Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỳ 1: Hành trình “trở về” từ Mỹ của kỷ vật một liệt sỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Minh Chuyên (Đài THVN) và Homer tại Gia LaiMột câu chuyện kỳ lạ về hai số phận lạ kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam.

Hai người lính ở hai đầu chiến tuyến đã có cuộc đọ súng dữ dội tại cao nguyên phía Tây Việt Nam. Để rồi, khi đã cách xa nhau nửa vòng trái đất và hơn 1/3 thế kỷ sau khi sự việc xảy ra thì câu chuyện lại được viết tiếp như mới xảy ra. Kỷ vật của người lính Việt Nam được mang từ Mỹ trở về, và cựu lính Mỹ cũng đã trở về với chính mình…

Nỗi day dứt thời hậu chiến

Cựu binh Homer Steedly là người tham chiến ở chiến trường Việt Nam từ năm 1968-1969, phục vụ trong Sư đoàn Bộ binh số 4 tham chiến chủ yếu tại bắc Tây Nguyên và đường mòn Hồ Chí Minh. Lúc đầu, Homer Steedly là trung uý – trung đội trưởng và khi rời VN là đại uý đại đội trưởng. Và 40 năm sau, cuộc đọ súng kinh hoàng ở chiến trường xưa, ký ức lại hiện về…

Trong một bài viết trên website cá nhân của mình có tựa đề: “Một linh hồn lạc lối” (A Wandering Soul Returns Home), Homer viết: “Gần 40 năm qua tôi luôn cảm thấy hối tiếc và thương xót cho những sinh mạng con người cả 2 bên đã chết vô ích trong 2 lần tôi tham chiến tại vùng trung nguyên Việt Nam.

Mùa xuân năm 2004, tôi nghỉ hưu tại trường đại học Nam Carolina và chuyển tới những vùng núi miền Tây Bắc Carolina. Những vùng núi ở đây rất giống với những vùng núi ở vùng trung nguyên Việt Nam mà tôi đã từng tham chiến. Và khi tôi đọc về vùng đất này, tôi nhận ra rằng có những loại cây, loại côn trùng nơi đây chỉ tồn tại ở duy nhất một nơi khác nữa, đó là Đông Nam Á!

Di ảnh liệt sỹ Hoàng Ngọc ĐảmBây giờ tôi lại sống ở một nơi thật giống với nơi tôi đã từng chiến đấu ngày xưa. Tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin trên mạng về chiến tranh Việt Nam và về đơn vị cũ của tôi...”.

Câu chuyện trong lá thư được viết tiếp với những ký ức khi lục lại kỷ vật mà người cựu binh đã gửi lại cho người mẹ của mình để quên đi nỗi ám ảnh kinh hoàng trong cuộc chiến.

Nhưng, cũng rất ít người được biết, cũng trong cái ngày tháng 3 kinh hoàng của năm 1969 đó, Homer đã viết bức thư về cho mẹ. Nội dung bức thư có đoạn:

Ba mẹ thương yêu,

Như ba mẹ đã đoán trước, những chuyện gì phải xảy ra. Ba phần tám của một đại đội đã bị xoá sổ cách đây mấy tuần. Con đã phải bắn chết một viên y tá Bắc Việt Nam. Con đã lấy tất cả những giấy tờ tuỳ thân của anh ta và sẽ gửi về nhà. Xin bố mẹ hãy cất đi cho con. Anh ta còn quá trẻ…”.

Đó cũng là lần đầu tiên và lần cuối cùng Homer cầm súng giết một người. Sau trận đánh đó, anh đã xin được trở về nước Mỹ, và “làm tất cả mọi thứ để có thể quên những ngày kinh hoàng tại Việt Nam”

Kỷ vật lên tiếng…

Ông Hoàng Ngọc Lượng đang xem lại những kỷ vật của anh trai mình, do Homer trao trả“Khi tôi lại cầm lại những thứ mà sau này tôi gửi lại cho gia đình anh Đảm, tất cả những kỷ niệm, cảm xúc, và sự ăn năn trong bấy lâu chôn chặt lại ùa về trong tôi. Tôi cảm thấy mình cần phải trao lại những kỷ vật này cho gia đình người lính đã mất nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu…” – đoạn đầu của bài viết “Một linh hồn lạc lối trở về nhà” đăng tải trên website cá nhân của Homer.

Điều đó càng rõ ràng hơn khi đọc lá thư mà Homer gửi gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, có đoạn:

“…Tôi rất cảm động vì gia đình ông đã lập một bàn thờ để tưởng nhớ ông Đảm. Điều đó làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng linh hồn dũng cảm của ông vẫn còn được trân trọng một cách tuyệt vời như vậy. Thật đau lòng khi chúng ta nghĩ đến hàng trăm ngàn con người của cả hai phía trong cuộc chiến đó, những con người vẫn đang để tang cho những người thân yêu nhất của mình.

