Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kinh thành Thăng Long: Thuở trước, hôm nay…: Kỳ cuối: Xứng danh 1.000 năm tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Trống cái chuẩn bị đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ảnh: T.L

Các di tích Kinh thành Thăng Long cổ kính còn lại là những vật báu từ ngàn xưa của nhiều bậc tiền nhân trao lại cho đời sau. 82 tấm bia đá ở Văn Miếu ghi khắc tên tuổi những vị tiến sĩ các thời vừa được UNESSCO công nhận di sản thế giới.
Những bậc tiền nhân lỗi lạc
Từ năm 1442, bắt đầu khoa Đại Bảo thứ ba đời Thái Tông nhà Lê, đến đời Lê Hiển Tông (1778), vị chi 336 năm, trong Đăng Khoa lục có 116 khoa chính, đáng lẽ mỗi khoa có một bia dựng thì 116 bia, nhưng qua nhiều cuộc đổi thay, nhiều bia bị hủy, hoặc có khoa không dựng bia. Nhiều văn nhân lỗi lạc như nhà toán học Võ Hữu đời Trần, nhà sử học Ngô Thì Sĩ học vấn sâu rộng, văn chương uyên bác làm rực rỡ một thời; nhà chính trị Nguyễn Công Hãng, Phạm Công Trứ, nhà bác học Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, nhà văn đồng thời là nhà chính trị Ngô Thì Nhậm mà vua Quang Trung đã khen “một ngòi bút sức mạnh bằng mười vạn quân”… Chùa Kiến Sơ còn tượng Lý Công Uẩn, chuông chùa Bắc Biên còn ghi chép về Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc đồng thời là tác giả bản hùng ca Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, đình Thanh Liệt thờ Chu Văn Trinh tức Chu An đời Trần, đền thờ Lý Nam Đế và Phùng Hưng ở Ba Đình… Di tích Đống Đa – Ngọc Hồi vang dội huân công của Nguyễn Huệ… Trước kia Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác, một thầy thuốc giỏi vào kinh bốc thuốc cho chúa Trịnh đã tả cảnh kinh thành: “Quanh co hơn một dặm, đâu đâu cũng lâu đài, đình gác, cửa ngọc, rèm châu, long lanh chiếu xuống đáy nước, cao vút tận trời xanh. Hai bên đường toàn là hoa thơm cỏ lạ, những loài thú lạ, những con chim đẹp bay nhảy hót vang. Từ dưới đất bằng, nhô lên một hòn núi cao, cây cổ thụ bóng che râm mát. Một cái cầu sơn bắc ngang qua dòng nước uốn quanh, đá hoa làm lan can… thực không khác gì một cảnh tiên”.
Thành Cửa Bắc còn ghi tinh thần yêu nước của Hoàng Diệu. Trụ sở của Đảng số 312 phố Khâm Thiên, căn hầm nhà 90 phố Hàng Bông thợ nhuộm – nơi đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng thảo Luận cương chính trị. Nhà bà Hai Vẽ thôn Phú Gia, đồng chí Trường Chinh và cơ quan thường trực của Trung ương Đảng ở thời tiền khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo Tuyên ngôn độc lập trong gian nhà số 48 Hàng Ngang, sáng ngời trang sử của Hà Nội. Đó là sự kiện quan trọng, một vinh dự lớn đối với nhân dân Hà Nội, cũng là lần đầu tiên, Bác Hồ vô cùng tôn kính của tất cả chúng ta đến Hà Nội. Ngày ấy, 26-8-1945, khi đặt chân lên đất nghìn năm văn hiến, Bác vẫn “mong manh áo vải” trong căn buồng sâu thẳm ở số nhà 48 Hàng Ngang, với chiếc máy chữ nhỏ, Người đã đánh bản Tuyên ngôn độc lập – khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vô vàn yêu quý. Hàng chục vạn nhân dân Hà Nội tươi thắm trong màu áo đẹp và rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng mít-tinh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử uống lấy từng lời trong bản Tuyên ngôn độc lập mà từ lâu khát khao mong đợi.
Kinh thành Thăng Long hôm nay
Hà Nội với chợ và phố phường đông đúc. Xưa kia phố Hà Khẩu (tức Hàng Buồm) bán sách vở, hóa phẩm, phố Hàng Mã hay phố Trừng Thanh bán hàng mã, phố Báo Thiên bán vải thâm và dù xanh, phố Nam Hoa hay là phố Hàng Bè bán thùng gánh nước, phố Hàng Bạc bán vàng bạc châu báu, phố Hàng Giày hay phố Tô Tịch bán giày dép, phố Mã Mây bán song và mây, phố Đồng Lạc bán yếm và y phục phụ nữ, phố Đông Hà bán chiếu (Hàng Bát). Các phố chuyên bán thức ăn như: Hàng Gạo, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Khoai… đồ dùng bán ở Hàng Bổ, Hàng Cân, Hàng Điếu, Hàng Hòm, Hàng Lược… Các phường như: phường Yên Thái làm giấy và dệt lĩnh hoa bền đẹp; làng Thụy Khê, Nghi Tàm dệt lụa; làng Hoa Tân nung vôi; phường Hàng Đào, Đại Lợi nhuộm lụa… Các vật thổ sản đẹp, lạ khắp 61 phố phường, 21 cửa ô và 13 trại xưa đều đủ cả. Các thứ gạo di, gạo thơm, gạo dự, gạo hoa khế, gạo hương, gạo sài đường, gạo cánh trắng, gạo nếp hoa vàng, nếp răng ngựa, nếp vằn, nếp rồng, nếp cau, rượu nếp, rượu sen, rượu cúc… khắp các huyện đâu đâu cũng có. Có lẽ từ cổ chí kim, chưa có ngày nào Hà Nội lộng lẫy, đẹp tươi bằng ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Rồi ngày 10-10-1954, bộ đội lại về giải phóng thủ đô. Ba Đình một lần nữa cờ hoa rực rỡ đón Bác về trên khắp các ngả đường từ ô Cầu Giấy, ô Chợ Dừa, ô Đông Mác, ô Cầu Dền, ngã tư Trung Hiền, ngã tư Vọng, ngã tư Sở… đến Kim Liên, Yên Phụ, Long Biên, quanh Hồ Tây…
Hà Nội từ nay trở thành cửa ngõ của những dân tộc bị áp bức đứng lên giành tự do, bạn bè bốn phương gần xa đều về thăm Hà Nội. Giặc Mỹ nhiều năm chiến tranh phá hoại đã bắn phá ác liệt, nhưng cầu Long Biên vẫn thông, xe vẫn chạy. Sân bay Gia Lâm máy bay vẫn lên xuống, ga Hàng Cỏ, ga Yên Viên, ga Văn Điển, hàng hóa vẫn vận chuyển suốt dọc chiều dài của đất nước. Giặc Mỹ phải rơi rụng hơn 300 máy bay các loại trên mảnh đất Thăng Long này.
Hà Nội đón Bác về, Hà Nội đưa tiễn Bác kính yêu đi xa, Hà Nội nguyện xứng đáng với lời dạy bảo của Bác. Hà Nội thành phố hòa bình tròn 1.000 năm tuổi. Đại lễ Thăng Long nghìn năm đang đến, đó là vận hội đất nước đi lên – vận hội dân tộc ta nghìn năm một thuở, quyết xứng đáng lời dạy của Bác Hồ.
Đoàn Minh Tuấn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)