Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta – dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…
Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, dù đến hay không đến được, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
Điều siêu việt nhất dân tộc Việt
Ấy phiến Tâm tha thiết cội nguồn
Bánh Dày tròn Bánh Chưng vuông
Công cha nghĩa mẹ đời khôn báo đền.
Mười tháng ba ngày thiêng Quốc Tổ
Ngày giỗ thiêng Quốc Tổ Hùng Vương
Triệu lòng nghi ngút khói hương
Tỏa mây lành khắp Hùng Sơn bạt ngàn.
Ấy là chốn từ đàng cẩm tú
Thuộc Phong Châu – Vĩnh Phú quê mình(10)
Nơi hồn Quốc Tổ quang vinh
Nơi hồn Quốc Tổ hiển linh vạn đời.
Từ đàng ấy chia ngôi ba bậc
Hạ, Trung rồi, Thượng thật phân minh
Khởi đầu Đền Giếng xinh xinh
Nơi nghìn năm thoảng bóng hình Tiên Nga.
Hai công chúa ngọc ngà kiều diễm
Là Tiên Dung rồi đến Ngọc Hoa
Hai “Tiên” từng “tắm ao nhà”
Để cho “Giếng Ngọc” trổ tòa thiên nhiên.(20)
Qua Đền Giếng bước lên Đền Hạ
Vượt hai trăm bậc đá rừng xanh
Theo lời truyền thuyết lừng danh
Mẹ Tiên trăm trứng hạ sanh Con Rồng.
Đền Hạ tọa lạc lưng chừng núi
Có ngôi chùa mở lối Tam Quan
Gác chuông vọng tiếng chuông vàng
Ngàn năm hồn Mẹ ngân vang điệu huyền.
Từ Đền Hạ, thêm trăm sáu tám (168)
Những bậc thang hùng tráng vươn mây(30)
Lên Đền Trung – chính nơi này
Các Vua Hùng đã dựng gầy triều cang.
Chốn Lang Liêu bao ngàn năm trước
Đã từng phen lập được kỳ công
Một kỳ công đẹp lạ lùng
“Kỳ công thực phẩm” bánh Chưng bánh Dày.
Một dấu ấn của ngày mở nước
Nó vuông tròn như một bài thơ
Hiếu trung nhân nghĩa dựng cờ
Kỷ cương Âu Lạc rạng tờ sử xanh. (40)
Từ Đền Trung vượt nhanh trăm bậc
Tới Đền Hùng cao nhất Hùng Sơn
Gọi là Đền Thượng – nơi thường
Diễn ra những lễ tạ ơn đất trời.
Như thể Vua Hùng đời thứ sáu
Khi giặc Ân cuồng khấu nghênh ngang
Tiến vào bờ cõi Văn Lang
Hùng Vương đã lập đàn tràng nơi đây.
Để xin đấng cao dày phù trợ
Cho thần dân giúp giữ biên cương.(50)
Thế rồi: Phù Đổng Thiên Vương
Cho ngàn năm mãi sáng gương anh hùng
Từ Đền Thượng trùng trùng điệp điệp
Trăm ngọn đồi y hệt đàn voi
Cùng quay về một hướng thôi
Y như quy phục ngôi trời Hùng Vương
Ôi cả một giang sơn hùng vĩ
Một giang sơn tú lệ vô ngần
Một giang sơn của thiên thần
Một giang sơn của nhất chân Đồng Bào(60)
Cõi phúc địa mưa rào cam vũ
Miền Nam Thiên Nhất Trụ Tâm Linh
Mười tám đời vương trị bình
Và mười tám chiếc nan xinh quạt ngà
Trên Đền Thượng gấm hoa, không chỉ
Có lăng thờ chư vị tiên hiền
Mà còn một cột đá thiêng
An Dương Vương đã dựng lên một thời
Một cột đá vời vời vậy đó
Nguyện giữ gìn nghiệp cả cha ông (70)
Giữ xã tắc giữ non sông
Để thiên thu rạng kỳ công Vua Hùng
Ngoài Đền Chính nơi Hùng Sơn nọ
Huyện Phong Châu – Phú Thọ ngày nay
Khắp nơi trên nước non này
Bốn phương nam bắc đông tây chốn nào
Hễ có mặt đồng bào Lạc Việt
Ắt có Đền chư liệt Hùng Vương