… Đôi khi mặc cảm còn sống sót cứ tràn ngập trong tôi. Tôi sẽ nói sao đây sau khi tôi đi sang thế giới bên kia? Liệu người ta có gắn một dòng chú thích nhỏ với mệnh lệnh là “Mày không nên giết người”, để tha thứ cho việc giết chóc trong chiến đấu? Hãy xem cái điều mà tôi đã làm một cách điên khùng và ngu ngốc trong thời trai trẻ của tôi. Tôi đã tưởng rằng mình là một người yêu nước thực sự. Vậy làm sao mà cái điều mà tôi đã tưởng đó lại không làm cho tôi thấy thanh thản ở cái tuổi 59 này?”.

Câu chuyện cựu binh Mỹ Homer chuyển lại kỷ vật cho gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm đã được đạo diễn Minh Chuyên làm thành bộ phim tài liệu xúc động Linh hồn Việt Cộng. Đài THVN đã phát sóng bộ phim này vào tối 23/7/2008, nhưng do yêu cầu của người xem, VTV1 sẽ phát lại Linh hồn Việt Cộng vào tối 27/7.

Trong căn nhà nhỏ thuộc thôn 2, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy – Thái Bình, trên bàn thờ là một tấm ảnh đôi hình của hai liệt sĩ. Bên phía góc của bàn thờ, một bọc vuông vức được gói cẩn thận bằng lá cờ Tổ quốc rất dễ nhìn thấy.

Ông Hoàng Ngọc Lượng là em ruột của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm tiếp chúng tôi. Ông thắp cho 2 người anh liệt sĩ tuần hương và xin phép người quá cố lấy những kỷ vật chiến trường xuống cho chúng tôi được tận mắt nhìn những kỷ niệm của 2 con người kỳ lạ trong chiến tranh.

Ông Hoàng Ngọc Lượng nói: “Gia đình đã coi đây là bảo vật truyền đời. Bản thân nó đã nhuốm máu của anh tôi và máu của những người lính…”.

Toàn bộ kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm bao gồm 1cuốn sổ ghi chép các bài giảng phẫu phuật, 1 cuốn sổ cẩm nang Toán học, 1 giấy tờ xe của đồng đội tên Nguyễn Văn Hai và 4 giấy khen. Trong cuốn sổ học là những hình vẽ chi tiết bên trong về cơ thể người. Trong một cuốn sổ khác, những trang cuối có cả những ván cờ caro chằng chịt đan xen chi chít vào nhau.

Kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Ngọc ĐảmSau khi đọc được câu chuyện của Homer trên mạng internet, Wayne Karlin – một pháo binh hải quân đã từng tham chiến ở Việt Nam liên lạc với Homer và cho biết có thể liên lạc được với Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Vào một ngày, những di vật của người lính Hoàng Ngọc Đảm đã trở về đất quê mẹ Thái Bình. Một phái đoàn trao trả lại di vật chiến tranh của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm lúc đó gồm có: Giáo sư Wayne Karlin, nhà văn Y Ban, dịch giả Phan Thanh Hảo.

Trở lại với câu chuyện về kỷ vật, ông Hoàng Ngọc Lượng nói tiếp: Trong những ngày sau khi nhận được giấy báo tử của anh trai, gia đình cũng như người thân đã cố đi tìm lại những vật dụng mà anh tôi đã gắn bó. Nhưng tất cả chìm trong vô vọng…

Hỏi một số bạn bè chiến đấu cũ, hay nhập ngũ chỉ biết những thông tin: Sau đợt pháo dữ dội và những trận càn quyết liệt của đội quân lính chuyên nghiệp Mỹ, cả một vùng núi nơi đơn vị đóng quân đều trong trạng thái rút lui bảo toàn lực lượng.

Khi giở tấm sổ, lật những trang cuối cùng có những ván cờ caro chi chít kín gần 2 trang, bà Hoàng Thị Thắm, người em gái ruột của liệt sĩ Đảm nói tiếp: “Ngày xưa anh Đảm rất cẩn thẩn, ngay cả những việc nhỏ nhất anh cũng làm hết sức nghiêm túc. Nhìn những ván cờ caro này có thể biết được, trong mỗi ván người thắng đều ký tên… Và những hình vẽ về cơ thể người cũng vậy, những nét vẽ hầu như những người không biết gì về y khoa đọc cũng có thể dễ dàng hiểu được”

Vũ Điệp – Thông Chí (theo vietnamnet.vn)

Bình luận (0)