Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Kỹ năng làm bài văn tuyển sinh lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Quan sát đề thi văn tuyển sinh 10 trong các năm qua và từ thực tế bài làm của học sinh (HS), có thể thấy việc nắm vững kiến thức chương trình chỉ là một phần, phần còn lại đòi hỏi HS phải có kỹ năng làm bài.
Kỹ năng làm bài văn tuyển sinh lớp 10
Để bài làm có điểm cao, HS cần lưu ý các mặt sau đây khi ôn tập và làm bài:
Trước hết, cần nắm vững cấu trúc đề thi, hệ thống câu hỏi, cách câu hỏi thường yêu cầu, thang điểm của từng phần, từng câu, những kiến thức cơ bản về tiếng Việt cho phần đọc hiểu, những tác phẩm bắt buộc nào ở phần nghị luận văn học… để chủ động ôn tập. Cần lưu ý đến thời gian làm bài (120 phút) để phân chia hợp lý cho từng phần, tránh dành nhiều thời gian cho phần không cần thiết này mà thiếu giờ để làm phần quan trọng kia…
Đối với phần đọc hiểu, lỗi thường gặp là HS trả lời sơ sài, không đủ ý theo yêu cầu đáp án hoặc trả lời lan man dài dòng, mất thời gian không cần thiết.
Với câu nghị luận xã hội, đề thường yêu cầu viết trong khoảng một trang giấy thi. Vì vậy đòi hỏi phải có kỹ năng tư duy, hiểu biết xã hội để viết bài văn tương đối ngắn gọn. Cách ra đề ở câu này vô cùng phong phú và đa dạng, như bàn luận về một ý kiến, đưa ra một mẩu chuyện, một bài báo, thậm chí là một bức tranh minh họa… để yêu cầu thí sinh nghị luận. Nếu HS hiểu sai, xác định sai vấn đề thì xem như bài làm sẽ lạc đề. Quan sát bài làm của HS nhiều năm, chúng tôi thấy HS còn mắc nhiều lỗi như viết không đúng theo độ dài yêu cầu (quá ngắn hoặc quá dài), viết thành đoạn văn, hiểu sai luận đề hoặc nghị luận chung chung, thiếu sức thuyết phục về chiều sâu tư duy xã hội và kỹ năng hành văn…
Đề thi 3 năm qua trong câu nghị luận văn học đều có các yêu cầu phân tích và so sánh, đối chiếu vẻ đẹp của hai đoạn thơ; phân tích một nhân vật trong tác phẩm văn xuôi từ đó liên hệ với nhân vật trong tác phẩm khác hoặc một điển hình ngoài xã hội. Quan trọng nhất ở phần này là HS phải biết xây dựng một dàn bài hợp lý về bố cục các phần như giới thiệu, phân tích riêng sau đó so sánh điểm giống và khác nhau về nội dung, nghệ thuật, từ đó nhận xét, đánh giá từ việc so sánh và rút ra kết luận.
Đối với 2 câu hỏi nghị luận xã hội và văn học, ngoài phần cho điểm trực tiếp trên hiện thực bài làm theo các ý, thang điểm đáp án còn có những yêu cầu khác như: đảm bảo cấu trúc bài làm, làm rõ được luận đề, sáng tạo của người viết và điểm về chính tả, dùng từ, đặt câu… Những yêu cầu này chiếm một số điểm không nhỏ.

Trần Ngọc Tuấn (Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh TP.HCM)

Theo Thanh Niên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)