Đây là sản phẩm của Lê Anh Tiến và Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (sinh viên Khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) nhằm giúp người khuyết tật bớt thiệt thòi, có cơ hội phát triển năng lực bản thân, tìm kiếm việc làm tốt, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ý tưởng đầy tính nhân văn
Chia sẻ về ý tưởng của mình, Tiến nói: “Trong thời đại phát triển và bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, các cơ hội và yêu cầu về giao tiếp, làm việc, học tập thông qua máy vi tính, internet là rất lớn. Tuy nhiên, người khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật tay bị hạn chế trong việc sử dụng và tiếp cận. Điều này làm hạn chế, thiệt thòi cơ hội phát triển năng lực bản thân, cơ hội việc làm tốt của nhóm người khuyết tật này… Mặt khác, các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật trên thị trường nước ngoài chủ yếu sử dụng cơ học, cồng kềnh, khó sử dụng và mất một thời gian dài để tập làm quen mới có thể sử dụng được. Trăn trở về việc phải làm một điều gì đó giúp người khuyết tật có cơ hội giảm bớt sự phụ thuộc, có thể vươn lên trong cuộc sống, đến khoảng tháng 9-2014, tụi em đã bắt tay thực hiện dự án kính thông minh. Sau khi ý tưởng đưa vào thực hiện, tụi em đã có buổi triển lãm sáng kiến đầu tiên tại Hội An do Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức”.
Lê Anh Tiến đang giới thiệu sản phẩm kính thông minh |
Theo Tiến, kính thông minh HandiGlass là chiếc kính hỗ trợ người khuyết tật điều khiển con trỏ chuột máy vi tính. HandiGlass có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ. Người dùng có thể dễ dàng sử dụng thông qua cử chỉ. Có thể di chuyển con trỏ chuột máy tính bằng việc nghiêng đầu theo các hướng trái hoặc phải. Người dùng muốn nhấp chuột chỉ bằng cử chỉ nháy mắt (nhấp chuột trái: Nháy mắt <0.3s, chuột phải nháy mắt > 0.3s) là có thể điều khiển được máy tính theo ý muốn. Hơn nữa người dùng có thể sử dụng bàn phím thông qua việc nhấp chuột vào bàn phím ảo. Kính sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF. HandiGlass là thiết bị độc lập nhờ sử dụng năng lượng từ pin nhỏ được gắn ở gọng kính. Chỉ cần kết nối với máy tính bằng một thiết bị nhận thông qua chuẩn USB, máy tính sẽ tự động nhận thiết bị và người dùng đã có thể sử dụng thoải mái mà không phải phụ thuộc vào bất cứ phần mềm nào.
Mong ứng dụng rộng rãi giúp người khuyết tật
Tiến chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, dự án đã gặp nhiều khó khăn về tài chính. Là sinh viên nên việc có chi phí để nghiên cứu và làm ra những sản phẩm công nghệ này đòi hỏi phải tốn khá nhiều tiền vì làm phải rất nhiều lần mới thành công được, mỗi lần làm thất bại là phải làm lại. Đây là lần đầu tiên chúng em tiếp xúc với những khái niệm mới về lập trình cảm biến. Nhiều lúc gặp vấn đề mới thì phải đi tìm những người lớn tuổi hơn, đầy kinh nghiệm hơn để hỏi”.
Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm của nhóm Tiến và Thương cùng các bạn phụ trách dự án đã xuất sắc vượt qua 10 ý tưởng kinh doanh, giành giải nhất chương trình “Khởi nghiệp cuối tuần – Startup Weekend”, được tổ chức ở Đà Nẵng vào tháng 11-2014. Khi được hỏi về thành công và dự định tiếp theo cho sản phẩm này, Tiến trải lòng: “Mỗi sản phẩm là đứa con tinh thần mình sinh ra. Tụi em rất vui khi sáng chế thành công nhưng khát vọng của tụi em là làm sao để đưa sản phẩm này ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng giúp người khuyết tật có cơ hội thể hiện năng lực của mình, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, xã hội”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)