Mẹ và bố bán sạch đồ đạc: này xe Chaly, bếp điện, giường… Người còn là của còn
Cầm mấy chỉ vàng bán đồ đạc lên Di Linh, mẹ con ta dựng một gian nhà gỗ nho nhỏ, gầy dựng một quán nhỏ bán rau củ. Bố ở lại TP.HCM kiếm việc làm và thỉnh thoảng bắt xe về thăm hai mẹ con mình. Mẹ con mình đã quen vào khu dân tộc K’Ho để mua bắp, bí rợ. Mẹ là K’Hương, còn con là K’Tí. Chiều chiều ta vào rẫy cà phê dạo mát và rèn chân cẳng cho con. Mẹ vẫn không nguôi hi vọng con sẽ trở nên lành lặn.
Bán nhà
Vậy mà đã được hai năm, con nhập viện Di Linh mấy lượt, khi thì té bong gân, trật khớp, khi thì ho nóng sốt. Một hôm lên với mẹ con mình, bố bảo: “Cho con về lại thành phố đi em, nó đã sáu tuổi rồi, cho nó đi học chứ! Vả lại, sắp sinh thêm em bé, không lẽ ở mãi trên rừng”.
Chào nhé cao nguyên! Chúng ta lại về thành phố.
Trở lại nhà cũ sau hai năm, mẹ con ta ngơ ngác hóa ra người xứ lạ. Xung quanh nhà mình biệt thự san sát, con hẻm nhỏ trở thành đường nhựa, cây phượng bị đốn tróc rễ, cái ngách vào nhà mình bị móp méo, tối om, nhà ta xấu xí và lọt thỏm giữa bề thế xa hoa. Thỉnh thoảng, con sang chơi với con ông phó giám đốc bằng tuổi con. Con ngọng nghịu khoe: “Bạn Thành có đồ chơi điện tử – trò chơi “câu cá” – thích lắm mẹ ạ!”. Mẹ im lặng, cúi xuống giỏ đồ may, dứt nốt mũi chỉ sau cùng.
Một ngày, con lầm lũi khập khiễng đi về. Con bảo: “Bạn Thành không cho con chơi nữa, vì mẹ bạn ấy bảo nền nhà bạn gạch men trơn lắm, Hội đừng có vào vì chân Hội ra mồ hôi dơ, rồi lỡ Hội té què, rắc rối!”. Mẹ ôm con vào lòng, lại im lặng. Sau này, mỗi lần thay đổi nhà cửa, việc đầu tiên là mẹ đi mua gạch lát nền.
Bố vẫn đi làm công nhật, từng ngày. Hôm đau bụng chuyển dạ, mẹ ì ạch dắt con vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Đi bộ được nửa đường, đau quá mẹ mới dám kêu xe ôm. Tới nơi, gửi con cho mấy cô bác sĩ trực. Con ăn bánh quy và lăn ra ngủ ngon lành. Và mẹ thì yên tâm đi sinh em bé.
Em Khoa được ba tháng, mẹ thấy nhà mình hay có khách. Bố càng ngày càng lầm lì và hay uống rượu một mình khi đêm vắng. “Có chuyện gì thì anh phải nói ra chứ?”. Bố thở dài sườn sượt. Quanh co một lúc rồi nói: “Nhà mình nợ nhiều lắm rồi, khoảng 14 triệu đồng”. Đêm ấy, mẹ thao thức. 14 triệu đồng, gần ba cây vàng. Nhìn qua nhìn lại, tài sản không còn gì để bán. Đã thế mới đầu mùa mưa nhà đã dột lỗ chỗ. Nhà! Đúng rồi, nhà! Bán nhà đi là nhẹ nợ, khỏi phải buồn phiền! “Bán nhà, bán nhà…”, mẹ lẩm nhẩm một mình và ngủ thiếp đi.
Sinh kế mới
Mẹ tìm được một điểm “cò” nhà đất của một ông tên Sáng. Về đến nhà, ông Sáng chắp tay đi đi lại lại. Ông phán chắc nịch: “Nhà này chỉ có cái xác, không tính! Lợi ở bộ hồ sơ và đất thôi! Chú sẽ đăng cho cháu 25 cây vàng. Thủ tục giấy tờ bên cháu phải lo tất!”.
Đi phường, đi quận, đi vẽ, đi đo, rồi đi công chứng… Sang bên phòng thuế, đóng thuế trước bạ, thuế chuyển quyền, ủng hộ xóa đói giảm nghèo… Mẹ ẵm em Khoa đi xe ôm để lo các thủ tục, gởi con ở nhà ông bà Vân gần đó. Không đầy một tháng sau mình bán được nhà. Trừ tiền cò, thuế má, mình chỉ còn hơn 20 cây thôi! Thế là cũng tốt lắm rồi! Mẹ với bố cùng gật gù hỉ hả.
