Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Kỳ bí Amazon: Bí mật rừng già

Tạp Chí Giáo Dục

Sống trong môi trường đầy “hiểm họa”: thú dữ, rắn rít, cá sấu, sốt vàng da và gần như cách biệt với thế giới bên ngoài đã rèn người Matsés trở thành bậc thầy về kỹ năng sinh tồn giữa rừng già Amazon.

Vợ cũng đi theo vào rừng – Ảnh : N.T

Đi săn

“Này nhóc, sapo giúp đi rừng không biết mệt mày cũng đã thử, Nu-nu giúp biết nơi nào nên đi săn mày cũng đã hít, hôm nay vào rừng với tao chứ?”, Dunu cười cười hỏi tôi. Bao nhiêu “bùa chú” chuẩn bị trước khi vào rừng của người Matsés tôi đều thử qua, chẳng lý do gì tôi lại từ chối. Tôi hí hửng khoe với Dunu thêm một loại bùa (mới tậu được ở chợ thú rừng tại Iquitos trước khi vào đây): một chiếc nanh báo đeo lủng lẳng trước ngực. Nhìn nó, Dunu chợt biến sắc: “Cũng may là mày khoe trước khi tao và mày cùng đi săn. Không bao giờ được đeo vòng cổ nanh báo (ở Amazon không có cọp – PV) vì báo sẽ luôn đi theo mình và ăn thịt đấy”.

Nói xong, Dunu đến bên vách lá, lấy ra một khúc xương bỏ vào bếp đốt, khói bay lên khét lẹt vậy mà ông hít lấy hít để. “Đó là xương của con lười (con cù lần), ngửi khói cháy từ xương con này sẽ giúp mình đánh hơi, tìm thấy nó nhạy hơn”. Đoạn ông bước ra ngoài, gom mấy trái cọ chất thành đống rồi đốt lên. Đợi đến khi khói lửa đượm, khói xông lên mịt mù, Dunu lại tiếp tục tiến tới, “hơ” người trong đám khói đó. Dunu ra hiệu cho chúng tôi làm theo. Nhất cử nhất động của ông đều được tôi bắt chước hoàn hảo. Cứ làm, thắc mắc hỏi sau. “Hơ khói từ trái cọ bị đốt sẽ giúp người thợ săn đi rừng may mắn hơn”, Hector, nhà tự nhiên học, người dẫn đường của tôi, giải thích.

Bài học trong rừng

Chúng tôi xuất phát. Nói vào rừng cho vui, thật ra cái chòi của chúng tôi đã nằm sâu trong rừng rồi. Chỉ vài bước qua khúc cây bắc ngang con suối là bước vào cánh rừng bạt ngàn. Ban ngày, nắng chói chang mà vào rừng trời như tối sầm. Những thân cổ thụ to đến mấy vòng ôm vươn tán cây rậm rạp trên cao nên nắng chỉ lọt xuống lốm đốm, nhợt nhạt. Không khí ẩm, sực mùi lá mục. Trời nóng, đi một chặp mồ hôi rịn ra nhớp nháp cả người. Dunu ra hiệu cho chúng tôi dừng lại nghỉ mệt. Còn ông thì đi loanh quanh, ngó nghiêng, ngó ngửa. Bất chợt, ông cầm con dao chặt phăng một nhánh dây leo (to bằng cổ tay) trước mặt. Cành cây bị chặt rỉ nước ra, Dunu ngửa cổ uống sạch. “Sao ông biết cây nào có nước để uống?”, tôi hỏi. “Tìm những loại cây leo rồi chặt thử. Thấy nước chảy ra đặc, màu đục thì đừng đụng vào. Thấy nước trong thì nếm thử một chút, nếu có vị đắng thì ngưng ngay. Nếu không, tiếp tục nếm thêm một tí và chờ một chút. Nếu vẫn thấy ổn, lúc này có thể uống thoải mái”, Dunu giải thích cặn kẽ.

Vũ khí đi săn của Dunu chỉ là một cây dao và cung tên. Cung của người Matsés làm từ lõi cây cọ, mũi tên dài khoảng hai mét, được làm từ cây mây, đuôi có gắn lông chim đại bàng hoặc kền kền. Làm mũi tên rất công phu, nên người Matsés giữ tên rất kỹ, bắn tên đi là phải tìm lại cho bằng được. Dunu ngồi xuống, rút mũi tên vốn đã nhọn hoắt ra mài đi mài lại. “Ổng muốn cảnh báo những con thú dữ “tao có mũi tên sắc lắm đây, đừng hòng ăn thịt hay đụng đến tao” đấy”, Denis, cháu ông, nói. Tôi ngỏ ý mượn Dunu cung tên thử bắn chơi, nhưng ông lắc đầu: Người Matsés không cho thợ săn khác mượn cung tên của mình. Bỗng trong bụi rậm trước mặt nghe tiếng sột soạt, một con thú ăn kiến (ant eater) chầm chậm bò ra. Dunu đang giương cung lên bỗng hạ xuống, không bắn. “Sao không bắn?”, tôi hỏi. “Dùng cung tên bắn con thú ăn kiến sẽ rất xui. Nếu lỡ bắn, sau này không thể sử dụng tên đó để đi săn vì bắn không thể trúng đích được nữa”, Dunu giải thích.

Dunu xốc lại cung tên, tay cầm con dao, vừa đi vừa phát cây rừng, tiếp tục băng băng đi. Có lẽ mấy ngày nay đi bộ nhiều quá nên cái chân tôi bị chuột rút đau tái mặt. Không muốn ảnh hưởng đến người khác, tôi không nói nhưng cố gắng bám theo. Dù vậy, khoảng cách cứ xa dần cho đến lúc tôi không còn thấy Dunu nữa. Lạc rồi! Tôi kêu to, nghe có tiếng đáp lại, nhưng không thấy người đâu cả. Cứ như vậy đến gần cả nửa tiếng. “Hay là thần rừng Chullachaqui giả tiếng để dụ tôi?”, một chút hoang mang thoáng qua trong đầu. Chullachaqui là con quỷ lùn của rừng Amazon. Nó thường biến hình thành người thân hoặc bạn bè rồi dụ họ đi sâu vào rừng cho đến khi lạc lối.

Bài học ngày trước ở Hội Du khảo trẻ TP.HCM về những cách ứng phó khi bị lạc trong rừng không ngờ lại có dịp sử dụng. Tôi đứng lại, không đi nữa. Trong khi đợi, đầu tôi vạch ra những phương án nếu chẳng may Dunu quay lại tìm không thấy. Cũng may, ông trời không muốn thử kỹ năng sinh tồn “ba rọi” của tôi, nên đợi thêm một chút, đã thấy Dunu lò dò quay lại. Nghe tôi hỏi về Chullachaqui, Dunu nói Chullachaqui sẽ giả tiếng của con thú thợ săn muốn bắn. Thế là thợ săn đi theo, đi mãi cho đến khi bị lạc. Đã có nhiều người bị Chullachaqui dụ vào rừng mấy ngày, khi tìm được, họ gần như hoảng loạn. Như để chứng minh thêm sự nguy hiểm của Chullachaqui, ông chỉ vào hàng lông mày đã được cạo sạch của mình: “Phải làm thế để Chullachaqui không “thấy” được mình. Ông ta chỉ thấy và bắt những người còn lông mày”. Nghe Dunu nói tôi cũng hơi lạnh người vì cặp lông mày của tôi còn nguyên. Tôi không tin quỷ ma, nhưng ở giữa rừng thiêng nước độc này, chẳng ai dám nói cứng chuyện gì.

Nguyễn Tập (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)