Ngày 24-3, ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tiếp theo.
Ở đoàn TP.HCM, nhiều ĐB tập trung phân tích, tìm giải pháp để giúp nền nông nghiệp nước nhà vượt qua “thách thức kép”. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, bài toán nông nghiệp đang nổi lên hai vấn đề mà lâu nay đã thấy rõ là rủi ro của thị trường đối với sản xuất, kế đến là rủi ro do tự nhiên mang lại. Hai rủi ro này tạo thách thức kép, khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong phát triển nông nghiệp trong 5 năm.
Đi thẳng vào vấn đề, ĐB Lê Thanh Hải đòi hỏi cấp bách phải phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao. “Chúng ta đã có chủ trương, nhưng phải đưa ra được giải pháp mạnh mẽ, đột phá để giải quyết vấn đề này. Đất nước ta có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, cộng thêm cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy huy động nguồn lực thì tôi hoàn toàn tự tin sẽ giải quyết được thách thức kép này” – ông Hải nói.
Còn ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, dự báo tình hình về phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nay lại còn nhân tai. Do đó, nếu không có dự báo chính xác, có tầm nhìn dài hạn để đầu tư phát triển bền vững thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ “trắng tay” khi xâm nhập mặn ngày càng tăng cao tại ĐBSCL. Giải pháp đặt ra là phải nghiên cứu đắp đê bao, chuyển từ trồng lúa sang nuôi thủy sản hoặc tập trung nghiên cứu giống lúa chịu mặn. Việc hỗ trợ cho đời sống người dân chỉ là giải pháp tình thế.
Ngoài ra, các ĐB TP.HCM cũng đặc biệt quan tâm tới việc tinh giản bộ máy. Chủ trương thì đã có nhưng thủ tục thực hiện lộ trình này còn nhiều nhiêu khê. Theo đó, các ĐB đề xuất nên để cho địa phương chủ động và phải có phân cấp rõ ràng. Nếu để bộ máy càng lớn, nợ công và bội chi ngân sách không thể giảm được.
ĐB Trần Du Lịch nêu thực trạng ở một số nơi, việc giảm biên chế chỉ là hình thức bởi nhiều nơi cần người thì lại giảm biên chế, trong khi chỗ không cần thì lại tăng.
Liên quan đến báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng còn nhiều tồn tại chưa chỉ rõ nguyên nhân. “Cụ thể, nhiều thông tin cho rằng có lợi ích nhóm, vậy “thực tế có lợi ích nhóm không? Tại sao nói có mà chưa chỉ ra được nhóm nào” – bà Tâm đặt câu hỏi. Bà Tâm cũng băn khoăn, “Liệu lợi ích nhóm có chi phối chính sách, làm lũng đoạn chính sách. Lợi ích nhóm có tới diễn đàn Quốc hội? Và đây có phải nguyên nhân chúng ta không tiếp thu được những ý kiến, hiến kế của chuyên gia”.
Báo cáo các kỳ đại hội đều đánh giá Nhân dân đang giảm sút niềm tin vào Đảng, bà Tâm không đồng tình vì cho rằng, người dân vẫn tin vào chủ trương, chính sách, mục tiêu Đảng sống và chiến đấu vì Nhân dân, nhưng Nhân dân giảm sút niềm tin ở chỗ triển khai thực hiện nghị quyết – nói không đi đôi với làm.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều khiển phiên họp của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu. Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)