Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ 2: Đủ ngón ăn chơi của sư giả

Tạp Chí Giáo Dục

Thư giãn, nạp năng lượng trước khi đi khất thực trên đường Châu Văn Liêm, quận 5...Lúc đi “khất thực”, các “thầy” trông đầy vẻ nghiêm trang, khổ hạnh.

Song, khi về nơi trú ngụ, các “thầy” khiến nhiều người phải ngán ngẩm, nhức nhối vì cách sống giang hồ trác táng với các ngón cờ bạc đỏ đen, bia bọt, gái gú…

Mới 6 giờ, quán cà phê cóc trên đường Châu Văn Liêm, quận 5- TPHCM đã đón tiếp những vị khách đặc biệt. Đó là những “nhà sư” mặc áo vàng, đi chân đất đến từ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức – TPHCM.

Các “thầy” đang thư giãn, nạp năng lượng chuẩn bị cho một ngày “làm ăn” hứa hẹn bội thu. Ai tập thể dục buổi sáng hay có việc phải đi ngang quán cà phê này khi nhìn vào đều buồn cười: Một nhóm 4-5 “thầy” ngồi bắt chéo chân, uống cà phê, phì phèo thuốc lá nhả khói nghi ngút…

Sống như giang hồ

Sau cữ cà phê sáng, các “thầy” phân chia địa bàn, rồi tỏa đi “khất thực” trên các tuyến đường thuộc quận 5. Bám chân một “thầy” tuổi ngoài 40, chẳng bao lâu tôi đã chứng kiến cảnh ông ta thoát bỏ hình ảnh một vị sư nghiêm trang, khổ hạnh đi “khất thực”: Lẩm bẩm, lép nhép miệng như tụng niệm kinh Phật một hồi, có lẽ thấy buồn miệng nên “thầy” dừng lại, rút từ túi ra một gói thuốc lá rồi vô tư châm hút giữa dòng người qua lại!

Chưa hết, gần trưa, khi đến một đoạn đường có “lô cốt” chắn giữa, chẳng thèm ngó trước trông sau, “thầy” hồn nhiên đứng tè giữa đường!

Khi theo chân các “thầy” về xóm sư giả ở chân cầu Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, vừa nhắc đến họ, chị H., thường bán sữa đậu nành trên đường 16, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, lắc đầu: “Chị từng ở trọ bên cạnh phòng những người giả dạng nhà sư này. Kinh hoàng lắm em ơi! Đi về, bọn họ đem tiền ra so với nhau. Người nào kiếm được ít thì chửi rủa xối xả, thậm chí còn đòi ném gạch, đá, lựu đạn vào nhà những ai không chịu cho họ tiền!”.

Người dân địa phương cho biết hầu hết những sư giả dạng trú ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh là người từ các tỉnh khác đến. Nhiều người dân tại đây phải ngán ngẩm trước cách kiếm tiền lừa bịp và lối sống giang hồ khi nhắc đến các “thầy”.

Nhân viên của một tiệm thuốc tây trên Quốc lộ 13, đoạn gần nơi các “thầy” trú ngụ – chỗ mà nhóm sư giả dạng thường ghé đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn sau mỗi lần đi “khất thực”, lo ngại: “Ớn lắm, đừng hỏi về đám người này, chúng tôi không dám nói đâu!”.

Bác thằng bần

Mới đây, sáng sớm tôi đã có mặt tại xóm sư giả để mục kích cảnh các “thầy” chuẩn bị đi “làm ăn” và quyết định bám theo một gã tên Huề. Ăn sáng ở một quán cóc trên Quốc lộ 13 xong, ông Huề vác túi đi bộ qua cầu Bình Triệu.

... và vô tư tè giữa đườngVừa vào Bến xe Miền Đông, nhân lúc chiếc xe buýt tuyến 24 chưa có khách, ông Huề lập tức leo lên xe bỏ mũ ra, chớp nhoáng khoác chiếc áo nhà sư màu nâu. Tiếp đó, “thầy” Huề xuống xe này, nhảy sang một chiếc xe buýt tuyến 64. Vừa lên xe, “thầy” lại mặc tiếp chiếc áo màu vàng. Rồi xe lăn bánh đưa thầy đi “khất thực”.

