Hội nhậpGiáo dục phát triển

Kỳ 5: Cả dân tộc cùng hướng về ngày giỗ tổ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta – dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…
Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
 
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
(tiếp theo kỳ 4)
 
… Quyết nhận chìm bao nhiều thành quách
Của Sơn Tinh cho sạch sành sanh
Có điều hễ nước càng nhanh
Thì non kia lại càng nhanh hơn nhiều
 
Cứ như thế qua nhiều thế kỷ
Cuộc tranh hùng giữa Thủy – Sơn Tinh
Nói lên ý nghĩa nhân sinh
Rằng đời là cuộc đấu tranh ngoan cường (620)
Để chống với tai ương nhiên giới
Bằng sức người vươn tới trời xanh
Để tồn tại giữa quang vinh
Như non Tản biếc long lanh nghìn tầm
 
Những thông điệp về Tâm cứ thế
Truyền về cho hậu thế về sau
Những dưa hấu, những trầu cau
Mỗi cổ tích một nhịp cầu Tâm Linh
 
Ai quên được Thạch Sanh thần thoại
Có chuyện nào vĩ đại hơn đâu (630)
Thạch Sanh đóng khố… rừng sâu
Cây rìu để chặt cái đầu xà tinh
 
Cây đàn để xướng xinh chân lý
Của trái tim… thi vị tình yêu
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ mây Hồng Lĩnh ngọn triều Lam Giang
 
Thạch Sanh với cái thang để bắc
Qua hố sâu phản trắc lòng người
Để đưa nhau tới mặt trời
Để đưa nhau tới nụ cười tương giao (640)
Thạch Sanh với xiết bao hạt lệ
Và nụ cười như thể nhân sinh
Ngày xưa có chàng Thạch Sanh
Hình như từ đá sinh thành đúng chăng?
 
Chỉ hay thuyết xưa rằng có một
Đôi vợ chồng nghèo rớt mồng tơi
Hai bên đã trọng tuổi đời
Vẫn chưa một mụn nối đời về sau.
Thương bấy nỗi lòng đau bất hiếu
Thạch Ông lo quán miếu vun đền (650)
Một niệm cầu nguyện ơn trên
Bấy giờ Ngọc Đế ngự trên chín tầng.
 
Xét thấy họ thành tâm rất mực
Bèn cho chàng trai út giáng sanh
Ba năm thai nghén tinh anh
Thạch Bà sanh được Thạch Sanh nối dòng.
 
Chỉ thương nỗi Thạch Ông mòn mỏi
Cái nỗi chờ nỗi đợi khôn nguôi
Nên con chưa kịp chào đời
Thạch Ông đã vội về nơi suối vàng. (660)
Thế là nẻo đời sang khúc rẽ
Thạch Sanh thành đứa trẻ không cha
Để rồi sau đó Thạch Bà
Cũng lìa bỏ cõi người ta đọa đày.
 
Và Thạch Sanh hóa rày đứa trẻ
Mồ côi cha lẫn mẹ buồn ơi!
Ngày nao con út ông Trời
Bây giờ thành trẻ mồ côi giữa rừng.
 
Được cái lá vận cùng tắc biến
Thạch Sanh, trong vận chuyển cơ trời (670)
Cũng dần lớn phận con người
Tuổi mười ba, lại được trời cho tiên.
 
Xuống trần thế dạy riêng bé Thạch
Phép thần thông quét sạch tà ma
Dĩ nhiên, vốn gốc con nhà
Nên học tiên thuật “cũng là trò chơi”.
 
Bấy giờ ở gần nơi bé Thạch
Có một người “rất hách” tên là
Lý Thông – vốn thói ranh ma
Suốt đời, chỉ gạt người ta để mình. (680)
Chợt đi ngang thấy hình dáng Bé
Rất to con như thể lực điền
Trong khi gương mặt thiếu niên
Vừa ngây dại, lại hồn nhiên như là.
 
