều có những dấu mốc lịch sử kỳ thú khác nhau…
Nét đẹp của hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm
Năm 1573, đời Lê Thế Tông, Duy Đàm là tên húy của vua nên đổi hồ Dâm Đàm là Tây Hồ. Qua đến thời Trịnh Tạc tức “Tây Vương” kiêng chữ Tây nên đổi là Đoái Hồ (1657). Trịnh Tạc chết, gọi là Tây Hồ như cũ. Hồ Tây là một thắng cảnh bậc nhất của thủ đô, qua các triều đại cũng là nơi hết sức sầm uất. Quanh hồ có 61 phường, nổi tiếng là phường Hồ Khẩu, Thụy Khê, Thạch Lân, Bái Ân. Quanh hồ có nhiều lâu đài nguy nga tráng lệ: cung Thúy Nga (nay là chùa Trấn Quốc): trường thi Hương ở Quảng Bá, điện Nam Quang xưa kia thời Lý lợp bằng ngói bạc từ dưới lên cao hàng trăm bậc, những đêm trăng trong, gió lành, triều thần nhà Lý ra đó xem bơi thuyền. Hoa Thôn Thái đường là một biệt thự lớn để xuân thu nhị kỳ cho hoàng tộc vui chơi, yến tiệc. Từ hồ Tây vào cửa Đoan Môn không mấy bước ngựa, trong đó điện Càn Nguyên nơi vua Lý coi chầu, điện Tập Hiền để hội các văn quan, điện Giảng Võ để thi võ nghệ. Cửa Phi Long thông ra cung Nghi Xuân, cửa Đan Phượng thông ra cửa Uy Vũ, chính giữa là điện Cao Minh, thềm cao gọi là Long Trì có hành lang sơn son thếp vàng bốn mặt. Đằng sau là điện Long Hoa, Long Thủy, các cung Thúy Hoa, Ngọc Bội để cho các mỹ nữ, cung tần ở. Với diện tích 15.000 mẫu ta, hơn 500 héc-ta (cách đo hiện nay) và một vòng chu vi 15 cây số từ Nhật Tân lên An Dương vòng về Bưởi và từ Bưởi đến phố Thụy Khê, đó là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử. Trong Tây Hồ bát cảnh của thi xã đời Vĩnh Hựu (1735-1739) thời Lê đã vịnh tả: một là bến trúc Nghi Tàm, hai là rừng bàng Yên Thái, ba là đàn thề Đồng Cổ. Đàn thề Đồng Cổ lập từ thời Lý Thái Tổ (1028-1054), xây hai tầng, mỗi năm hai kỳ bá quan văn võ ra thề “làm con phải hiếu, làm tôi phải trung. Bất hiếu bất trung, thần minh giết chết”.
Ngoài hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm cũng nổi tiếng không kém. Tương truyền, vua Lê Thái Tổ đi thuyền chơi hồ Hoàn Kiếm có rùa vàng nổi lên, vua lấy kiếm chỉ rùa, rùa liền ngậm bảo kiếm lặn xuống. Sau lại nổi lên trả cho vua. Hồ Hoàn Kiếm sau còn đổi tên là hồ Thủy Quân để duyệt thủy binh. Đời Vĩnh Hựu (1735-1740) dựng cung Khánh Thụy, ngăn hồ làm hai. Dựng đền Ngọc Sơn. Phía bắc là Tả Vọng hồ, phía nam là Hữu Vọng hồ. Ngoài thì có bát cảnh Tây Hồ. Trong thì Thăng Long bát cảnh, do khách buông lời Thanh vịnh: “Ngự lâu quan đào (lầu ngự xem sóng)/ Khán Sơn tịch chiếu (nắng chiều chiếu vào Khán Sơn)/ Thanh Trì vấn tân (thăm bến đò Thanh Trì)/ Bồ Đề viễn diễu (Bồ Đề trông xa)/ Báo thiên hiếu chung (chuông lớn tháp Báo Thiên)/ Bạch Mã sân thị (họp chợ Bạch Mã)/ Nhị Hà hải phàm (cánh buồm biển trên sông Nhị)/ Lãng Bạc ngư ca” (hát thuyền chài trên Tây Hồ)”.
