Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ họp thứ 15, HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII: Cần xây mới trường học, đảm bảo VSATTP

Tạp Chí Giáo Dục

Tại các phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 15, HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII diễn ra trong các ngày 8, 9 và 10-12, đã có rất nhiều vấn đề được cử tri đưa ra, trong đó các vấn đề xây mới trường học, quan tâm đến đối tượng phụ nữ nghèo và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được đề cập đòi hỏi sự quan tâm, sâu sát và giải pháp căn cơ của ban ngành liên quan…

Thời gian qua, TP.Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục, nhằm hướng tới mục tiêu 100% học sinh bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, việc đầu tư phần lớn chỉ nhằm nâng cấp, cải tạo CSVC. Ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP cho rằng, việc đầu tư hạ tầng để học sinh tiểu học cơ bản được học 2 buổi/ngày là rất tốt, nhưng đa số các trường học chỉ được nâng cấp, xây thêm phòng học chứ ít có dự án đầu tư xây mới trường học. Việc xây thêm phòng học phần nào đó sẽ làm mất đi chuẩn của trường học. Ông Hùng đề nghị TP nên bố trí một số diện tích đất của các cơ quan hành chính đã chuyển vào Trung tâm Hành chính TP để xây mới trường học. Đồng thời, giảm sĩ số học sinh/lớp mới, đáp ứng yêu cầu dạy học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, ông Lê Văn Quang đề cập đến đề án xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho khu công nghiệp cần được tiến hành sớm, bởi đã hai năm trôi qua kể từ ngày nghị quyết đề cập, đề án vẫn chưa được triển khai.

Không tin tưởng về vấn đề VSATTP trên địa bàn TP trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn đề nghị, Sở Y tế cần đưa ra cách giúp người dân nhận diện thực phẩm bẩn và không bẩn; địa chỉ để mua thực phẩm an toàn; các chợ, siêu thị có biện pháp gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn? Ông Trần Thọ – Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng – yêu cầu bữa ăn của người dân đang được 3 sở: Y tế, Công thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý, 3 cơ quan cần có trả lời cho người dân về những vấn đề này. Theo ông Phan Văn Kha – Giám đốc Sở Công thương – liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, rượu giả, rượu thủ công. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã khảo sát có 1.382 cơ sở chế biến rượu, trong đó chủ yếu là cơ sở do quận quản lý và chúng tôi có chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra. Ông Phạm Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn – cũng cho biết hiện toàn bộ rau xanh đều được nhập về chợ đầu mối. Do Đà Nẵng chỉ đáp ứng được khoảng 5% thị trường rau quả, nên rau quả về Đà Nẵng rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, rất cần xây dựng công cụ cũng như biện pháp kiểm tra nhanh, hiện đại đặt tại chợ đầu mối để kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, chúng tôi đang hình thành chuỗi cung cấp sản phẩm cho người dân, nên xin ý kiến UBND TP được xây dựng trung tâm.

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ cho rằng, chức năng của sở nào thì sở đó phải chịu trách nhiệm. Trước mắt, cần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành mình; lưu ý bổ sung thêm kinh phí và nghiên cứu đặt hàng mua thiết bị kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác thanh tra và xử phạt công khai trên phương tiện truyền thông. “Không cần xin ý kiến, thấy nhiệm vụ, chức năng của mình thì cứ vậy mà làm”, ông Thọ nói.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)