Đó chính là kỷ lục gia – nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng, người đã hơn 20 năm miệt mài giữ gìn và phát triển nghề tò he truyền thống. Với bàn tay khéo léo và tâm huyết, nam nghệ nhân thổi hồn vào từng chiếc tò he đầy màu sắc và đưa nghệ thuật tò he đến với bạn bè quốc tế…
Nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng đang biểu diễn nặn tò he tại Anh
Không chỉ đơn thuần nặn tò he với những mẫu truyền thống, nghệ nhân Lê Xuân Tùng còn sáng tạo nhiều hình ảnh đa dạng, phong phú theo xu hướng ngày nay. Đặc biệt, nam nghệ nhân còn dùng bột tò he để vẽ tranh chân dung, phong cảnh, thư pháp…
Hơn 20 năm giữ gìn và phát triển nghề tò he truyền thống
Sinh ra và lớn lên tại làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội – cái nôi của nghề làm tò he. Cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, Lê Xuân Tùng ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với bột gạo đủ màu sắc, nguyên liệu chính để làm tò he. Và nghề này đã ngấm vào anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 12 tuổi, Xuân Tùng đã nặn ra được tò he với đủ thứ hình thù ngộ nghĩnh và chính thức trở thành nghệ nhân tò he, có thể kiếm thu nhập cho gia đình.
Năm 17 tuổi, Xuân Tùng cùng anh trai Xuân Tung vào TP.HCM lập nghiệp, tại nơi đất khách quê người, hai anh em phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Trải qua nhiều gian nan, Xuân Tùng cảm thấy tò he mới là con đường khởi nghiệp, anh bắt đầu trở lại với nghề.
Với mong muốn đưa món trò chơi dân gian tò he đến với đông đảo mọi người, đặc biệt là trẻ em thành phố, vốn dĩ chỉ biết đến những món đồ chơi hiện đại, năm 2014, Xuân Tùng tham gia chương trình “Vietnam’s Got Talent” với những màn trình diễn nặn tò he hết sức điêu luyện và anh đã được lọt vào top 49 thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi.
Kỷ lục gia – nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng
Không dừng lại ở đó, anh còn khiến ban giám khảo cũng như khán giả bất ngờ khi vẽ tranh bằng chính bột tò he trong đêm bán kết chương trình. Tiết mục đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả và ban giám khảo. Đây chính là sự đổi mới vượt bậc mà Xuân Tùng đã làm được – đưa nghề nặn tò he trở thành nghệ thuật biểu diễn. Tò he không chỉ đơn thuần là những hình mẫu trên thanh tre nhỏ nữa, mà trở thành những bức tranh mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của Việt Nam.
Đầu năm 2020, hai anh em Xuân Tung – Xuân Tùng đã mang đến bất ngờ cho khán giả khi dùng bột tò he kết hợp với xích và ốc vít vẽ nên bức tranh biểu tượng ba miền Bắc – Trung – Nam. Sau màn trình diễn độc đáo này, hai nghệ nhân vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Nghệ nhân đầu tiên dùng bột tò he kết hợp với xích và ốc vít để biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu”.
Theo Lê Xuân Tùng, tò he đã xuất hiện và tồn tại cách đây khoảng 300-400 năm. Tò he ngày trước được gắn kèm một chiếc kèn. Đầu kèn được quét một chút kẹo mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te”. Theo thời gian, tên gọi “tò te” trở thành những món đồ chơi truyền thống bằng bột với nhiều hình dáng phong phú, đa dạng và đầy bắt mắt như ngày nay.
Đưa nghệ thuật tò he ra thế giới
Không chỉ biểu diễn trong nước, nghệ nhân Lê Xuân Tùng còn mang tò he truyền thống của Việt Nam quảng bá đến với bạn bè quốc tế. Những năm gần đây, anh trở thành người đại diện đưa văn hóa tò he Việt đến với 11 nước trên thế giới như Đức, Pháp, Anh, Úc, New Zealand, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ… Nghệ nhân Lê Xuân Tùng thường biểu diễn nặn tò he tại các sự kiện giao lưu văn hóa, giới thiệu văn hóa các nước. Tại đây, anh không chỉ nặn tò he mà còn vẽ tranh bằng bột tò he với các thể loại như thư pháp, phong cảnh, chân dung… Trước sự đa tài của nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng, nhiều người ngoại quốc không khỏi hiếu kỳ và thích thú với món đồ chơi truyền thống của Việt Nam. Anh kể: “Mỗi khi tôi hoàn thành một chiếc tò he, bạn bè quốc tế đều dành cho tôi một tràng pháo tay khen ngợi. Chính sự khích lệ này khiến tôi ngày càng yêu nghề và tiếp thêm động lực để giới thiệu nghệ thuật tò he của Việt Nam đến với nhiều nước hơn nữa…”.
Ngày nay, khi công nghệ đang phát triển mạnh, phần lớn các em thiếu nhi và cả không ít người lớn đều thích công nghệ hơn mà ít quan tâm đến những giá trị văn hóa, nghề truyền thống. Mong muốn của nghệ nhân Lê Xuân Tùng là được mang những giá trị truyền thống của nghề nặn tò he đến các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước. Hiện anh có một địa điểm mở workshop nặn tò he ở Khu du lịch Suối Tiên, TP.HCM. Anh cũng từng biểu diễn nặn hò te và hướng dẫn các em học sinh tạo nên sản phẩm tò he của mình. |
Biểu diễn tò he ở nhiều đất nước khác nhau nhưng nghệ nhân Lê Xuân Tùng chưa gặp quốc gia nào có văn hóa tò he tương tự Việt Nam. Nam nghệ nhân từng xem loại hình nghệ thuật tương tự tò he ở nước ngoài thông qua ti vi nhưng mỗi nơi lại thực hiện khác nhau. Nếu như Việt Nam sử dụng nguyên liệu bột gạo và dùng tay nặn thủ công hoặc tạo hình chi tiết bằng chiếc lược thì các nước khác sử dụng kẹo đường và cắt bằng kéo để tạo nên thành phẩm.
Bột để nặn tò he là bột gạo pha cùng bột nếp, được mang đi nấu chín rồi hòa cùng màu sắc. Anh bật mí: “Ngày xưa màu sắc thường được lấy từ lá cây. Ví dụ màu vàng lấy từ củ nghệ, màu đỏ lấy từ quả gấc, màu đen thường lấy từ nhọ nồi, còn các màu trung gian khác thì lấy từ màu chính để pha ra vì ngày xưa chưa có nhiều màu tiện dụng như bây giờ”.
Theo Lê Xuân Tùng, tò he được làm từ nguyên liệu an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và chứa đựng cả giá trị văn hóa truyền thống của nước ta. Vì làm bằng bột gạo nên tò he thường giữ được khoảng 2-3 tuần và có thể bảo quản lâu hơn nếu thời tiết khô đều. Ngược lại nếu thời tiết mưa nắng thất thường thì tò he sẽ nhanh bị mốc hơn.
Tiến sĩ – Đạo diễn Hoàng Duẩn
Bình luận (0)