Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kon Tum: Hiệu quả từ mô hình học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm qua, phong trào học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Kon Tum chú trọng phát triển trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ công chức. Có thể nói, đây là chủ trương đã đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế – xã hội địa phương. Điển hình là chủ trương dạy tiếng Ja Rai của huyện Sa Thầy ( Kon Tum )

Với đặc thù của một huyện biên giới, có hơn 52% dân số là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Ja Rai), công tác vận động quần chúng của huyện Sa Thầy gặp không ít khó khăn do “rào cản” ngôn ngữ… Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ Sa Thầy đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp dạy tiếng Ja Rai cho đối tượng cán bộ công chức, giáo viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đang công tác trên địa bàn huyện.

Lớp học đầu tiên được mở vào năm 2003, dành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện. Từ đó đến nay, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sa Thầy đã mở được 7 lớp với 538 học viên tham gia.

Năm 2003, Ban Thường vụ Huyện uỷ Sa Thầy đã quyết định thành lập tổ biên soạn tài liệu. Đội ngũ biên soạn đều là người Ja Rai, đảm nhận các chức vụ chủ chốt ở huyện, chủ biên là đồng chí A Siu Tiếu hiện là Phó Bí thư Huyện uỷ. Tài liệu học tiếng Ja Rai do Huyện uỷ Sa Thầy biên soạn được lưu hành nội bộ gồm 17 chương, 171 tiết (không tính thời gian ôn tập, thực hành tạo lớp, kiểm tra, thực tập). Nội dung chính của tài liệu hướng vào mục đích giao tiếp, tăng cường thời lượng thực hành (nghe, nói, viết, đọc) theo những chủ điểm thiết thực nhất: giao tiếp sinh hoạt, gia đình – xã hội, quê hương đất nước… Phó giám đốc A Thi tâm sự: Thực tế lâu nay người Ja Rai ở Sa Thầy nói hay viết vẫn thực hiện theo thói quen, tuỳ tiện, không theo một quy tắc nào cả. Việc biên soạn tài liệu, mở lớp dạy tiếng Ja Rai vừa góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, đồng thời góp phần đưa tiếng Ja Rai dần vào quy củ như tiếng các dân tộc khác trong lúc nói, viết. Tuy nhiên, do tài liệu mới biên soạn lần đầu nên vẫn còn nhiều thiếu sót. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn tìm tòi, học hỏi, cố gắng để giúp người học nói, viết đúng ngôn ngữ".

Điều đáng ghi nhận là đội ngũ giáo viên dạy tiếng Ja Rai ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Sa Thầy có kiến thức và giàu kinh nghiệm giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, với phương pháp đối thoại trực tiếp, đội ngũ giáo viên đã tạo ra không khí thân mật, gần gũi nâng cao hiệu quả dạy và học… Các học viên là cán bộ công chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện trải qua khoá học 4 tháng đều đảm bảo khả năng tiếp xúc, trao đổi, tuyên truyền vận động quần chúng có hiệu quả. Bí thư Huyện đoàn Sa Thầy – Nguyễn Trung Thành là học viên khoá đầu tiên cho biết: “Sau khi học xong lớp đào tạo tiếng Ja Rai, đi công tác ở cơ sở, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên”. Còn anh Nguyễn Hữu Khánh – cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sa Thầy bộc bạch: Do đã được học và biết tiếng Ja Rai nên việc giao tiếp với bà con dễ dàng hơn; bà con gần gũi, thân thiện hơn. Đặc biệt, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi trong công tác vận động quần chúng, giúp đỡ người dân làng Kà Bầy (xã Sa Nhơn) – đơn vị thực hiện theo Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới…

Thực tế cho thấy, việc thông thạo tiếng dân tộc bản địa ngày càng trở thành yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với cán bộ công chức, lực lượng vũ trang không chỉ riêng ở huyện Sa Thầy mà trong toàn tỉnh. Đề án "Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2005-2010" đã đưa ra mục tiêu tập trung tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ công chức đang làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Sa Thầy đã không ngừng nỗ lực để công tác dạy và học tiếng dân tộc Ja Rai ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Võ Văn Dương

(Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Kon Tum)

Theo Giáo duc & Thời đại

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)