Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Krakow, thành phố cổ nhất xứ bạch dương

Tạp Chí Giáo Dục

Mấy ngày ngắn ngủi của chúng tôi tại thành phố lâu đời nhất Ba Lan trôi qua trong cảm giác thật êm ái. Phố cổ, lâu đài cổ, chợ cổ ngày đêm thanh bình trong tiếng nhạc du dương. Vẻ đẹp đặc sắc và nền văn hóa giàu có nơi đây dễ làm du khách quên đi cuộc sống thực tại trong thoáng chốc…

Krakow vui nhộn

Có vé Eurail có thể đi tàu tại nhiều nước châu Âu, nhưng do Ba Lan không nằm trong số các nước này nên chúng tôi phải mua vé tàu đêm từ Berlin đến Krakow. Cô bạn đi cùng đề nghị nên mua vé ngồi cho tiết kiệm, vì hôm trước đi từ Hà Lan đến Berlin bằng tàu đêm cô cũng mua vé ngồi và chiếc ghế đủ cho cô nằm ngủ ngon lành. Tôi nghe theo nhưng chúng tôi nhầm: tàu Đông Âu không hiện đại và tiện nghi như tàu ở Tây Âu. Suốt đêm hai đứa chỉ ngủ được một chút vì ghế cứng, còn bộ phận điều hòa nhiệt độ hình như có vấn đề, lúc quá nóng, lúc quá lạnh, mà không biết điều chỉnh cách nào!

Quảng trường trung tâm thành phố

May mắn là Krakow ngày hôm đó trời đã hơi hửng nắng với cái lạnh thật ngọt ngào làm du khách thêm phấn chấn tinh thần. Đây là một trong những thành phố lớn nhất và cổ nhất Ba Lan, cũng là thủ đô nước này vào thế kỷ XV, XVI. Khách sạn chúng tôi ở nằm ngay gần quảng trường trung tâm phố cổ. Quảng trường rộng thênh thang được bao bọc bằng những tòa nhà cổ kính đủ màu, kiến trúc thanh thoát và quý phái, chưa có vẻ gì hư hao sau nhiều thế kỷ tồn tại.

Ở trung tâm quảng trường có một nhà thờ lớn bằng gạch đỏ, kiến trúc giản dị nhưng thâm nghiêm. Trên tháp nhà thờ, cứ đúng 12 giờ trưa là có người thổi kèn bài quốc ca Ba Lan. Nghi lễ này bắt đầu từ một câu chuyện lịch sử, cụ thể là ngày xưa, trên tháp nhà thờ luôn có một người lính canh với một cây kèn. Nếu có giặc ngoại xâm tiếng kèn sẽ được cất lên cho toàn vương quốc được biết.

Một lần, quân xâm lược tràn vào Ba Lan. Khi vừa nhìn thấy giặc từ phía xa, chưa kịp cầm cây kèn lên thì người lính đã trúng đạn. Dù bị thương rất nặng, anh vẫn cố gắng sức thổi hết bài quốc ca. Bài quốc ca vừa chấm dứt cũng là lúc người lính hy sinh. Để tưởng nhớ anh, từ đó về sau cứ 12 giờ trưa ở Krakow lại vang tiếng kèn oai hùng.

Có lẽ không khí ở quảng trường chỉ trầm xuống đôi chút khi có tiếng kèn, còn lại ngày đêm đều luôn náo nhiệt rộn ràng với dãy quán cà phê, nhà hàng xinh xắn. Krakow êm đềm, cổ kính, nhưng luôn mang không khí vui tươi của một thành phố du lịch. Hàng năm thành phố này đón khoảng bảy triệu du khách. Rất nhiều họa sĩ, nghệ sĩ đường phố tập trung tại đây.

Du khách tha hồ ngắm tranh, ngắm họa sĩ múa cọ hay thưởng thức các màn biểu diễn ngộ nghĩnh do các chú hề vui nhộn hoặc các nhóm nhảy hip-hop thực hiện. Gần khu vực các quán cà phê có hẳn một giàn nhạc giao hưởng, nhạc công ăn mặc và biểu diễn rất trang trọng. Ở góc khác lại có một người đứng trên bục, mặc đồ lụng thụng trắng toát, mặt và tóc cũng sơn trắng như tượng làm những điệu bộ như hồn ma mời gọi du khách đến chụp ảnh.

