Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Kỹ năng, hành vi chiếm 80% thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều hình thức tuyển sinh, nhiều ngành nghề mới, những cơ hội nghề nghiệp và học bổng là các điểm mới được đại diện nhiều trường ĐH đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP, ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (Q.9) vừa qua.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng đặt câu hỏi với Ban tư vấn

Cụ thể, đối với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, bên cạnh phương thức tuyển sinh truyền thống là kết quả thi THPT quốc gia 2018, trường còn áp dụng thêm phương thức xét học bạ, xếp loại trung bình tổ hợp môn và kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. “Mục đích nhằm mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh khi muốn vào trường. Đặc biệt, với ngành thú y, là một trong những ngành mũi nhọn của trường, cũng là ngành có điểm số đầu vào cao nhất nhưng cơ hội nghề nghiệp cũng rất lớn. Doanh nghiệp phải đặt hàng trước 3 tháng mới có nhân lực tại trường”, ThS. Đặng Kiên Cường (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết.

Tại Trường ĐH Sư Phạm kỹ thuật TP.HCM, ngoài việc miễn học phí nhiều nhóm ngành sư phạm, TS. Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên của trường) cho biết đối với nữ khi học tại trường sẽ được hỗ trợ giảm 50% học phí học kỳ đầu trong các ngành ngoài sư phạm. “Cứ trên 26 điểm trong kỳ tuyển sinh năm nay, trường sẽ thưởng 1 triệu đồng. Tức là nếu được 27 điểm, các em sẽ có 27 triệu đồng. Thủ khoa các ngành chất lượng cao sẽ được học bổng 25 triệu đồng”. Đối với Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, năm 2018 có nhiều chương trình học bổng từ 25% đến 100%  hỗ trợ sinh viên. “Rất nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp hoặc các em tự khởi nghiệp cho riêng mình khi tốt nghiệp”, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo – Khảo thí Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) chia sẻ.

Trước băn khoăn của học sinh trong trường về việc làm thế nào để chọn một ngành nghề đúng cho tương lai, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần phải xác định rõ đam mê của bản thân là gì bằng các hình thức trắc nghiệm và nhận lời khuyên từ bạn bè, thầy cô và cha mẹ. “Để một nhân sự thành công, kiến thức chỉ chiếm 20%, còn kỹ năng, hành vi và thái độ chiếm đến 80%. Bởi vậy, dù lựa chọn bất cứ ngành nghề nào, các em cũng cần phải xác định cho mình một thái độ học tập nghiêm túc”, ThS. Đặng Kiên Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Văn Quang (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, để theo bất cứ một ngành nghề nào, bên cạnh góc độ chuyên môn thì lợi thế cao nhất là ngoại ngữ và ngoại hình. “Ngoại hình ở đây là sự chỉn chu trong cách ăn mặc, giao tiếp. Tôn trọng mình là cách tôn trọng người khác. Đặc biệt, trong ngành tài chính ngân hàng, cơ hội thăng tiến, thành công rất cao nhưng cũng luôn đặt ra những áp lực về cường độ làm việc”, ThS. Quang nói.

Nhận định về điều này, ThS. Tô Hoài Thắng (Trưởng ban Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đưa ra con số về mức độ “thôi học” của sinh viên: Mỗi năm có khoảng 900 ngàn học sinh đăng ký vào các trường ĐH. Nhưng chỉ sau một năm học, 25% trong số đó chuyển ngành hoặc chuyển trường. Vì vậy, trước khi đăng ký ngành học, các em nên tìm hiểu kỹ về ngành, vượt qua được những nỗi sợ hãi của bản thân, tránh tình trạng học nhầm nghề mà lỡ dở những cơ hội. Bất cứ ngành nghề nào cũng có cơ hội, quan trọng là thái độ học tập hết mình, lựa chọn trở thành người “hot” trong một nghề bình thường.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)