Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ lục của đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà báo Trần Thanh Phương bên tác phẩm của mình

Cả cuộc đời vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương và cô giáo Phan Thu Hương dành hết cho công việc tìm kiếm và góp nhặt tri thức thông qua sưu tầm tư liệu từ sách, báo. Sức mạnh nào khiến vợ chồng ông có thể bền bỉ, cần mẫn và kiên trì như những chú kiến chịu khó tha lâu đầy tổ?
Từ bài báo đầu tiên…
Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà những ai khi đặt chân đến thăm căn nhà nhỏ của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương đều có chung cảm giác yên bình, tĩnh lặng trước một không gian đầy sách. Sự tĩnh lặng ấy xảy đến ngay cả khi bên ngoài – cuộc sống với những ồn ào, náo nhiệt vẫn đang diễn ra như nó vốn có. Và những ai lần đầu gặp vị chủ nhân của căn nhà ấy đều bắt gặp ở đó là sự niềm nở, hồn hậu hiếu khách như đã thân quen từ trước.
Ở cái tuổi 70, vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương vẫn dành thời gian 7-8 giờ đồng hồ mỗi ngày cho công việc. Khi tôi đến, ông vẫn không ngừng tay với việc hoàn thành tập 2 cuốn Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam. Trước đó, tập 1 của bộ sách này đã được Nhà xuất bản Giáo dục in vào năm 2008 với hơn 250 chân dung và bút tích của những nhà văn qua các thời kỳ, được thực hiện kiên trì trong suốt 30 năm. Một quyển sách được biên soạn kỳ công bởi những thông tin khác có thể tìm được dễ dàng ở các sách hay internet, nhưng bút tích và chân dung thì “phải tìm gặp tác giả mới có được”.
Trần Thanh Phương vốn là người con của vùng đất mũi Cà Mau, 15 tuổi tập kết ra Bắc mang theo hình ảnh một vùng quê với đất phèn ngập mặn. Trở thành chàng sinh viên lớp chuyên văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường ông không nghĩ mình sẽ theo nghiệp làm báo nhưng rồi cái nợ duyên đã đưa ông đến với nghề này. Để rồi sau đó ông dành cả cuộc đời để gắn bó với cái nghề mà theo ông – đòi hỏi cái tâm phải trung thực, tinh thần không biết mệt mỏi; và sự chu đáo, cẩn thận phải mãi mãi trường tồn. Ngoài là một nhà báo với hơn 40 năm làm nghề, người ta còn biết đến Trần Thanh Phương là một tư liệu gia – cần mẫn với việc sưu tầm tư liệu.
Những ngày xa quê hương, đau đáu với hình bóng một vùng quê có nhiều tràm, đước, ông bắt đầu tìm kiếm các tư liệu về Cà Mau. Thế nhưng “cái duyên” đưa Thanh Phương đến với công việc sưu tầm tư liệu phải kể đến bài báo mà ông còn ghi nhớ mãi. Ông kể: “Cuối năm 1968, tôi có bài báo đầu tiên viết về thiếu niên Nguyễn Văn Hòa, quê Thừa Thiên – Huế mới 15 tuổi đã “hai lần dũng sĩ” đăng trên Báo Nhân Dân. Sau đó thủ trưởng hỏi tôi lấy tài liệu ở đâu để viết. Thủ trưởng muốn tôi báo cáo kỹ lưỡng về bài viết với Tổng biên tập Hoàng Tùng – vì nhà thơ Tố Hữu, lúc này là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, điện thoại cho Tổng biên tập, muốn gặp tôi để tìm hiểu. Nhân vật tôi viết rất thú vị và là đồng hương với nhà thơ. Từ chuyện này mà tôi có thêm ý thức trong việc sưu tầm tài liệu, lâu dần trở thành một niềm đam mê không thể dứt”.
Và đam mê ấy cho đến giờ đây vẫn còn nguyên vẹn, khi mỗi ngày vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương đều dành thời gian cho công việc miệt mài đọc, cắt, phân loại theo đề mục, sự kiện rõ ràng, chuyên sâu rồi dán, đóng thành những cuốn sách thủ công trang trọng. Với vợ chồng ông, một tờ báo dù cũ kỹ đến đâu cũng mang một sức hấp dẫn và là nguồn tư liệu quý báu. Trong thời buổi mà xã hội chạy theo những giá trị tức thời, thì việc làm của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương được đánh giá là một công việc âm thầm nhưng lợi ích của nó lại thuộc về hậu thế mà không phải ai cũng kỳ công làm được. Trong tủ sách của gia đình với hơn 3.000 cuốn, thì đã có một phần lớn là sách do vợ chồng nhà báo tự tay làm. Vì vậy, vợ chồng ông nói vui: “Sách này phải để trong dấu ngoặc kép”. Và tủ sách ấy – được xem là khối tài sản lớn nhất của gia đình ông, bất li thân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh dù chủ nhân của nó thay đổi chỗ ở, nơi công tác nhiều lần.
