Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Kỷ lục thế giới trên đỉnh Bà Nà

Tạp Chí Giáo Dục

Cáp treo Bà Nà sẽ xác lập kỷ lục thế giới về chiều dài và độ cao.Ảnh: Hoàng Táo

Tuyến cáp treo trên đỉnh Bà Nà, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng sẽ được ghi nhận là tuyến cáp treo dài nhất thế giới (5.042m) và tuyến cáp có độ cao chênh lệch lớn nhất thế giới (1.291 m). 
Trước đây, muốn lên đỉnh Bà Bà, du khách phải đi 16 km đường đèo, với những góc cua khúc khuỷu đầy nguy hiểm, nay chỉ mất 15 phút đi cáp treo đầy an toàn. 
Không chỉ thế, du khách còn được ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, thác nước ầm ào, tượng Phật cao 27m trên đỉnh Bà Nà… “Bay” trên cáp treo này này bạn như lọt vào chốn “bồng lai tiên cảnh” với bốn bề mây bay điệp trùng. 
Ngày 24/12/2007, lễ động thổ xây dựng cáp treo diễn ra đầy quyết tâm. Với 9.000 tấn vật tư, theo tính toán của các đơn vị thi công, nếu vận chuyển bằng cách băng rừng, trèo núi thì 200 công nhân phải mất đến… hai năm để đưa toàn bộ khối vật tư trên lên đến điểm thi công. 
"Riêng việc công nhân di chuyển lên điểm thi công, mũi của người sau “hôn” gót chân người đi trước là chuyện thường. Trong khi đó, vận chuyển vật tư bằng trực thăng như một số nước thì quả là xa xỉ", anh Nguyễn Xuân Vinh, một trong 11 người đầu tiên đi khảo sát xây dựng tuyến cáp treo, cho biết. 
Vắt óc suy nghĩ cả tháng trời, cuối cùng vấn đề nan giải được khắc phục bằng cách xây dựng một tuyến cáp công vụ có quy mô nhỏ hơn, chuyển được tối đa 1 tấn vật tư, thiết bị mỗi lần, còn công nhân thì vẫn phải cuốc bộ. 
Toàn tuyến cáp treo Bà Nà có 22 trụ, riêng phần trụ phía trên để treo cáp đã dài 7 – 9 m, nặng trên 2,6 tấn. Mỗi trụ cao hàng chục mét, nặng từ chục tấn trở lên với hai loại là trụ mắt cáo và trụ tròn. Trụ cáp được gia công tại Việt Nam theo thiết kế của Áo, còn lại tất cả vật tư đều được nhập từ Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển… 
Trước khi dựng trụ, các chân trụ đều phải khoan khảo sát hai mũi. Nhiều khi gặp đá mồ côi, phải khoan lại là chuyện không tránh khỏi. Dựng được một trụ, nhanh thì phải 7 ngày, có khi lên đến cả tuần. 
“Khâu khó nhất là định vị chính xác cột cáp treo, lệch sang trái phải, cao thấp, chính xác đòi hỏi đến từng mm. Khi trời có sương mù hay mưa bão hoàn toàn không thể thi công được”, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng phòng kỹ thuật cáp treo cho biết. 
Giai đoạn kéo cáp còn vất vả hơn, hai sợi cáp với tổng chiều dài trên 10.000 m, nặng đến 120 tấn được kéo bằng máy thuỷ lực đặt ở ga đến. Cáp được treo lên trụ, công đoạn cân chỉnh, lắp cabin và chạy thử mất mấy tháng trời. 
Sau một năm từ những ngày đầu tiên phát rừng, mở đường mòn đến khoan khảo sát, trắc địa, xây dựng trụ cáp, kéo cáp… đến nay, công trình hoàn thành và chuẩn bị đưa vào phục vụ khách du lịch. 
Niềm tự hào của Việt Nam 
Tuyến cáp treo được công ty Doppelmayr thiết kế theo công nghệ của Áo, có công suất chở 1.500 du khách một giờ, thời gian từ ga đi đến ga đến là 15,05 phút với vận tốc 6m mỗi giây. 
Tổng kinh phí đầu tư cho công trình gần 300 tỷ đồng, kinh phí xây dựng cáp treo lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hiệp hội cáp treo thế giới đã xác nhận cáp treo Bà Nà xác lập hai kỷ lục thế giới. 
Ngoài kỷ lục về chiều cao và cao độ, cáp treo Bà Nà còn nắm giữ một loạt kỷ lục trong khu vực như nhà ga có diện tích sàn lớn nhất khu vực Đông Nam Á với khu trưng bày tư liệu, hình ảnh về Bà Nà xưa và nay, khu vui chơi giải trí. 
Phong cảnh mà tuyến cáp đi qua cũng rất hữu tình, hùng vĩ không kém so với cáp treo Genting (Malaysia), cáp treo Lantau (Hong Kong), cáp đi từ đồi Faber sang đảo Sentosa (Singapore)… Một điểm đặc biệt nữa là tuyến cáp hoàn toàn do công nhân Việt Nam thi công với sự trợ giúp về kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài. 
Mặc dù gặp không ít khó khăn về địa hình, thời tiết, nhưng với sự sáng tạo không ngừng và quyết tâm cao, tuyến cáp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng TP Đà Nẵng. 
Cùng với cáp treo trên biển ở Vinpearl Land, Nha Trang dài 3.320 m được đưa vào sử dụng ngày 10/3/2007, cáp treo Bà Nà trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam. 
Hoàng Táo (DatViet)
 

Bình luận (0)