Hấp dẫn nhất với du khách nữ là ngôi chợ được xây từ thế kỷ XIII, có kiến trúc rất đẹp và còn nguyên vẻ bề thế, vững chãi trước thời gian. Trong chợ là vô số đồ trang sức, vải vóc, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ lấp lánh cùng những nụ cười hết sức ngọt ngào của người bán hàng. Khu phố Do Thái cổ gần đó cũng là một nơi thu hút du khách, nhưng có lẽ khu vực này chỉ hấp dẫn vào ban đêm dưới ánh đèn, còn ban ngày trông cũ kỹ và hoang tàn, chỉ có một số nhà thờ có kiến trúc và trang trí rất hài hòa là thu hút ống kính chụp hình của chúng tôi.

Ba Lan nổi tiếng là đất nước sùng đạo nhất châu Âu, có lẽ vì thế mà đi đâu cũng thấy nhà thờ. Dù đã khá mỏi chân, chúng tôi vẫn cố gắng đi bộ lên ngọn đồi Wawel, nơi có lâu đài vua Wawel và thánh đường dành cho việc đăng quang và chôn cất các vị vua Ba Lan. Công trình này được xây vào thế kỷ XIV, khi thương mại ở Ba Lan rất phồn thịnh.

Một góc cung điện hoàng gia

Cũng như những cố đô khác ở châu Âu, cung điện hoàng gia Ba Lan lộng lẫy, tráng lệ, phô bày sự vương giả một thời. Tường thành xây bằng gạch đỏ, nhiều công trình kiến trúc khác cũng xây bằng gạch đỏ, lợp ngói đỏ làm ngọn đồi hoàng gia nhìn rực rỡ, nổi bật giữa thành phố Krakow nhiều cây xanh.

Mỏ muối trong lòng đất

Đến trưa, chúng tôi dùng bữa với món bigos “quốc hồn quốc túy” của xứ sở bạch dương, gồm thịt khoanh, xúc xích hầm với bắp cải muối chua, thêm một ly bia nóng pha chút mật ong thoang thoảng mùi quế và đinh hương. Người Ba Lan có vẻ đặc biệt yêu thích cây bắp cải nên đưa loại rau này vào hầu hết các món ăn đặc trưng, từ bắp cải cuốn thịt, bánh mì nhân bắp cải và nấm…

Vốn đã quen với hình ảnh những cánh đồng muối trải dài ven biển quê nhà, chuyến đi này chúng tôi biết thêm được cách người Ba Lan khai thác muối từ trong lòng đất, sau khi tham quan mỏ muối Wieliczka, cách trung tâm Krakow 12km. Được khai thác từ thế kỷ XIII, đến nay mỏ đã được đào sâu hơn 300m và có chiều dài 300km.

Có đủ cả hệ thống các lối đi, hồ nước, nhà nguyện, nhà hàng, bảo tàng, hội trường… nên Wieliczka còn gọi là thành phố ngầm và là một điểm du lịch nổi tiếng của Ba Lan. Mua vé xong, chúng tôi nhập chung vào một đoàn các cụ già người Anh để được nghe thuyết minh. Men theo tay vịn bằng gỗ, mọi người xếp hàng bước xuống những bậc thang đá vào mỏ.

Gian nhà nguyện trong mỏ muối

Xuống được gần nửa đường, tôi bắt đầu cảm thấy hơi khó thở, nhưng thấy các cụ già vẫn hăm hở đi trước, tôi cố gắng hít thở sâu và từ từ thấy dễ chịu hơn. Đoạn đường dài 3,5km dành cho du khách khá rộng rãi, trần cao, đèn sáng choang. Hai bên vách là hình ảnh các nhân vật thần thoại hay lịch sử được chạm khắc trên các tảng muối mỏ kết tinh. Nhiều bức tượng rất sinh động cũng rải rác trên lối đi. Một số nơi lại treo tranh ảnh minh họa lịch sử ngành khai khoáng muối mỏ ở Ba Lan.

Thú vị nhất có lẽ là du khách được thưởng thức hòa nhạc trong một hang động có hồ nước được trang trí đẹp với ánh đèn sáng dịu, mà vài nhạc công đang biểu diễn đầy chuyên nghiệp kia từng là công nhân của mỏ. Mấy bà cụ người Anh trong đoàn du lịch luôn miệng xuýt xoa: “Tuyệt vời! Tuyệt vời!”. Tầng cuối cùng có một nhà nguyện rộng 15m, dài 54m và cao 10m, được chiếu sáng bằng bảy cây đèn chùm lớn làm hoàn toàn bằng muối kết tinh đã khiến chúng tôi khâm phục sức lao động của những người thợ nơi đây.

