Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kỷ luật nhân văn nhưng không có nghĩa nuông chiều

Tạp Chí Giáo Dục

Đ xut b hình thc đình ch hc sinh ti d tho Thông tư v khen thưng, k lut hc sinh ca B GD-ĐT đang gây ra nhiu ý kiến trái chiu. Ni dung d tho đưa ra các bin pháp k lut đi vi hc sinh ngoài đi tưng hc sinh tiu hc, gm: nhc nh; phê bình; yêu cu viết bn t kim đim…

Theo tác giả, giáo dục cần kiên trì, nhất quán và thận trọng (ảnh minh họa). Ảnh: A.K

Người ủng hộ xem đây là bước đi nhân văn, hướng đến việc giáo dục thay vì trừng phạt. Tuy nhiên, điều này dấy lên những lo ngại nhà trường bị tước hết “công cụ” để xử lý các trường hợp vi phạm nhiều lần nhưng học sinh “nhờn” trước các biện pháp giáo dục.

Đề xuất nào cũng đều có lý; tuy nhiên, nếu đem lên bàn cân thì môi trường nào cũng cần có sự tôn trọng và chấp hành kỷ luật, kể cả môi trường sư phạm hay môi trường yêu thương nhất là gia đình!

Trước hết chúng ta cần biết giáo dục không phải là “khuôn đúc” mà là nơi để học sinh học tập để nhận thức cái đúng, là nơi cho phép học sinh trải nghiệm làm sai để sửa và đúc kết thành kinh nghiệm cho bản thân. Hiện nay, phương pháp giáo dục cá thể hóa được khuyến khích trong dạy học, giáo viên cùng học sinh nhìn nhận được ưu điểm, khuyết điểm, để lắng nghe và chia sẻ giải pháp, giúp khai phá những tiềm năng riêng của bản thân từng học sinh. Mỗi thầy cô giáo sẽ vận dụng trong từng đối tượng học sinh, từng hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng trong một môi trường tập thể, học sinh cần học sự tôn trọng và chấp hành kỷ luật, có trách nhiệm với bản thân và với mọi người xung quanh. Việc đưa ra các hình thức kỷ luật và các biện pháp nhắc nhở, răn đe không chỉ để thiết lập quyền hạn của nhà trường mà còn là ranh giới rõ ràng để đảm bảo sự công bằng, quy định nội quy của nhà trường, của lớp học và để bảo vệ người học cũng như chính các thầy cô giáo. Trong thực tế, số trường hợp học sinh bị xem xét kỷ luật là rất ít nhưng cần thiết, bởi lẽ chắc chắn trước đó thầy cô giáo đã có nhiều biện pháp giáo dục, nhắc nhở, thậm chí la rầy hoặc nhờ gia đình hỗ trợ. Xử lý kỷ luật chỉ là bước cuối cùng khi mà các biện pháp giáo dục không làm cho học sinh tự giác điều chỉnh hành vi và khắc phục khuyết điểm.

Tôi cho rằng việc tôn trọng pháp luật, kỷ cương, biết tuân thủ các quy tắc của cộng đồng, của tập thể là yếu tố quan trọng để tạo dựng năng lực giao tiếp và hợp tác, là ý thức trách nhiệm của cá nhân, rất cần thiết trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Đến trường là để học tập và rèn luyện bản thân. Quá trình học tập luôn có những khó khăn, áp lực, mệt mỏi thậm chí là sự thất bại, chán nản. Đặc biệt, tâm lý của học sinh cũng thay đổi theo từng độ tuổi, có những lúc nổi loạn hoặc nghĩ rằng “cả thế giới chống lại mình”. Thầy cô giáo cũng như cha mẹ luôn yêu thương và mong muốn con cái thành đạt. Không một cha mẹ nào muốn lấy đòn roi để khẳng định cha mẹ đúng, hay để đẩy con cái rời xa, nhưng là sự răn bảo, chỉ dạy từ kinh nghiệm của người đi trước vì không muốn con mình vấp ngã. Nhưng có thể thấy những biện pháp cứng rắn, thiếu sự thấu cảm có khi cũng phản tác dụng. Chúng ta phê bình, phản đối những hành vi xúc phạm nhân phẩm, gây tổn thương tâm lý cho học sinh nhưng chúng ta cũng không nên quá dễ dãi, dung dưỡng cho những hành vi sai trái của học sinh. Nếu nhà trường “tự trói tay” khi bỏ các quy định xử lý kỷ luật thì rất dễ dẫn tới học sinh “nắm thóp”, ỷ lại, chây lười, không phấn đấu. Có nhiều trường hợp học sinh vì biết học thế nào cũng được lên lớp, làm gì cũng được hạnh kiểm tốt miễn sao không nghỉ quá 45 buổi như quy định của Bộ GD-ĐT rồi tự buông thả việc học tập, coi thường nội quy của nhà trường.

