Để GV phát huy hết năng lực giảng dạy, người HT cần có phương pháp quản lý khoa học. Ảnh: D.B |
Ở trường THCS X., hiệu trưởng (HT) A. nổi tiếng là người có “kỷ luật sắt”. Một hôm giáo viên (GV) B. đến lớp muộn, lý do là trên đường đến trường cô gặp một cụ già bị tai nạn nên đưa cụ vào bệnh viện, chính vì vậy đã trễ giờ lên lớp. HT A. dứt khoát không cho GV B. dạy tiết học đó và tuyên bố sẽ kỷ luật cô vì đã vi phạm quy chế chuyên môn mà không cần nghe giải thích.
Sau sự kiện đó không ai dám đi làm muộn, nhưng cũng từ đó bầu không khí trong nhà trường trở nên nặng nề, căng thẳng.
Phân tích
Từ cách xử lý trên của HT A., chúng ta có thể thấy rằng về mặt nguyên tắc quản lý thì HT đã thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý, điều lệ trường học, quy chế, quy định và nội quy nhà trường để xử lý vi phạm kỷ luật GV B. trong việc đến lớp muộn. Tuy nhiên từ cách xử lý trên cũng cho thấy HT chưa thực hiện và chưa đảm bảo được các nguyên tắc trong quản lý như: Nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc đảm bảo tính khoa học; nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người.
Theo tôi, trước hết HT chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý. Khi GV B. bị đến trễ trong giờ dạy của mình thì HT không mời lên hỏi lý do đi trễ và không cho GV này cơ hội giải thích về sai phạm của mình, mà đã vội quyết định “không cho GV này dạy tiết học đó và tuyên bố sẽ kỷ luật…”. Lẽ ra trước vi phạm của GV, HT nên ân cần hỏi lý do vi phạm và cho họ một cơ hội giải thích về vi phạm của mình; đồng thời khi họ giải thích thì HT phải biết lắng nghe để cảm thông và chia sẻ, từ đó có cách giải quyết đúng đắn hợp tình hợp lý. Nhưng vị HT này đã không giải quyết sự việc như vậy, mà ngược lại không cho GV B. có cơ hội giải thích về lý do mình đi trễ. Điều này cho thấy vị HT chưa thực hiện nguyên tắc dân chủ trong việc giải quyết vấn đề. Lẽ ra trước việc GV B. đi trễ (vi phạm quy chế chuyên môn) thì HT nên cho cô được lên lớp dạy cho đến hết tiết rồi sau đó thông qua tổ chuyên môn và hội đồng kỷ luật nhà trường để họp bàn bạc xử lý vi phạm này một cách tập trung dân chủ và công khai; và cũng để từ đó cho cô B. cũng như GV khác rút kinh nghiệm.
Cách giải quyết đó cũng cho thấy rằng HT chưa chú trọng đến yếu tố con người. Cụ thể, khi GV B. vi phạm kỷ luật do đến trễ thì HT không hỏi lý do và không cho cô này giải thích lý do mình đi trễ (dù lý do mà cô đến trễ là rất chính đáng và cần được khen ngợi) mà đã vội vã ra quyết định xử lý vi phạm. Điều đó cho thấy vị HT này chưa tôn trọng và chưa hiểu được tâm lý của GV mình.
Không chỉ vậy, HT này cũng chưa vận dụng tốt các phương pháp trong quản lý: Phương pháp kinh tế, phương pháp hành chính – tổ chức, phương pháp giáo dục. Đồng thời, cách giải quyết như vậy chưa thể hiện quan điểm nhân văn, quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm hệ thống… Thực tế cho thấy sau cách giải quyết như vậy của HT thì “không ai dám đi làm muộn nhưng cũng từ đó bầu không khí nhà trường trở nên nặng nề, căng thẳng”.
Quan điểm cá nhân
Theo tôi, nếu GV B. đến trường muộn mà không đảm bảo thời gian lên lớp thì HT nên yêu cầu cô này lên quản lý và ôn tập cho học sinh lớp đó để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động học tập của lớp khác và tổ chức dạy bù sau. Sau đó HT mời GV B. lên phòng để tìm hiểu sự việc với thái độ bình tĩnh, từ tốn thân mật, gần gũi và cho cô trình bày sự việc một cách đầy đủ, rõ ràng. Khi biết GV B. đến muộn vì một việc cao đẹp thì HT cần có thái độ thông cảm và hoan nghênh vì đã nhanh nhạy linh hoạt giải quyết tình huống đó (sau đó đích thân HT phải kiểm tra lại sự việc xem có đúng như vậy không). Tiếp đó vào cuộc họp gần nhất HT cần đưa vấn đề này ra trước hội đồng sư phạm trao đổi về việc đi muộn của GV B. cho mọi người cùng biết. Và nhân cuộc họp này, HT một mặt tuyên dương GV B. có hành vi tốt đẹp thể hiện tình yêu thương con người. Đồng thời qua đó cũng nhắc nhở mọi người phải thực hiện tốt nề nếp kỷ cương dạy học. Mọi người vi phạm phải có lý do thật chính đáng, đắn đo suy nghĩ giữa cái lý và cái tình, cái chung và cái riêng, có trước, có sau không thể tùy tiện nông nổi, tự do vô tổ chức trong cách ứng xử. Đặc biệt trong thời buổi CNTT hiện nay thì khi xảy ra những sự việc đột xuất phải kịp thời gọi báo cáo cho ban giám hiệu để xem xét, sắp xếp công việc một cách hợp lý, hợp tình nhất.
Khi giải quyết các tình huống khó trong quản lý, người hiệu trưởng cần biết cách kết hợp hài hòa, mềm dẻo, linh hoạt giữa các nguyên tắc, phương pháp và nắm vững các quan điểm quản lý.
Nguyễn Văn Lương
Bình luận (0)