Kinh đô mùa đông

Con phố chính của kinh đô mùa đông

Mười giờ sáng hôm sau, chúng tôi đón xe buýt đến Zakopane, một thị trấn du lịch tại thung lũng vùng núi Tatra. Trên đường đi, trời hơi mưa và sương mù, nhìn ra những đồi thông chập chùng xanh mờ giữa làn mưa nhẹ, chúng tôi không ngớt tưởng tưởng về thị trấn chưa đến ba mươi ngàn dân mà lại được mệnh danh là “kinh đô mùa đông” của Ba Lan.

Giữa trưa, phố núi đã hiện ra với những ngôi nhà gỗ xinh xinh, những con đường dốc quanh co rực màu hoa dại. Trên các con đường mòn lát đá nơi đây không bao giờ thưa vắng bước chân người vì mỗi năm Zakopane thu hút khoảng ba triệu du khách. Ngoài vẻ thơ mộng, trong lành như mọi phố núi châu Âu khác, nét đặc sắc của Zakopane là khá nhiều nhà thờ được chăm chút tỉ mỉ.

Có những nhà nguyện nhỏ xíu khiêm nhường nép dưới tán cây cổ thụ trông thật đáng yêu. Có nhà thờ toàn bằng gỗ nâu thấp thoáng giữa đồi thông xanh biếc, giản dị và gần gũi. Có nhà thờ sáng choang bởi vật liệu toàn bằng kính, thép, bộc lộ niềm khao khát đức tin trong thời hiện đại. Cũng có nhà thờ bằng đá xám như ngọn tháp cao vút vươn lên trời, thanh thoát, uy nghiêm. Có nhà thờ nhiều tháp nhọn trang trí cầu kỳ như chiếc vương miện nữ hoàng. Có nhà thờ kín đáo như ngọn tháp thâm u…

Nhà thờ gỗ ấm áp

Nhà thờ như ngọn tháp thâm u

Nhà thờ mang kiến trúc hiện đại

Chưa ngắm hết các nhà thờ ở đây mà chúng tôi đã thấy lòng yên vui hẳn. Người dân Zakopane nổi tiếng là ngoan đạo bậc nhất Ba Lan có khác! Đi ngang qua một nghĩa trang, thấy đẹp, chúng tôi cũng… ghé vào. Thì ra cũng có nhiều du khách đang ngỡ ngàng vì không gian xinh xắn, nghệ thuật dành cho những người đã khuất. Chỉ đơn giản là mái che nhỏ xíu phủ trên những khúc gỗ thông đục hình thánh giá, tượng gỗ mộc mạc và rất nhiều hoa, nơi yên nghỉ ngàn thu bỗng trở nên đẹp, gần gũi và đầy hơi ấm con người.

Nghĩa trang thơ mộng

Chiều xuống phố núi mơ màng, vầng trăng non cuối dốc chợt làm tôi nhớ Sapa. Những chiếc xe ngựa nhiều màu sắc chở du khách thong thả dạo phố. Con phố chính của thị trấn bắt đầu lên đèn, có dòng suối nhỏ trong suốt chạy dọc theo, hai bên bờ kè đá, cầu cũng bằng đá vô cùng thơ mộng.

Đèn đường ở đây cũng được trau chuốt, trông như chiếc vòng bạc ôm gọn lấy viên pha lê, cột thêm nơ xanh đỏ rất điệu. Tất nhiên, như mọi thành phố trên quê hương của Chopin, âm nhạc là điều không thể thiếu. Các nhạc công đường phố ở đây mặc trang phục miền núi màu sắc rực rỡ, chơi những bản nhạc ca ngợi thiên nhiên tuyệt vời của vùng núi cao.

Sáng hôm sau, cái lạnh làm chúng tôi nấn ná mãi mới ra khỏi phòng để thực hiện hành trình leo núi Tatra như đã dự định. Đi taxi đến chân núi và lên cáp treo, chúng tôi đến công viên trên núi để ngắm cảnh, nghịch tuyết rồi trượt tuyết. Lượt về, chúng tôi đi bộ xuống núi mất hai giờ bởi đường khá trơn trượt. Có lẽ khi nhắc đến Zakopane, du khách sẽ không quên vẻ nên thơ của những nhà thờ trong rừng thông, những căn nhà gỗ đầy hoa tươi, những con dốc nhỏ nhưng dẫn trí tưởng tượng con người đi rất xa, đến tận đỉnh Tatra phủ đầy tuyết trắng…

Theo PHƯƠNG HIỀN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)