Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta – dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…
Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
(tiếp theo kỳ 2)
… Một tờ thơ trường xuân lá chuối
Cứ phất pha phất phới mai chiều (310)
Hai tờ thơ của tình yêu
Gói trọn cái nghĩa nhiễu điều giá gương
Cho quê mẹ nghìn thơm hương vị
Của đất trời, của ý phu thê
Của trung trinh, của nguyện thề
Của gắn bó, của sum xuê bạt ngàn
Pho lịch sử tròn trang cổ tích
Chuyện Trầu Cau – Ngọc Bích liên thành
Chuyện vợ chồng nghĩa anh em
Trầu Cau – Vôi quấn quít thành Văn Lang (320)
Thiếp xin hẹn cùng chàng chung thủy
Anh nguyện cùng em nghĩa tử sinh
Thì ra Lạc Việt nòi tình
Mình đi mình cũng theo mình mình ơi!
Ra cái mình nụ cười giọt lệ
Ra cái mình miêu duệ Rồng Tiên
Quê hương Tiên Bụt Thánh hiền
Dệt nên trang cổ tích thiên thu này
Còn chuyện tình nào hay bằng chuyện
Chuyện Trương Chi hay đến cực kì (330)
“Ngày xưa có chàng Trương Chi
Người thì thực xấu hát thì thực hay”
Người ta yêu cái đầy cái đủ
Người ta yêu cái tú cái thanh
Riêng em em lại yêu mình
Thoạt vì cái giọng mình xinh như rằm
Ra tiếng hát nó đằm thắm thế
Nó mênh mang chóp bể mưa nguồn
Nó đưa người tới Vu Sơn
Để đong đưa với sắc hương địa đàng (340)
Để tìm trong mộng tan trong mị
Để vong thân – Ừ! Để hóa thân
Tiếng hát của chàng ngư nhân
Đã ru ai giấc mộng xuân mơ màng
Trong cái nỗi phòng không bóng lẻ
Nàng Mị Nương lặng lẽ đơn tư
Yêu sao tiếng hát song thu
Lênh đênh nhạn trắng tuyệt mù khơi xanh
Đêm bóng ngự năm canh trằn trọc
Ngày biếng ăn chín khúc ruột đau (350)
Hỡi ơi tiếng hát đi đâu
Để ai trăm thảm nghìn sầu vì ai
Gã ngư phủ nhất thời cảm hứng
Cất tiếng ca lồng lộng cung thương
Vô tình ấy chuyện tai ương
Cho cô ái nữ Mị Nương thất tình
Bấy giờ đấng sinh thành nghiêm phụ
Nghe tin nàng ngọc nữ tương tư
Bèn theo lời gã y sư
Triệu Trương Chi tới, dặn ngư dân này (360)
Một là phải đêm ngày thang thuốc
Cho Mị Nương sớm được phục hồi
Hai là phải hát đi thôi
Cho bệnh nhân được nghe vui tấc lòng
Trương Chi nhận lời xong bèn đến
Bên Mị Nương và tiếng ca chàng
Bèn xuyên vào trái tim nàng
Cho nàng mở mắt lại bàng hoàng hơn
Vì cái kẻ giọng dường Tiên Phật
Sao mặt mày lại rất như ma (370)
Khiến cô ái nữ nhà ta
Thất kinh bèn nhắm mắt… và tỉnh cơn!