Cầm vàng được một đêm, sáng ngày ra thấy người ta rầm rập kéo đến, hỏi thăm, tay ai cũng nhăm nhăm một tờ quảng cáo của báo Tuổi Trẻ! Mẹ tá hỏa khi biết họ đã đăng rao bán lại nhà mình tới 38 cây vàng. Tức thật, tức chết mất! Mẹ mua một con vịt quay vàng rộm, gọi điện thoại mời vợ chồng người mua nhà tới ăn một bữa chia tay. Mẹ không than trách nửa lời, cảm ơn vợ chồng họ đã mua nhà và gỡ rối cho mình lúc khó. Bà vợ khoái lắm mới nói thế này: “Chị bày cho: vốn của em ít, chịu khó về mạn Gò Vấp tìm mua lấy cái nhà xập xệ, sửa lại đăng báo bán”. Bài học đầu đời của mẹ về việc làm ăn đã được trả giá bằng hơn chục cây vàng như thế đó con.
Những ngày đầu mon men chuyện mua bán nhà, mẹ ngây ngô đến buồn cười. Kiếm được người mua nhà rồi, ngặt nỗi ở chưa bao lâu đã bán, lúc đặt cọc mẹ phải mời ông tổ trưởng dân phố làm chứng. Ông rất nhiệt tình, cảm thông với gia đình mình, ông bảo: “Này Hương, bác bày cho cháu: trước khi nộp hồ sơ thì ghé qua cô nhà đất phường một tí. Nhà cô ấy ở đường… số…”. Mẹ dạ vâng râm ran. Nghĩ sẽ có được món tiền dư ra để lo cho “cậu nhỏ thủy tinh” của mẹ, lòng mẹ cứ tươi hơn hớn.
Bàn bạc mãi, bố và mẹ quyết định: mua một lọ hoa khô. Bấy giờ hoa khô quý lắm, chơi hoa khô là một thú chơi sang cả, nghệ thuật. Bình hoa đẹp đến mức khi mang về nhà mẹ đã ngắm nghía cả ngày, nhờ ông thợ chụp hình bấm một kiểu bé Khoa bên chiếc bình hoa ấy. Lòng rất vui, mẹ đĩnh đạc mang món quà đến nhà chị cán bộ và thầm nghĩ chắc chị sẽ rất hài lòng với tác phẩm nghệ thuật này. Nhưng không, khi nói đến chuyện hồ sơ, chị lại lạnh tanh: “Gia đình cứ mang nộp ở phường nhé”.
Sáng hôm sau mẹ ra phường sớm và hồ sơ cứ thế nằm im ỉm. Lo quá, lo phờ phạc cả người. Tiền cọc mẹ đã nhận của người ta rồi và cũng đã tiêu mẻ vào đó một mớ. Nóng lòng, mẹ đến gặp ông tổ trưởng hỏi ý kiến. Ông hỏi: “Vậy chớ mày có lo quà cáp gì chưa?”, “Cháu đã mua tặng cô ấy một bình hoa khô đẹp lắm”. Bất ngờ, ông tổ trưởng cười phá lên: “Trời ơi, đi làm hồ sơ nhà mà hoa khô, rách việc. Đơn giản là cháu làm một cái phong bì”. Thế là mẹ có thêm một bài học. Mấy ngày sau mẹ đã hí hửng nhận lại hồ sơ, có lời chứng thực, có dấu son đỏ chót.
Ta đã ở dọc đường Lê Đức Thọ suốt tám năm, đã bán nhà mười lần. Cứ mỗi căn nhà mẹ lại nghĩ ra một kế mưu sinh. Có căn mở tạp hóa, có căn bán cháo lòng, cơm tấm, có lúc “ngông cuồng” hơn mẹ lại ngăn một chỗ làm nơi hát karaoke. Ừ, thích thật! Nhà mình ở đâu cũng mở rộng cửa, thành địa điểm hội họp, gặp gỡ. Mẹ tung tăng đi khắp khu phố, tổ dân phố, làm việc cho hội phụ nữ, làm thiện nguyện… Mẹ cùng với ông Bảy Cường (khu phố trưởng) và bà con nghĩ cách làm đường, cùng bạn bè dồn góp tặng khu phố một cái loa phóng thanh và mấy bộ đèn cho sáng sủa. Mẹ yêu nơi ấy đến mức khi kẻ xấu lọt vào ăn cắp hết đường dây điện chiếu sáng, bố mẹ đã theo các chú dân phòng thức ngày thức đêm và cùng nhau tóm được kẻ cắp.
Có lúc suy sụp, vốn liếng không còn, mẹ xoay ra bán rau muống. Lấy 20 bó lớn, bỏ mối cũng kiếm được 24.000 đồng. Hai giờ rưỡi sáng mẹ dậy, bán xong quay về đã hơn sáu giờ, hết mớ rau là có được một buổi tiền chợ. Những đêm khuya trên cây cầu Trường Đai, mẹ nhìn ngắm được rất nhiều mảnh đời từ nhiều nơi đổ về, hội tụ. Mỗi người có tính cách riêng, công việc riêng, cuộc đời riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng họ đều kiếm sống lương thiện, đều có tình, bảo bọc, nương tựa nhau. Hội thấy không, nếu con quan sát con sẽ thấy có vô vàn cái đẹp ở trong đời.
