Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo trò chuyện với thầy Trần Tuấn Anh, GV Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, khách mời của kỳ họp |
Sáng 2-12, HĐND TP.HCM đã khai mạc kỳ họp thứ 14 khóa VII (từ 2 đến 5-12) nhằm xem xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008. Đồng thời quyết định chỉ tiêu nhiệm vụ, dự toán và phương án phân bổ ngân sách, chương trình giám sát năm 2009. Trong buổi sáng của ngày đầu tiên, đại biểu nghe lãnh đạo UBND thành phố và một số sở ngành báo cáo tóm tắt. Đây là kỳ họp với sự hiện diện đông đủ của tất cả các sở ngành và lãnh đạo các quận, huyện.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: “Năm 2008 tuy có nhiều yếu tố không thuận lợi đặc biệt là những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới, cùng những yếu kém nội tại của kinh tế thành phố đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy thế, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11%; thu ngân sách đạt 110.398 tỷ đồng, tăng 23,1 lần so với cùng kỳ; đầu tư nước ngoài đạt trên 8,2 tỷ USD, tăng 4,25 lần so với cùng kỳ… Điều đó khẳng định sức mạnh, tính năng động của thành phố trước khó khăn, thử thách…”.
Vẫn còn nhiều bức xúc
Buổi chiều các đại biểu xoáy quanh vấn đề kẹt xe do “lô cốt” quá nhiều, môi trường bị ô nhiễm và quy hoạch cùng một số lĩnh vực liên quan đến dân sinh như giáo dục, y tế. Đại biểu Nguyễn Văn Minh bức xúc nói: “Tại sao Sở GT-VT không thực hiện các dự án “lô cốt” từng khu vực theo dạng cuốn chiếu mà lại thực hiện tràn lan làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống người dân và sự phát triển của thành phố. Ngoài ra, Sở GT-VT lại thiếu giám sát dẫn đến tình trạng các “lô cốt” chây ỳ. Cử tri than phiền quá nhiều”. Việc thực hiện các dự án được nhiều đại biểu nêu ý kiến. Đại biểu Huỳnh Phước Điểm bày tỏ: “Các dự án thực hiện quá chậm, vì sao? Thành phố cần phải tập trung giải quyết”. “Nước sinh hoạt sạch không đến được với nhiều khu vực như ở Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc, Hưng Long… huyện Bình Chánh”, đại biểu Phạm Văn Đông than thở. Đại biểu Cao Văn Phần nói thêm: “Chỉ riêng quận Bình Tân, khu vực chung quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa và các bãi rác bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Người dân mang mẫu nước khoan đến Viện Pasteur thử, nơi đây khuyến cáo không được sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt. Ngay cả Phường Bình Trị Đông A cũng bị ô nhiễm nguồn nước ngầm”.
Phải đầu tư cho giáo dục, y tế
Đại biểu Cao Văn Phần bức xúc nói: “Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây giao cho ngành GD-ĐT 4 công trình trường học của nhiều cấp. Tôi đến thực tế và nhận thấy chất lượng quá kém. Tôi có viết thư hỏi Sở Xây dựng. Sở Xây dựng trả lời: Sở Xây dựng đã kiểm tra và nhận thấy những phản ánh của đại biểu rất chính xác. Nhưng đây là công trình cho ngành GD-ĐT thì hãy hỏi ngành GD-ĐT (?!). Tại sao lại “bán cái” cho ngành GD-ĐT, đó là nhiệm vụ của Sở Xây dựng mà. Tôi cũng đã viết thư gửi Giám đốc Sở GD-ĐT để cảnh báo 4 công trình này. Nếu không tính mạng của hàng ngàn học sinh sẽ như thế nào. Chính vì kiểm tra lỏng lẻo như thế nên rất dễ dẫn đến hệ quả khôn lường”. Một đại biểu khó chịu nói tiếp: “Việc kiểm tra công trình là của Thanh tra Sở Xây dựng, sao lại “sút bóng” cho ngành GD-ĐT, quá lạ lùng!” . Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: “Sao không dành đất cho công trình công cộng như công viên hay chuyển đổi mục đích để xây bệnh viện, trường học… mà lại lấy đất đầu tư làm sân golf?”. Đại biểu Đặng Văn Khoa nói: “Thành phố thiếu cây xanh; trường học và bệnh viện, chúng ta dành đất để đầu tư cho các lĩnh vực này”. Đại biểu Phạm Phương Thảo trao đổi trong giờ giải lao: “Cả nước chỉ có 13/144 dự án sân golf đang hoạt động; TP.HCM chỉ có 1/13 dự án sân golf đã và đang hoạt động. Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội thì 8 bệnh nhân/giường. Bệnh viện Ung bướu thành phố có lẽ phải đến 20, 30 bệnh nhân/phòng”. “Hàng trăm dự án sân golf nằm phơi mình hết sức lãng phí, phải chăng họ lập dự án mở sân golf để “xí” đất, chờ cơ hội chuyển sang mục đích khác”, một đại biểu đã nói như vậy.
Trần Thanh Quang
Bình luận (0)