Họ Lý bèn lân la bước tới
Làm quen và rủ gọi Thạch Sanh
Cùng mình kết nghĩa đệ huynh
Nén hương đồng tử đồng sinh giữa trời.
Cả họ Lý có người mẹ ruột
Thị cùng con một ruột tinh ma (690)
Từ khi nhận bé vô nhà
Thì thôi cứ việc mà tha mà hồ.
 
Mà bóc lột bốn mùa lao động
Canh một chưa nằm xuống canh năm
Đã nghe “nghĩa mẫu” lầm bầm
Rằng trời sáng bảnh còn nằm nỗi chi.
 
Dẫu kham khổ nhưng vì đạo nghĩa
Đã cùng người rằng đệ rằng huynh
Nên lòng Thạch cứ đinh ninh
Mẹ người ấy cũng mẹ mình thế nên… (700)
Qua những buổi đảo điên như thế
Rồi một ngày tồi tệ xảy ra
Trong vùng có lão Trăn Ma
Người ta cũng gọi lão là Xà Tinh
 
Vốn là kẻ tu hành ma quái
Phép thần thông phá hoại càng hay
Cũng nhờ phép thuật Đông Tây
Lão Xà Tinh mới già tay hại người.
 
Sau một thuở quậy đời tan nát
Còn lộng hành hại thác quân binh (710)
Làm quan sở tại thất kinh
Bèn vội dâng biểu về kinh: tâu rằng
 
Nay có gã tinh Trăn cũng khá
Phép thần thông biến hóa cũng thần
Nay vì cái lẽ “Yên Dân”
Cúi xin thánh thượng ban ân cho… thờ
 
Vua nhận biểu cũng lờ đờ gật
Thế là quan bèn lập miếu thờ
Hàng năm cúng một mồi tơ
Gái trai cũng đặng – đúng mùa Nguyên Tiêu. (720)
Và hôm ấy… như điều định mệnh
Gã Lý Thông bị dính… thăm mời
Than ôi rồi lại hỡi ôi
Phân “Thông” lên miễu thì “Tôi” còn gì
 
Lý bèn vội phát huy tài gạt
Kế “Kim Thiền Thoát Xác” rõ hay
Bèn rằng chú Thạch nghe đây
Phiên anh vào miếu đêm nay cúng thần
Nhưng đang bận việc cần giúp mẹ
Nên nhờ em đi thế nghe Sanh! (730)
Thạch Sanh vốn thuộc nòi lành
Nghe “anh” nói, cứ ngỡ “anh” thật lòng.
 
Bèn vác rìu thẳng xông lên miếu
Đôi nhang đèn đúng điệu kính tôn
Lại còn tìm chổi quét luôn
Để cho miếu sạch như gương mới là
 
Làm công quả miếu tà xong xả
Thạch Sanh chừng đa đã, thiu thiu
Bỗng đâu một trận gió yêu
Thổi hơi lạnh tới, thiếu điều thấu xương (740)
Rồi một Mãng Xà Vương xuất hiện
Há cái mồm như miệng cái lu
Lại phun ngọc lửa phù phù
Vừa tanh tưởi vừa nóng như nung giòn.
 
Đối với những trò con con nọ
Với ai kia thì nó gớm ghê
Nhưng đối với Thạch Sanh thì
Chỉ là chuyện nhỏ có chi rùng mình
 
Nên tự tin, Thạch Sanh cười tủm
Và xông lên múa lượn lưỡi rìu (750)
Thành bùa Linh ngữ Trảo yêu
Đoạn, a lê hấp, ra chiêu một đòn.
 
Thế là chặt đứt luôn đầu rắn
Khiến máu me phun bắn như mưa
Chảy như ngọn suối ồ ồ
Nửa canh máu chảy còn chưa chịu ngừng.
 
Giết xong Mãng Xà Vương, thủng thẳng
Sanh vác ngay đầu rắn về nhà
Miệng kêu “anh Lý Thông à!
Mau ra mở cửa, em đà về đây!” (760)
Gã họ Lý đang say giấc ngủ
Nghe tiếng kêu, tưởng “cựu hồn” về
Bèn lên giọng thốt giọng thề
Rằng: “Hồn ơi! hãy mau về Tây phương… (Còn tiếp)
Nguyễn Điệp (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)