Ngoài ra, khắp chốn tha phương
Khắp năm châu, còn cơ man Việt Kiều(80)
Dẫu xa nước vẫn yêu dấu nước
Yêu nước sao quên được Hùng Vương
Và từ trăm nẻo tha phương
Vẫn về quê tổ, xin “Chân Hương” về
Ôi! Những tấm lòng quê đẹp thế
Nói cùng ta “Điều Bể Non” này
Còn mảnh đất hiếu tình đây
Thì tương lai Việt còn ngày vẻ vang
Lòng yêu tổ, lần trang sử tổ
Kinh Dương Vương vốn họ Hồng Bàng(90)
Sinh trai là Lạc Long Quân
Cưới Âu Cơ ấy Cha Rồng Mẹ Tiên
Và kết quả mối duyên thần thoại
Là trăm con thiên tải nhất thì
Dòng Bách Việt giống Long Nhi
Nửa thì theo mẹ nửa thì theo cha
Và Hùng Vương chính là con trưởng
Theo cha đi về chốn phương Nam
Dựng gầy cõi nước Văn Lang
Mười tám đời một ngai vàng Hùng Vương(100)
Phong Châu mở triều cương Quốc Tổ
Chia nước mười lăm bộ như sau
Văn Lang- Bạch Hạc – Phong Châu
Ấy kinh đô buổi ban đầu Nam Thiên
Rồi Phúc Lộc – Châu Diên – hai bộ
Nay thuộc về đất của Sơn Tây
Tân Hưng – Hưng Hóa ngày nay.
Vũ Định ấy thuộc ngày rày Thái Nguyên
Vũ Ninh – thuộc Bắc Ninh hiện tại
Lục Hải – bây giờ gọi Lạng Sơn (110)
Dương Tuyền – nay thuộc Hải Dương.
Ninh Hải – thuộc Quảng Yên đương thời này
Giao Chỉ trước – nay là Hà Nội
Hưng Yên – Nam Định với Ninh Bình
Cửu Chân – nay gọi xứ Thanh.
Hoài Hoan – xứ Nghệ địa danh anh hào
Cửu Đức – ấy đường vào Nghệ Tĩnh
Việt Thường – Quảng hai tỉnh Trị, Bình
Quảng Bình – Quảng Trị trăm xinh.
Muôn xưa xinh đẹp bóng hình Văn Lang(120)
Các Vua Hùng giỏi dang việc nước
Mười tám đời sau trước vẻ vang
Con trai vua gọi Quan Lang.
Con gái vua gọi là nàng Mỵ Nương
Dòng giống Việt can trường thiên bẩm
Lại thêm tình nghĩa nặng thiên thu
Cứ nghe thần thoại nghìn xưa.
Đủ hay cái đẹp cái thơ của đời
Cõi Âu Lạc rạng ngời Văn Hiến
Nghĩa Tiên Rồng thể hiện âm dương(130)
Một dương thể hiện kiên cường.
Một âm thể hiện khiêm nhường nhã nhu
Dương thể hiện thần thông du hí
Ơi! con Rồng bất chiến vĩ kia
Âm thể hiện đức thuận tùy.
Ơi! nàng tiên của nhu mì đảm đang (còn tiếp)
Hùng Vương là biểu tượng của Quốc Tổ nước ta, mà Hùng Vương có những mười tám (18) đời, mỗi đời lại có đôi, có ba, có bốn… Chi, (hay có thể nói ngược lại: Hùng Vương có mười tám (18) Chi, mỗi Chi lại có đôi, ba, bốn đời), mà cũng phải như vậy mới được. Vì thời kì lịch sử Hùng Vương kéo dài đến những hai sáu hai một (2621) năm. Nếu không gồm chứa nhiều Chi hoặc nhiều đời thì thực khó mà giải thích.
Vậy, tóm lại Hùng Vương với mười tám (18) đời, là biểu tượng của Quốc Tổ nước ta. Ngày nay về mặt văn tự, ta không có gì để chứng minh, nhưng qua những Chi Chi và đặc biệt là qua những truyền thuyết, chúng ta có thể hình dung ra một thời kì các Vua Hùng ấy. Đó là một cái gì rất đẹp, rất khỏe, rất thơ và rất đạo. Đặc biệt là qua những chuyện cổ tích. Trong đó ẩn giấu những thông điệp của tổ tiên Hồng Lạc.
|
Nguyễn Điệp (thực hiện)
Bình luận (0)