Hội nhậpGiáo dục phát triển

Kỳ 2: Cả dân tộc cùng hướng về ngày giỗ tổ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta – dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…

> Kỳ 1: Cả dân tộc cùng hướng về ngày giỗ tổ

Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
 
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
(tiếp theo kỳ 1)
 
… Ơi cái nghĩa đá vàng non biển
Nghĩa vuông tròn bất biến tùy duyên
Nghĩa cha Rồng, nghĩa mẹ Tiên.
Nghìn năm Văn Hiến đẹp duyên Tiên Rồng (140)
Những pho sử Vua Hùng thần thoại
Mỗi pho là mỗi dải sông Ngân
Mỗi chương một đóa Tường Vân.
Mỗi trang là một điệu vần trái sim
Đói lòng ăn trái sim nửa trái
Một cõi lòng vạn đại dung thân
Trở về nguồn cội tiên nhân.
Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân… bao đời
 
Kinh Dương Vương mở đời tự chủ
Dựng gầy ngôi cửu ngũ Văn Lang (150)
Chi Càn trải mấy đời Vương.
So ngang thời đại Bắc phương: Tam Hoàng
 
Tám sáu (86) năm Chi Càn dựng nước
Đến Lạc Long Quân, tức Hùng Hiền
Chuyển qua Chi Khảm nối truyền.
Từ Mậu Tí đến Bính Thân nhớ chăng?
 
Là hai sáu chín (269) năm bình trị
Sánh ngang đời Ngũ Đế Trung Hoa
Rồi sang Chi Cấn nguy nga.
Hùng Quốc Vương tên húy là Hùng Lân (160)
Với hai bảy hai (272) năm thống trị
Kể từ năm Đinh Tỵ – so ra
Ngang đời Đế Thuấn Trung Hoa
Vua, tôi trung dựng Sơn Hà Lạc Long
 
Qua Chi Chấn ngôi Rồng chuyển hệ
Sang Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang
Từ Đinh Hợi, một thời gian
Ba bốn hai (342) năm sang năm Mậu Thìn
 
Trung Quốc Sử: niên biên nhà Hạ
Chi Tốn: truyền nghiệp cả Bảo Lang (170)
Hùng Hy Vương: một đăng quang
Hai trăm (200) năm khéo vẻ vang Tiên Rồng
 
Chi Ly: ấy Vua Hùng thứ sáu
Hùng Hồn Vương: Tân Dậu tuổi người
Hồn Vương truyền được hai đời
So Trung Quốc sử vào đời nhà Thương
Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương kế vị
Hai trăm (200) năm ngự trị ngai rồng
Năm đời vua, một non sông.
Mang chung vương hiệu ấy: Hùng Chiêu Vương
Chi Đoài: Hùng Vỹ Vương trị nước (181)
Năm đời vua chung một hồng danh
Trăm năm (100) vận nước Thái Bình.
Canh Ngọ – Kỷ Dậu thêm xinh Việt Thường
 
Chi Giáp: Hùng Định Vương cũng gọi
Ba đời Vua bằng mỗi tên này
Tám mươi (80) năm thoảng mây bay
So Trung Quốc sử ngày rày nhà Ân
 
Chi Ất: Hùng Uy Vương kế vị
Chín mươi (90) năm, nối trị ba đời (190)
Chi Bính: Trinh Vương lên ngôi
Trăm lẻ bảy (107) năm, với bốn đời chung tên
Chi Đinh: tính từ niên Đinh Hợi
Tám sáu (86) năm cũng mỗi tên này
Hùng Vũ Vương nối nghiệp dầy
So Trung Quốc sử: ngày rày Tây Chu
 
Chi Mậu: ấy triều vua Hùng Việt
Trăm mười lăm (115) năm đẹp hùng tâm
Năm đời chung dựng mùa xuân
So Trung Quốc sử: ngang tầm Lệ Vương (200)
Chi Kỷ: Hùng Anh Vương trị nước
Chín chín (99) năm truyền được bốn đời
So Trung Quốc sử ấy thời
Bình Vương dựng nghiệp mở đời Đông Chu.
 
Chi Canh: ấy đời vua Hùng Triệu
Ba đời vua chung một hiệu này
Chín bốn (94) năm kể từ ngày
Từ Đinh Hợi tới ngày rày Canh Thân
 
Chi Tân: ấy đời Vương Hùng Tạo
Ba đời vua lãnh đạo Sơn Hà (210)
Chín hai (92) năm dựng nước nhà
So Trung Quốc sử vẫn là Đông Chu
 
Chi Nhâm: ấy đời vua Hùng Nghi
Bốn đời vua ngự trị Văn Lang
Trăm sáu mươi (160) năm đá vàng
Vũ công văn nghiệp mở trang sử hồng
 
