Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XV: Bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sáng 22-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 cơ bản đạt kết quả tích cực, thể hiện qua tỷ lệ giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người, cho thấy hiệu quả công tác giải quyết KNTC ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường.
Đáng lưu ý, đại diện cơ quan thẩm tra nhận định, năm 2023, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 7.666 vụ việc, tăng 15,5%. Số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
“Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn. Đồng thời, từ báo cáo năm sau, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội kèm theo danh mục các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có cơ sở giám sát việc giải quyết”, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị.
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính và các địa phương trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023. Mặc dù vậy, theo đại biểu, một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ; một số nơi chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết KNTC, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật…
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính, các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc KNTC ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội. “Cần xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo, dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập, cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc KNTC để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp”, đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh.
Cho ý kiến về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) thẳng thắn: “Việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương phần nào mang tính chất hành chính, dừng lại ở việc chuyển đơn”. Theo đại biểu, các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư KNTC riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành, để dễ tra cứu, theo dõi tiến trình giải quyết các vụ việc.
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)