…đến những kỷ lục
Có một kỷ niệm cảm động đến từ công việc gìn giữ tỉ mẩn những trang tư liệu của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương. Đó là lần nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang cuốn sách của vợ chồng ông sưu tầm hơn 100 bài báo viết về nhà văn Nguyễn Tuân đưa cho Xuân Đào – là con của Nguyễn Tuân. Gia đình đã rất xúc động với điều này, sau đó đặt quyển sách ấy lên bàn thờ nhà văn và nói rằng: “Chúng con rất biết ơn anh Trần Thanh Phương. Nhờ vậy mà chúng con mới biết thêm những điều về bố mà chúng con chưa biết được”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận định: “Một nhà văn tự làm tư liệu về mình cũng không thể nào bằng anh Phương làm cho nhà văn đó”. Ngoài những cuốn sách thủ công về các thế hệ văn sĩ, trong tủ sách của gia đình nhà báo Trần Thanh Phương còn có những cuốn về các nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Đặng Thái Sơn… Ông đã tập hợp hầu như đầy đủ các bài báo về những nghệ sĩ này cho đến những cuốn có đề tài sự kiện như xây dựng cầu Cần Thơ, dịch cúm, bão lũ…
Trong gia tài của nhà báo, không thể không nhắc đến cuốn sách kỷ lục Đất nước tôi được đặt trang trọng giữa nhà. Sách có kích thước 1,2m x 0,8m với trọng lượng 87kg, trọng lượng giá đỡ 125kg, bao gồm 970 trang là tập hợp của hơn 10.000 bài báo ố màu, cũ kỹ đến trắng tinh được cắt dán cẩn thận từ nguồn báo xuất bản ở Việt Nam giai đoạn năm 1975 đến 2007. Sách được chia làm 4 chủ đề thuần Việt: Danh lam thắng cảnh – Di tích lịch sử văn hóa, Phong tục – Lễ hội, Ẩm thực và Trang phục. Tất cả được làm theo dạng thủ công, từ trình bày nội dung đến đóng bìa, giá đỡ…
Đều là những người yêu sách và hiểu được giá trị thật sự của nguồn tư liệu, thông tin nên vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương luôn thấy khó chịu nếu bỏ sót một thông tin sự kiện nào. Ông kể, ngày xưa có nhiều cuốn sách hay không mua được, cứ day dứt và tiếc nuối ngẩn ngơ. Với vợ chồng ông, ngòi bút và cây kéo là hai người bạn song hành, cùng làm việc như không ngừng nghỉ. Có lẽ vì vậy, những ai đặt chân đến căn nhà nhỏ ấy đều không khỏi thấy choáng ngợp trước một không gian đầy sách báo, những khoảng trống sinh hoạt cũng đã được tiết kiệm tối đa cho sách báo. Cô Phan Thu Hương chia sẻ: “Nhiều sách quá mà nhà thì hẹp nên không biết để đâu. Cũng tính làm thêm vài giá đỡ để chứa sách nhưng sợ trần nhà không chịu lực nổi, mà bỏ bớt đi thì tiếc, quyển nào cũng hay, cũng quý!” – vừa nói cô vừa cho tôi xem những cuốn sách từ… thuở xa xưa đã hoen màu, bạc cũ sắc thời gian.
“Tham quan” tài sản “sách” của vợ chồng nhà báo, tôi không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng, khâm phục trước một công trình lớn đầy tâm huyết của vợ chồng ông. Thử cầm một cuốn sách thủ công trong số kho tàng sách của hai con người đi góp nhặt tri thức, lật vài trang, sẽ thấy lắng lòng theo dòng chảy ngược của thời gian. Càng cảm thấy bùi ngùi, xúc động hơn với những bài báo được viết từ rất xưa về con người, văn hóa, đất nước Việt Nam thuở trước. Tôi biết, chỉ có lòng yêu thích, sự đam mê cùng tận mới khiến họ dày công khó nhọc và tận tâm với công việc như thế.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Nhà báo Trần Thanh Phương sinh năm 1940, từng công tác ở Báo Nhân Dân, Phó tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết khu vực phía Nam. Ông viết hơn 1.000 bài báo và cho xuất bản 25 cuốn sách về văn học nghệ thuật, khảo cứu và hồi ký… Được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, Huân chương Lao động hạng ba… Và với công việc sưu tầm sách của mình, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục: Người có bộ sưu tầm bài báo nhiều nhất Việt Nam, Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)