Thế giới của con
Con trai ơi, đưa tay đây, mẹ đỡ. Lần này, ta dọn nhà về Đông Thạnh, Hóc Môn, một bãi rác mênh mông. Nhà ta núp trong một vùng bung xung cây cối. Con đường đất đi vào nhỏ xíu vòng vo, xe lam không vô lọt, ở đầu đường là chùa Bà Tư, cuối đường đổ ra một nghĩa địa mênh mông. Bà con lối xóm xúm tới dọn đồ giúp: có gì đâu, toàn những ghế là ghế. Ghế cao, ghế thấp, ghế vuông, ghế tròn, cái ngắn, cái dài. Ghế để con bám, ghế để con ngồi, ghế để con tập di chuyển.
Phải học thôi Hội à Con vào lớp 1. “Phải học thôi Hội à! Ốm cũng học! Què quặt, khập khiễng cũng phải học!”. Mẹ nói với con trai như vậy, con còn nhớ không? Nhập học một tháng, con đã lại gãy tay! Mẹ biết con đau đớn vô cùng, muốn nghỉ học, nhưng mẹ đã nói với con: phải chấp nhận thôi, tránh làm sao được. Mẹ ra trường gặp các thầy cô giáo để trấn an: “Bệnh của con tôi là vậy, mong thầy cô cứ cho cháu học tiếp. Có chuyện gì xảy ra, chỉ xin thầy cô liên lạc gấp với gia đình”. Mẹ không muốn các thầy cô giáo chịu áp lực về bệnh tình của con. Con gãy xương hoài, tới 27 bận, đi học đeo bột thường xuyên. Riết rồi cũng quen, cảm giác nặng nề cũng vơi bớt. |
Mẹ biết là con buồn. Về ở xứ heo hút, xa xôi này con thua thiệt lắm. Sẽ chẳng còn những buổi chiều mẹ cõng con đi chơi phố, sẽ chẳng còn những buổi tối mẹ cõng con vào nhà sách rực rỡ… Sự yên lành không ở được với nhà mình mấy ngày: mồng 4 tết con lại sụp xuống, xương cẳng tiếp tục vỡ ra… Đi bó bột về, con quay mặt vào tường. Con bảo: “Mẹ ơi, lần này mẹ đừng cứu con nữa!”. Nghe con nói mẹ muốn khóc òa lên nhưng cố nuốt nước mắt: “Đừng quá tuyệt vọng con ạ!”. Con hay nhìn ra sân và hay nhìn đi đâu xa lắc. Mẹ hiểu rồi, con muốn biết thế giới ở ngoài kia.
Mẹ tìm đến một công ty, ký hồ sơ mua hàng trả góp: một dàn máy tính cho con. Dĩ nhiên sẽ thêm khó khăn, nhưng con an tâm, không có gì là không vượt qua được. Mẹ, con, ba và cả bé Khoa nữa sẽ cùng cố gắng. Mẹ chọn máy màu xanh, đẹp và dịu mát. Mẹ hãnh diện lắm, còn con thì rất vui. Dàn máy rực sáng cả căn phòng khách. Mẹ mua sách vi tính về cho con trai tự học và con đã học rất nhanh. Thế giới mở ra với con từ đó.
Một hôm, khi mẹ đang chuẩn bị bữa ăn, bỗng con la thật lớn: “Mẹ ơi, có thuốc rồi! Có thuốc chữa bệnh của con rồi, mẹ ơi!”. Mẹ vất hết mọi thứ, phóng ào đến bên con và ngó vào màn hình. Mẹ dán mắt đọc thông tin về một thứ hóa chất đắt hơn cả vàng. Và theo như lời dẫn thì có thể làm bệnh con bớt phần đau đớn!
Mẹ lập tức đi tìm hiểu. Thuốc này là một thứ hóa chất thường sử dụng cho bệnh ung thư tủy giai đoạn cuối và một vài bệnh khác liên quan đến tủy xương, một hộp hai lọ giá 3,7 triệu đồng, mỗi năm điều trị hai lần, mỗi lần chục triệu. Muốn mua thuốc này phải có toa của bác sĩ và rất khó mua, các nhà thuốc bậc trung không có, ngay cả nhà thuốc Mỹ Châu lớn là thế cũng lắc đầu.
Ánh mắt con tràn trề hi vọng, tiếng kêu khẩn thiết biết bao, mẹ thừ người. Con trai của mẹ, mẹ vẫn đang cố đây. Làm sao mẹ lại không cứu con cho được! Nhưng hãy bình tĩnh nào, hãy bình tĩnh… Để mẹ nghĩ cách. Mẹ sẽ đi tìm mua thuốc, sẽ ước liệu chuyện tiền nong…
Theo Tuổi trẻ
Bình luận (0)