Chi Quý: ấy thuộc dòng Hùng Duệ
Lên ngôi từ năm Qúy Dậu kia
Đến năm Quý Mão vị chi
Một trăm năm chục (150) năm quy ba đời (220)
So Trung Quốc sử thời ngang với
Hai đời vua thuộc mỗi Đông Chu
Tổng cộng Mười Tám Chi Vua
Hai mươi sáu thế kỷ thừa hai mốt (2621) năm
 
Như vậy, họ Hồng Bàng khai sáng
Không chỉ là mười tám đời vương
Mà là mười tám chi Vương
Mỗi chi lại có nhiều vương nối đời
 
Ôi! pho sử tuyệt vời Âu Lạc
Pho sử thi sinh hoạt giống nòi (230)
Dẫu văn tự mất đi rồi
Nhưng còn di chỉ vẫn ngời ánh dương
 
Những hiện vật Đông Sơn Ngọc Lũ
Những lưỡi rìu lưỡi búa vân vân…
Những muôn xưa tiếng Trống Đồng
Đã ngân nga khắp núi sông Việt Thường
 
Nói lên những bước đường khôi vĩ
Tiến lên chân thiện mỹ huy hoàng
Trong dẻo thơm hạt lúa vàng
Trong xinh thắm của y trang con người. (240)
Trong ấm đẹp của ngôi nhà ở
Lại trong phong vân của bài thơ
Câu hò điệu hát hò lơ
Lại trong tiếng sáo lửng lơ non ngàn
 
Lại trong khúc múa đàn xinh khỏe
Chở chuyên tròn nghĩa mẹ tình cha
Tình non nghĩa nước bao la
Lại trong pho cổ tích hoa gấm vàng
 
Những cổ tích chiến công Phù Đổng
Gọi nôm là Thánh Gióng anh nhi (250)
“ Ngày xưa có chàng Trương Chi
Trang cổ tích đẹp vần thi tình người
 
Chuyện Tấm Cám mở trời nhân nghĩa
Chuyện nghĩa nhân ăn khế trả vàng
Thạch Sanh với một cây đàn
Cây rìu để đẵn, cây đàn để ngân
 
Đàn những cái bất nhân bất nghĩa
Nhân những điều trí tuệ từ bi
Ơi cây đàn của lương tri
Ngàn năm đồng vọng tư duy Lạc Hồng (260)
Lại còn nữa: Chử Đồng Tử với
Nàng Tiên Dung vời vợi tình yêu
Dù cho rào giậu bao nhiêu
Cũng khôn ngăn đắp tình yêu con người
 
Còn nữa: chuyện nắm xôi huyền thoại
Chuyện Thằng Bờm có cái quạt mo
Chuyện Trầu Cau đẹp bài thơ
Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh… như cuộc đời
 
Cơ man chuyện ngời ngời cổ tích
Lại ngời ngời lai lịch thiên lương (270)
Trời sinh dân nước Việt Thường
Lại cho trọn vẹn sắc hương của lòng
 
Đẹp nhất chuyện Tiên Rồng dã sử
Là chuyện trăm trứng nở trăm con
Ôi sao quan niệm vuông tròn
Như ôm bốn biển năm non vào lòng
 
Thiên hạ vạn vật đồng nhất thể
Điều những nhà “vạn thể” lập ngôn
Việt Nam từ thuở Hùng Vương
Đã trao thông điệp trong nguồn tích xưa (280)
Này: trăm trứng nở từ một mẹ
Có khác chi “nhất thể đại đồng”
Một lòng mẹ cõi phương đông
Chở chuyên trăm trứng tiên rồng âm dương
 
Từ nhất bổn tỏa muôn phù phẩm
Lại từ muôn phù phẩm quy nguyên
Những lời chư vị thánh hiền
Sao nghe gói trọn trong truyền thuyết kia
 
Những cổ tích tiền đề Văn Hiến
Như chuyện bánh dày chuyện bánh chưng (290)
Món ăn sao đẹp quá chừng
Sao nghe cao rộng muôn trùng biển non
 
Một bánh dày nó tròn nó trăm
Một bánh chưng vuông vắn mượt mà
Một tượng trời rất bao la
Một tượng đất rất Sơn Hà thế gian
 
Một tượng cho vô vàn che chở
Lại muôn vàn hớn hở trăng sao
Một tượng mẹ luôn rì rào
Như con nước chảy nao nao trong nguồn (300)
Một tượng dương với muôn kỳ vĩ
Muôn hào hùng hạo khí hạo nhiên
Một tượng âm rất đa duyên
Lại rất dịu lại rất hiền như thơ
 
Nước Việt có hai tờ thơ đẹp
Một tờ thơ là nét mạ xinh
Lại là hạt thóc lung linh
Lại là hạt nếp trắng tinh trong ngần… (Còn tiếp)
Nguyễn Điệp (thực hiện) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)