Những ngôi chùa lịch sử
Thủ đô Hà Nội còn có những công trình kiến trúc đẹp, rất nổi tiếng như chùa Một Cột, Văn Miếu, chùa Kim Liên, đền Lý Quốc Sư, tháp Báo Thiên… Chùa Một Cột (1049) dựng giữa một hồ vuông, trong hồ có đá, trên đầu cột có một tòa chùa ngói như hoa sen nở trên mặt nước. Xưa Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dắt vua lên đài. Lý Thái Tông bèn lập thêm một chùa bên cạnh nữa là chùa Diên Hựu. Đến thời Lý Nhân Tông cho sửa lại xây tháp chóp trắng gọi là tháp Bạch Tuynh, cho vét hồ Linh Chiểu, ngoài hồ xây hành lang đào ao Bích Trì và bắc cầu vồng để qua. Trước ao dựng bảo tháp. Đúc chuông lớn, theo sử cũ Lý Nhân Tông vào năm Long Phù thứ tám (1108) cho xuất kho 12.000 cân đồng để đúc chuông Giác thế chung (quả chuông thức tỉnh người đời) treo trước chùa Diên Hựu, dự tính mỗi khi chuông đánh lên xa hàng chục dặm cũng nghe thấy. Nhưng vì chuông to quá không treo được, phải để ngay chỗ ruộng Rùa nên gọi là chuông Quy Điền. Đến năm 1427, Vương Thông bị bao vây ở Đông Quan hết binh khí, nên hắn cho phá chuông để đúc đạn.
Từ chùa Một Cột đi qua đường Điện Phủ về thăm chùa Lý Quốc Sư, cành đa cổ thụ và cây khế già mùa xuân xanh mượt ngả bóng mát che kín mái đền. Năm Thiên dương Bảo tự thứ tư (1136), vua Nhân Tông nhà Lý ban cho Nguyễn Minh Không tôn hiệu “Lý triều quốc sư”. Bốn từ ấy giờ vẫn được kẻ đậm trước đền. Vị thượng tọa Nguyễn Văn Định đã 70 tuổi, người có công đứng ra tu sửa ngôi chùa này khi giặc Pháp đến đốt phá kể: “Ngoài cột đá chạm nổi thời Lý có tượng Phật Quan Âm. Trong chùa còn có pho tượng Nguyễn Minh Không bằng gỗ quý. Tượng Từ Đạo Hạnh bằng đá xanh đều tạc thời Lý, với câu chuyện dân gian lưu truyền mãi đến ngày nay. Minh Không thiền sư cùng Từ Đạo Hạnh hóa thân làm con Sùng Hiền Hầu là em ruột Lý Nhân Tông. Nhân Tông không có con, sau khi mất, con Sùng Hiền Hầu lên ngôi là Thần Tông (1128-1138). Làm vua bốn năm Thần Tông bị bệnh, triều thần tìm các danh y đến chữa không được. Sau chỉ có Minh Không chữa khỏi. Tại chùa này có ngọn Tư Thiên bảo tháp, tức là tháp đại thắng tư thiên, hay gọi là tháp Báo Thiên. Tháp cao hàng chục trượng, 13 tầng do Lý Thánh Tông dựng…”.
Một thắng cảnh nữa là Phật say làng Thụy. Làng Thụy Chương có một ngôi chùa thờ Phật, dân làng lại nấu rượu ngon. Một hôm trạng Quỳnh thèm rượu đi mua, có làm mấy câu thơ: “Ông đứng chi mà đứng mãi đây/ Dập dềnh như tỉnh lại như say/ Vải nào chuốc cho ông rượu/ Còn hết cho vay một nậm đầy.
Đoàn Minh Tuấn
Bình luận (0)