Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ họp thứ hai HĐND TP khóa IX: Lại “nóng” chuyện ăn – học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4-8, kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục. Tại đây, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân (Q.Gò Vấp) phát biểu tại kỳ họpẢnh: D.Bình

Nâng cao kiến thức để hội nhập

Vấn đề giáo dục thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu và hiểu sâu sắc về lịch sử quê hương đất nước cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân quan ngại với việc giảng dạy lịch sử hiện nay trong nhà trường phổ thông. Đại biểu Xuân đề xuất: “Sở GD-ĐT cần đào tạo nâng cao kiến thức hiểu biết về ASEAN cho công dân trẻ để hội nhập. Đồng thời chú trọng giảng dạy môn lịch sử, khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường để phát huy lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ”.

Đồng tình với vấn đề này, đại biểu Vương Đức Hồng Quân cho rằng, ngành GD-ĐT cần bổ sung 2 điểm liên quan đến hội nhập. Đó là cần cơ chế chủ động xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu công dân thế hệ mới trong hội nhập; có biện pháp tích cực hỗ trợ các trường mở rộng hội nhập trong khối Cộng đồng ASEAN…

Riêng đối với giáo dục ĐH, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng chúng ta đang đào tạo công dân toàn cầu nhưng giáo dục chúng ta xếp hạng thứ mấy, xây dựng các trường ĐH đã có thương hiệu chưa? “TP cần tạo điều kiện các trường ĐH tiến tới kiểm định chất lượng cao hơn, nâng cao hạng để thu hút sinh viên nước ngoài…”, đại biểu Ngọc Thúy nhấn mạnh.

Người dân cần được ăn “sạch”

Đó là mong muốn của đại biểu Nguyễn Mạnh Trí khi đề cập đến các ý kiến của cử tri mà ông đã tiếp xúc trong thời gian gần đây. Đại biểu Mạnh Trí thẳng thắn nói: “Cử tri hoang mang không phân biệt đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn. Hiện nay, bất kỳ giai đoạn nào của quá trình sản xuất, chăn nuôi, giết mổ cho đến chế biến thực phẩm cũng có thể đưa hóa chất không nhãn mác vào thực phẩm”. Ngoài ra, theo ông Trí người dân cũng rất bức xúc vấn đề vận chuyển hàng trăm tấn thực phẩm vào TP mà không có giấy tờ, còn xử phạt thì không đủ sức răn đe…

Từ những thực tế này, đại biểu Trí cho rằng đã đến lúc phải có biện pháp mạnh hơn, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, thống nhất nhưng phân định trách nhiệm rõ ràng để lấy lại niềm tin cho người dân, để mỗi sản phẩm xuất hiện trên bàn ăn người dân là an toàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga bức xúc, dù có nhiều đơn vị kiểm tra ATVSTP nhưng công tác quản lý VSATTP còn lỏng lẻo, phát hiện rất nhiều vi phạm khi đi kiểm tra. Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan, người tiêu dùng không phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn nên TP cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, đánh giá lại hiệu quả xây dựng mô hình thí điểm chuỗi thực phẩm an toàn…

Trước những bức xúc của các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, hiện TP có hơn 28.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố, chỉ có 53% đạt chất lượng, còn lại không đạt chất lượng. Ông Bỉnh thông tin thêm, bếp ăn ở một số căng tin trường học đầu tư còn thấp, có những trường cơ sở chật hẹp. Theo đó Sở Y tế đã yêu cầu các bếp ăn này phải đạt chuẩn và Sở Y tế luôn tăng cường kiểm soát, hướng dẫn cụ thể các bếp ăn này.

Dương Bình

Bình luận (0)