Trong vài năm trở lại đây, gen Z nổi lên như một thế hệ mới với những đặc điểm, nét cá tính riêng biệt. Các bạn không ngừng khẳng định bản thân, xây dựng giá trị và đi tìm tiếng nói của chính mình. Vậy gen Z có những tiềm năng gì? Trong thị trường lao động, gen Z có những ưu thế ra sao? Họ là người “xin việc” hay “chọn việc”?…
Các bạn trẻ thế hệ gen Z tìm hiểu thông tin về “du lịch không chạm” (ảnh minh họa)
Đó là những vấn đề được bàn luận tại chương trình “Tự tin gõ cửa tương lai bằng những kỹ năng không thể thiếu” do Tổ chức Thanh niên, sinh viên tại Mỹ phối hợp với Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (TP.HCM) tổ chức mới đây.
Gen Z có nhiều lợi thế
Thế hệ người lao động hiện nay phải kể đến gen X (1965-1980), gen Y (1981-1996) và gen Z (1997-2001). Mỗi thế hệ có những đặc điểm khác nhau. Theo góc nhìn của các nhà quản lý lâu năm, gen X được đánh giá là những người có sự kiên trì, chịu khó và gắn bó lâu dài với công việc. Còn gen Y có sự cởi mở hơn, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và dành sự quan tâm nhiều về ý nghĩa công việc. Trong khi đó, gen Z – thế hệ trẻ tiếp nối trong lực lượng lao động đã để lại nhiều ấn tượng vì những sự khác biệt lớn. Những người trẻ gen Z có khả năng tìm kiếm, nghiên cứu các thông tin một cách nhanh chóng, nhạy bén về công nghệ. Một đặc điểm nổi bật của thế hệ này là khả năng kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc và có những suy nghĩ táo bạo hơn. Cũng chính vì những đặc điểm vượt trội này mà gen Z ngày nay có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn ngành nghề. Nhận thức được tương lai của mình từ sớm, gen Z cũng thể hiện vai trò thế hệ rõ ràng hơn với cuộc sống hiện tại: luôn đi tìm cơ hội và nắm bắt cơ hội về học tập hay nghề nghiệp.
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên (thành viên HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận) khẳng định, gen Z là một thế hệ quan trọng trong giai đoạn này vì sở hữu góc nhìn đa chiều, linh động hơn những thế hệ trước. Dù có những lợi thế nhất định, nhưng gen Z vẫn đối mặt với nỗi lo thất nghiệp, ra trường tìm việc làm luôn là một nỗi trăn trở lớn nhất. Bởi lẽ, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường rất đông, tỷ lệ cạnh tranh nghề nghiệp cao, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng lại thấp. Hầu hết sinh viên ra trường đều được hướng dẫn làm thế nào để có một bản CV hoàn hảo, tìm được một công việc tốt nhưng hầu hết những danh mục ghi trong CV đều ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại phát huy được bản thân và săn đón nhiều cơ hội nghề nghiệp “đỉnh của chóp” ngay từ khi còn là sinh viên. Nhờ những lợi thế về mặt ngoại ngữ, kỹ năng thiết kế với lối tư duy sáng tạo, khả năng logic vấn đề tốt, khả năng trình bày, thuyết phục hiệu quả…, gen Z ngày nay trở thành người “chọn việc” thay vì đi “xin việc” như trước kia.
Theo bà Liên, biến mình thành người “chọn việc” có nghĩa là các bạn có quyền lựa chọn nơi làm việc theo sở thích của bản thân với mức lương phù hợp nguyện vọng. Đối với một vài bạn trẻ, có ưu thế được chọn việc ở nhiều công ty khác nhau giúp các bạn so sánh được những mặt ưu và khuyết để tìm ra sự lựa chọn tốt nhất cho mình, qua đó tìm thấy cơ hội thăng tiến. Không những thế, công ty hay nhà tuyển dụng cũng sẽ ưu ái cho những bạn “chọn việc” các mức ưu đãi hậu hĩnh hơn. Khi được là người “chọn việc” cũng đồng nghĩa với việc trình độ và chuyên môn của các bạn ở mức tương thích với giá trị công việc. Khi đó mức độ thăng tiến hay đề bạt trong công ty cũng nhanh hơn.
Phải nỗ lực nhiều hơn nữa
Nhận xét về thị trường lao động Việt Nam, bà Tiêu Yến Trinh (Tổng Giám đốc Công ty Talentnet) cho rằng, tuy hiện nay một số ngành nghề còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng trong thời gian tới, đây vẫn là môi trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Người lao động Việt Nam có thể chọn các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể linh hoạt với 3 nguồn lao động gồm: Fixed workforce (nhân sự cố định), flexi workforce (nhân sự linh hoạt, làm việc part time, làm online) và flow workforce (thực tập sinh, thuê ngoài…). “Chúng tôi là người quyết định có tuyển dụng hay không nhưng người tìm việc cũng là người quyết định có chọn công ty chúng tôi hay không”, bà Trinh chia sẻ.
Thế hệ gen Z có lợi thế năng động, thích trải nghiệm để thỏa đam mê (ảnh minh họa)
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức khi thị trường lao động có sự cạnh tranh khốc liệt. Để tạo được ấn tượng trong mắt các nhà tuyển dụng, bà Trinh đã đưa ra mô hình “A-B-C-D-E-F” gồm những yếu tố mà các bạn trẻ cần trau dồi: Agility (nhanh nhạy), business mindset (hiểu kỹ càng ngành, lĩnh vực), connection (kết nối), digital (kỹ năng về kỹ thuật số), empathy (thấu cảm) và focus (tập trung cao độ). “Khi kỹ năng của bạn càng nhiều thì giá trị bản thân của bạn càng tăng và thu nhập sẽ cao hơn”, bà Trinh nhận định.
Một lời khuyên từ các nhà tuyển dụng dành cho sinh viên là nên tìm kiếm cơ hội việc làm sớm để có thêm trải nghiệm về lĩnh vực mình đang theo đuổi, từ đó có thể vạch ra lộ trình sự nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đây cũng là một điểm cộng lớn giúp ứng viên nổi bật. Bên cạnh đó, việc nỗ lực, đặt tâm huyết vào công việc mình đang gắn bó cũng là điều quan trọng để tạo nên thành công trong hành trình của mỗi cá nhân. Đặc biệt, tư duy phản biện cũng là một kỹ năng quan trọng để thúc đẩy bản thân tìm ra những ý tưởng sáng tạo hơn, phù hợp hơn.
Môi trường giáo dục theo từng thế hệ cũng có sự khác biệt. Nếu những thế hệ trước được đào tạo theo mô hình “Chấp nhận và ghi nhớ” thì thế hệ hiện nay được hướng dẫn cách tư duy sâu để giải quyết vấn đề. Ông Nguyễn Minh Tâm (Giám đốc Phát triển nhân lực và quản trị Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận) cho biết, với việc xã hội thay đổi nhanh như hiện nay, những lý thuyết cũ có thể đã không còn phù hợp, vì vậy cần có sự tiến hóa và lý thuyết mới. Chúng ta phải tư duy để tạo ra những cái mới.
Bài, ảnh: Hồ Kiều Khánh
Bình luận (0)