Trung Quốc chính thức hoàn thiện kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới chuyên săn tìm dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh trong vũ trụ xa xôi sau khi lắp xong tấm gương phản xạ cuối cùng.
Kính viễn vọng Khẩu độ rộng 500m (FAST) bao gồm 4.450 tấm gương phản xạ với đường kính 457m, tương đương 30 sân bóng đá, theo Xinhua.
Khoảng 300 người chứng kiến quá trình lắp đặt tấm gương hình tam giác cuối cùng lên mặt phản xạ của chiếc kính ở huyện Bình Đường phía tây nam tỉnh Quý Châu, Trung Quốc vào ngày 2/7. Dự án được công bố lần đầu năm 1994. Công tác lắp đặt bắt đầu vào tháng 3/2011 với chi phí lên tới 105 triệu USD và hoàn thành trước thời hạn hai tháng.
Kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới FAST chính thức hoàn thành.
Năm 2009, toàn bộ 9.110 cư dân sinh sống ở khu vực xung quanh được di dời tới 4 khu định cư khác kèm theo trợ cấp từ chính phủ để tạo ra môi trường sóng điện từ lý tưởng cho kính viễn vọng hoạt động. Mỗi hộ dân được bồi thường 1.800 USD.
Trong phạm vi bán kính 4,8km xung quanh kính viễn vọng, không có cư dân sinh sống. Ba ngọn đồi xung quanh lòng chảo tạo thành một tam giác đều. Trước khi FAST ra đời, kính viễn vọng khẩu độ rộng lớn nhất thế giới nằm ở Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico, có đường kính 300m.
"Là chiếc kính viễn vọng khẩu độ lớn nhất thế giớinằm ở khu vực vô cùng yên tĩnh, ảnh hưởng của FAST đến nghiên cứu thiên văn sẽ vô cùng to lớn và nó chắc chắn dẫn tới cách mạng hóa ở nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên", Nan Rendong, nhà khoa học đứng đầu dự án FAST, chia sẻ.
FAST sẽ cho phép các nhà thiên văn học khảo sát khí hydro ở nhiều thiên hà xa xôi và phát hiện chuẩn tinh sáng mờ, những ngôi sao neutron quay nhanh có từ trường cao, phát ra bức xạ điện từ trường.
Dự án cũng hướng đến nghiên cứu nhiều vật thể lạ nhằm hiểu rõ hơn về nguồn gốc vũ trụ và tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, theo Zheng Xiaonian, phó giám đốc Đài thiên văn Quốc gia thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Trong 2 – 3 năm tới, các nhà khoa học có thể phát hiện amino axit, vật liệu hình thành sự sống quan trọng, trong vũ trụ.
TT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)