Giáo dục trẻ bằng tình yêu thương chứ không nên dùng roi vọt |
Với quan niệm “thương thì cho roi, cho vọt”, nhiều ông bố bà mẹ và các thầy, cô giáo thường dùng những hình phạt nặng nề để giáo dục trẻ. Điều đó không những không có tác dụng mà trái lại còn gây tổn thương cho trẻ, đặc biệt là về tâm lý.
Trẻ nhập viện vì “thương thì cho roi, cho vọt”
Khoảng giữa tháng 10-2008 , một bé gái 7 tuổi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng I vì nôn ói, nói nhảm, hoảng loạn. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tâm thần. Qua lời kể của gia đình bé thì được biết: Do bé bị sốt nên gia đình cho nghỉ học 1 ngày. Ngày hôm sau, khi đi học trở lại bé vẫn còn mệt nên khóc. Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm cho rằng học sinh nhõng nhẽo nên giao cho thầy hiệu trưởng xử lý. Thầy hiệu trưởng không hỏi học sinh nguyên nhân vì sao khóc mà lại nhốt em vào phòng, tai hại hơn còn dùng thước đánh trẻ. Khi thấy học sinh phản kháng dữ dội, thầy thả ra và nhờ bảo vệ đưa về nhà. Từ đó em học sinh này khóc nhiều. Sau đó thì lên cơn sốt, nói nhảm, la hét, mất ý thức. Khoảng một tuần được điều trị tâm lý tại bệnh viện, bé hết nói nhảm, giao tiếp tốt, muốn trở về nhà nhưng rất sợ đi học.
Cũng trong tháng 10-2008, một học sinh lớp 7 phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bến Tre vì đau cơ đùi hai chân. Nguyên nhân là do em này quậy nên bị cô giáo dạy tiếng Anh phạt “thụt dầu” 250 lần.
Nhiều người nghĩ rằng “thương con là cho roi cho vọt” nên sẵn sàng đánh con, đánh học sinh như một cách giáo dục. Có thể ngay lúc bị đánh, trẻ không dám thực hiện hành vi không được cha mẹ hay thầy cô mong muốn. Tuy nhiên cách trừng phạt này có thể gây nhiều hậu quả tai hại. Vô tình người lớn dạy trẻ trở nên hung hăng và dễ nổi giận. Gây chấn thương trong cơ thể trẻ và gây sang chấn tâm lý cho trẻ.
Kỷ luật không phải là trừng phạt
Nhiều người cho rằng kỷ luật và trừng phạt là một. Tuy nhiên, kỷ luật là một hệ thống giáo huấn toàn diện dựa trên mối quan hệ tốt đẹp, khen ngợi và hướng dẫn trẻ về cách tự kiểm soát hành vi của mình. Còn trừng phạt có tính tiêu cực, là một hậu quả không thoải mái.
Vì vậy, nếu người lớn áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực đối với trẻ nhưng không thành công thì biện pháp cuối cùng là cô lập trẻ ở một nơi an toàn, không có đồ chơi hấp dẫn như ngồi yên trên một chiếc ghế. Thời gian ngồi yên tùy lứa tuổi của trẻ: một phút cho một tuổi. Có thể áp dụng biện pháp này cho các bé từ 1 tuổi. Nếu trẻ nhỏ không thể ngồi yên thì cha mẹ hoặc thầy cô có thể đứng sau lưng trẻ và giữ nhẹ nhưng chặt hai vai trẻ hoặc giữ trẻ ngồi trên đùi và nói: “Vì con bị phạt nên mẹ giữ con ở đây”…
Trong vòng 2 tuần, trẻ sẽ tự giác đến ngồi yên trên ghế ở nơi cô lập. Không nên nhốt trẻ vào nhà vệ sinh hoặc trong phòng tối. Sau thời gian cô lập, cha mẹ không bình luận gì cả. Nếu muốn bàn bạc về hành vi xấu của trẻ thì nên chờ một dịp khác.
Hãy khuyến khích trẻ có hành vi tốt ngay từ nhỏ
Khi trẻ 2 tháng tuổi, người mẹ tập cho bé sinh hoạt có giờ giấc như ăn, ngủ, chơi đúng giờ theo thời khóa biểu. Khi bé biết bò (giữa 6 và 9 tháng tuổi) và khi bé học đi (giữa 9 và 16 tháng tuổi), an toàn là điểm chính yếu. Bé cần được biết có thể tự do khám phá điều gì và không được làm điều gì. Không để đồ vật nguy hiểm trong tầm tay của bé. Đến 18 tháng tuổi, kỷ luật sẽ khó khăn hơn vì trẻ bắt đầu muốn có quyền hạn và thử xem cha mẹ nuông chiều trẻ đến mức nào. Lúc đó cha mẹ cần nhất quán thiết lập nội qui trong gia đình, cho trẻ biết giới hạn.
Nên cho trẻ tự chọn quần áo, thức ăn, môn học thay vì áp đặt con học quá sức.
Lưu ý đến những hành vi tốt và khen ngợi động viên trẻ thay vì chỉ thấy những hành vi xấu và mắng chửi, đánh đập trẻ.
BS. Phạm Ngọc Thanh
(BV Nhi đồng I)
Bình luận (0)