Các nhà quản lý, lãnh đạo ngành giáo dục cần hết sức cân nhắc trước khi ban hành các quy định liên quan việc đánh giá học sinh. So với quy định cũ áp dụng từ năm 1988 với nhiều hình thức kỷ luật như phê bình trước lớp, trường, đình chỉ có thời hạn và đuổi học một năm, thì quy định hiện hành theo Thông tư 32 áp dụng từ năm 2020 chỉ giữ lại hình thức “tạm dừng học ở trường có thời hạn”. Tôi cho rằng các mức độ xử lý kỷ luật hiện nay đã giảm nhiều so với trước đây và như thế đã hợp lý. Không nên coi đình chỉ học là sự trừng phạt, không cho học sinh được đến trường mà nên coi hình thức này để học sinh nhìn nhận lại hành vi và gia đình có thời gian chia sẻ với nhà trường để cùng giáo dục con cái.

Tôi cho rằng đề xuất của dự thảo về các biện pháp kỷ luật với mức cao nhất là viết bản kiểm điểm thì chưa hợp lý. Điều này có thể dễ dàng với học sinh nhưng vô tình tạo áp lực với giáo viên và bất lực với những trường hợp học sinh thiếu ý thức. Tôi cho rằng cần có thêm những cam kết từ phía phụ huynh để phối hợp cùng nhà trường trong công tác giáo dục. Khi học sinh vi phạm thì giáo viên sẽ nói chuyện riêng với học sinh, sau đó trao đổi với phụ huynh để tìm hiểu lý do. Nếu sau khi học sinh nhận mức kỷ luật viết bản kiểm điểm nhưng vẫn chưa tiến bộ thì phụ huynh cần cam kết với nhà trường. Khi các biện pháp trên không có tác dụng, học sinh sẽ được gửi lên ban giám hiệu và cơ quan kiểm soát giáo dục địa phương để có hình thức răn đe, đình chỉ học hoặc chuyển trường, chuyển lớp…

“Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” là một tựa sách nổi tiếng, nói về phương pháp dạy con của người Do Thái và bài học về tình yêu thương cần được đặt đúng chỗ. Những bài học bổ ích và phù hợp sẽ cần thiết cho quá trình nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách của con trẻ. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng, đều thể hiện những nỗ lực tuyệt vời của gia đình, nhà trường và các nhà giáo dục trong công việc đầy thử thách này. Sự thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi cá nhân có tác động rất lớn từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trong cuộc sống có biết bao sự tổn thương được xuất phát từ danh nghĩa “yêu thương”, đặc biệt là yêu chiều con cái. Tục ngữ có câu “sai một ly, đi một dặm”. Một chút bất cẩn cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường. Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: “Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc mà bạn gọi là hạnh phúc”. Tuy nhiên, nếu sự nghiêm khắc bị lạm dụng, trẻ có thể cảm thấy áp lực, sợ hãi, mất đi khả năng sáng tạo, thậm chí là tổn thương tâm lý. Nghiên cứu của Skinner (1953) về hành vi con người đã chỉ ra rằng, việc kết hợp giữa khen thưởng và hình phạt mang tính xây dựng có thể giúp trẻ hình thành các thói quen tốt, đồng thời giảm thiểu các hành vi tiêu cực. Sự kết hợp giữa yêu thương và nghiêm khắc là chìa khóa để xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng. Cần khuyến khích hành vi tích cực ở học sinh bằng cách khen thưởng và sử dụng hình thức kỷ luật tích cực, mang tính giáo dục để học sinh nhận thức những hành vi sai trái. Giáo dục cần kiên trì, nhất quán và thận trọng.

Lâm Vũ Công Chính

Bình luận (0)