Và đúng lúc Mị Nương tỉnh giấc
Là khi tình lại dập Trương Chi
Là vì là bởi tại vì
Sao người ngọc lại sinh chi trên đời
Để cho bấy rã rời gan-dạ
Cho tả tơi vàng đá như ri
Để người thật xấu Trương Chi
Mất linh hồn trước “cô thùy Mị Nương” (380)
Cái luật của sắc hương là rứa
Của sắc thanh hương chữ rõ là
Hai tên thủ phạm gây ra
Cơ man thống hận hóa là vô minh
Mình gây họa mà mình đâu biết
Cái đẹp mình làm chết người ta
Trương Chi từ gặp người ta
Một khi bị tống về nhà bèn… đau
Khiến mây nước nó rầu nó rĩ
Khiến gió trăng nó thỉ nó thầm (390)
Tìm đâu cho thấy cố nhân
Thôi thì lấy chữ tự trầm cho xong
Lại lao mình giữa dòng sông nước
Xác Trương Chi hóa khúc gỗ thơm
Gỗ bạch đàn ngát linh hương
Và sau đó, khúc “gỗ thơm tự trầm”
Lại được một ngư nhân tìm thấy
Và – kì diệu thay – lại đem về
Bán cho đệ nhất gia kia
Để rồi “khúc gỗ Trương Chi” cuối cùng (400)
Lại được một nghệ nhân chạm khắc
Thành một bộ trà thật là xinh
Thế rồi, lại thật kỳ linh
Mị Nương cầm chén trà xinh uống trà
Để lại thấy người ta hiện bóng
Trong chén trà dậy sóng trường giang
Tay chèo một chiếc thuyền nan
Miệng ca một khúc hò khoan não nùng
Ôi! Cái khúc ca trùng lai điệp
Cái nỗi sầu tha thiết bao nhiêu (410)
Nỗi đau tuyệt vọng tình yêu
Nỗi đau bạc phận rong rêu phận người
Tiếng ca nó biển trời lai láng
Khiến Mị Nương choáng váng tâm hồn
Thế là, giọt nước mắt tuôn
Nhỏ vào giữa chén trà đương hiện người
Và “phép lạ” tức thời xuất hiện
Bóng chàng Trương bỗng biến mất tăm
Hồn oan của Gã ngư nhân
Nay nhờ giọt lệ tri âm của Nàng. (420)
Mà siêu thoát để tan thành một
Ánh trăng vàng siêu mượt hư linh
Cho ta trở lại gặp mình
Văn Lang nước mở trang xinh yêu Vì
Cho cuộc sống thành ghi thành tạc
Cho tình yêu thành nhạc thành thơ
Cho tương giao rộng cõi bờ
Cho tri âm biếc xanh tờ sử xanh
Ôi! những chữ trong lành cổ tích
Những trang thơ ngọc bích Văn Lang (430)
Phiến quạt mười tám chiếc nan
Hai ngàn sáu lẻ triều quang dâng đời
Pho cổ tích rạng ngời nhân giới
Và Chử Đồng Tử với Tiên Dung
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Huống chi chàng với nàng cũng một
Như ngôi chùa Một Cột ấy thôi
Lại như hạt gạo cắn đôi
Lại như trăm trứng từ nơi mẹ hiền (440)
Trang tình sử tình truyền nhân bản
Nhân sinh là nhất bản vạn thù
Dù rằng có xuân có thu
Cô công chúa nọ Gã ngư nhân này
Nhưng tất cả cũng mày cũng mặt
Và mặt trời cũng thắp ánh dương
Và trong từng cánh Thiên Lương
Từng con tim của mười phương Nhân Hoàn
Cô công chúa giăng màn để tắm
Giữa nắng vàng, cát trắng, trời xanh (450)
Một tòa ngọc của tinh anh
Nó mơn mởn, nó long lanh, tuyệt vời
Và những gáo nước ngời gương sáng
Và, ô kìa! Một dáng “Người Ta”
Từ trong cát bỗng phôi pha
Bỗng bày ra, bỗng xô ra một người
Ôi! Sao thế? Tuyệt vời kì lạ!
Một Người Ta đang lõa thể kia!
Một Người Ta rất nam nhi
Rất vời vợi, rất diệu kì như mun. (460)
Sao kể xiết nguồn cơn công chúa
Và nguồn cơn của chú ngư dân
Hai bên duyên trụi duyên trần
Trái tim người đã dệt vần thơ duyên… (Còn tiếp)
Nguyễn Điệp (thực hiện)
Bình luận (0)