Nhắc đến “thầy” Huề, anh Hoàn, một người dân sống gần cầu Bình Triệu, so vai rụt cổ: “Ông này thì tôi bái luôn, đi xin được bao nhiêu tiền là đánh đề hết. Đánh cháy túi lại đi xin tiếp”. Anh Hoàn cho biết thêm, bà Lan, vợ ông Huề, cũng là một “ma đề”. Giống như chồng, bà Lan cũng cạo trọc đầu, khoác áo nhà chùa đi “khất thực” để kiếm tiền chơi đề. Cách nay không lâu, bà Lan đã mất vì bệnh.

Khét tiếng nhất về ngón đề đóm, bài bạc ở xóm sư giả này phải kể đến Hùng (tức Hùng Đại Dương). Khi tôi vào khu phố 3, vừa hỏi thăm chỗ ở của Hùng Đại Dương, một anh chạy xe ôm nhìn tôi dò xét: “Ông tìm nó đòi nợ hả? Thằng đó chạy xuống khu ga Sóng Thần để trốn nợ rồi”.

Theo người dân ở khu phố 3, Hùng Đại Dương tuổi ngoài 30, có vợ và 2 con. Từ sáng đến trưa Hùng đi “khất thực”, thời gian còn lại gã lao vào đánh đề hoặc chúi mũi vào sòng bài. Tiền “khất thực” không đủ để nướng vào trò đỏ đen, Hùng vay mượn cho thỏa cơn khát cờ bạc. Lãi mẹ đẻ lãi con, Hùng phải chuyển cả gia đình khỏi khu phố này để lánh nợ.

Đàn đúm đi bia bọt, gái gú

Chị Ngô Hồ Thị Trang, 39 tuổi, lúc trước bán vé số ở khu vực cầu Bình Triệu, hiện đang sống tại phường 12, quận Gò Vấp – TPHCM, tỏ ra am hiểu: “Tôi lạ gì những người này, đi “khất thực” trông đầy vẻ “khổ hạnh” vậy đó, nhưng tối về lại đàn đúm rủ nhau đi bia bọt, gái gú”.

Theo chỉ dẫn của chị Trang, khoảng 23 giờ ngày 24-7, tôi đến cầu Bình Triệu chờ. Dưới ánh đèn đường tờ mờ, tôi phát hiện từ hướng xóm sư giả có 2 người đàn ông đi trên 2 chiếc xe máy tấp vào chỗ những cô gái ăn sương đang đứng.

Lúc 2 chiếc mũ bảo hiểm được 2 người này lấy ra, tôi không nhịn được, phải bật cười vì thấy 2 cái đầu trọc lóc. Sau một hồi thỏa thuận, mỗi người chở một “em” phóng nhanh và mất hút trong con hẻm gần Bến xe Miền Đông.

Cánh xe ôm ở khu vực cầu Bình Triệu khẳng định không ít lần vào giữa khuya họ chứng kiến những gã sư giả cưỡi xe máy đi ra từ khu phố 3 rồi lượn lên cầu Bình Triệu để “bắt gà”. 

Những câu chuyện về các ngón ăn chơi của những người giả dạng nhà sư mà tôi nghe cứ ngày một nhiều thêm và nhức nhối hơn.

Tự sắm “đồ nghề”

Theo người dân ở khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, cách nay 9 năm, khi phong trào giả dạng nhà sư đi “khất thực” xin tiền vừa bùng phát, có một người đàn ông tên Phong ở địa phương mở hẳn dịch vụ cho thuê đồ nhà sư, gồm quần áo, bình bát, túi xách… Sau khi ông Phong giải nghệ, dịch vụ cho thuê “đồ nghề” giả dạng nhà sư cũng đóng cửa.

Hiện, các “thầy” tự trang bị “đồ nghề” bằng cách mua vải, thường là ở chợ Bà Chiểu, về đặt may. Ngoài ra, lợi dụng việc một số chùa có bán đồ nhà sư may sẵn cùng các vật dụng liên quan, nhiều kẻ xấu đã đến mua để giả dạng hành nghề xin tiền.

Theo Như Phú (NLĐ)

 

Bình luận (0)