Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Kỳ lạ loài cây trăm tuổi có “rễ mọc ngược” ở hòn đảo “ngoài hành tinh”

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ có hình thù kỳ lạ với các nhánh phát triển dày đặc, tỏa khắp nơi như bộ rễ khổng lồ, loài cây này còn có nhựa đỏ như máu, được ví là loài thực vật độc đáo nhất hành tinh.
Cây máu rồng (Dracaena draco) được phát hiện mọc chủ yếu ở quần đảo Socotra của đất nước Yemen. Loại cây kỳ lạ này đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ ảnh mới đây của nhiếp ảnh gia Daniel Kordan (đến từ Nga).
Trong chuyến ghé thăm quần đảo Socotra, nhiếp ảnh gia đã vô cùng ấn tượng với loài cây đặc trưng của vùng đất này và nhanh chóng chụp lại nhiều bức hình làm kỷ niệm. Kordan miêu tả đây là loài thực vật "đáng kinh ngạc" qua những gì mà bản thân tận mắt chứng kiến.
Được biết, cây máu rồng có nhựa đỏ như máu, được mệnh danh là loài thực vật độc đáo bậc nhất hành tinh.
Không giống như nhiều loài thực vật trên Trái Đất, cây máu rồng có chu trình sinh trưởng khác thường. Cây non chỉ có một thân và phần thân này sẽ ngừng phát triển sau 10-15 năm rồi bắt đầu ra hoa. Khi hoa tàn, cây tiếp tục kết trái và đâm chồi, phân nhánh tỏa khắp nơi.
Mỗi nhánh cây phát triển sau 10-15 năm lại tiếp tục "đẻ" ra hàng loạt nhánh cấp 2. Từ nhánh cấp 2 sinh ra nhánh cấp 3, cấp 4. Phải mất tới 10 năm cây mới đạt chiều cao hơn 1m. Sau giai đoạn này, cây máu rồng còn phát triển nhanh hơn ban đầu.
Bởi quá trình sinh trưởng kỳ lạ với số lượng nhánh cây nhiều không đếm xuể, mọc dày đặc, lan khắp nơi tạo thành tán rộng mà cây máu rồng còn được ví như loài cây có bộ rễ "lộn ngược".
Không chỉ có hình dáng lạ lùng mà nhựa của cây máu rồng cũng khiến người ta phải tò mò, muốn khám phá. Theo người dân địa phương, nhựa của loài thực vật này có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Từ thời La Mã cổ đại, người ta đã thu hoạch nhựa cây máu rồng, ứng dụng nhiều trong đời sống. Theo Global Trees Campaign, người dân trên đảo Socotra ngày nay còn sử dụng một lượng nhỏ quả của cây máu rồng làm thức ăn cho bò và dê. 
Nhựa cây này cũng được cho là có công dụng chữa bệnh theo phương pháp dân gian như làm lành vết thương, bồi bổ sức khỏe hay tạo nên lớp sơn bóng bẩy cho những cây đàn violin Stradivarius nổi tiếng.
Tại hòn đảo Socotra, cây máu rồng được coi là biểu tượng của vùng đất này. Loài cây có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Lý do là bởi điều kiện thời tiết ở Socotra ngày càng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài còn mùa mưa xuất hiện ít và thất thường. Các nhà khoa học dự báo, khoảng 45% môi trường sống lý tưởng của cây máu rồng có thể mất đi vào năm 2080. 
Ở Socotra, ngoài cây máu rồng còn vô số các loài động thực vật kỳ lạ khác. Bởi vậy mà nơi đây cũng được mệnh danh là hòn đảo "ngoài hành tinh". Năm 2008, quần đảo Socotra được đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới.
Thảo Trinh (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)