Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Kỹ năng mềm” với sinh viên trong thời hội nhập: Kỳ cuối: Nâng cao hiệu quả đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Hoạt động ngoại khóa cũng là cơ hội để HS-SV trang bị KNM. Ảnh: N.Anh
Kỹ năng mềm (KNM) đang được nhắc tới rất nhiều trong thời hội nhập, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tuyển dụng lao động. Hiện nay, các trường ĐH đang chủ động trang bị KNM cho sinh viên (SV) bằng nhiều cách khác nhau nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng rõ ràng đây là thách thức rất lớn, không dễ dàng.
Nguyên nhân một phần vì KNM không phải cứ học là có, cứ đầu tư là được, và càng không thể cân đong đo đếm như kiến thức chuyên môn mà nó phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức cũng như ý thức tự trau dồi của mỗi cá nhân người học thông qua tự rèn luyện, trải nghiệm.
Theo các nhà tuyển dụng, hiện nay phần lớn SV ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nhưng lại chưa đáp ứng được các yêu cầu về KNM. Do đó, dù SV có kiến thức chuyên ngành rất sâu nhưng khi ra đi làm thì lại gặp nhiều khó khăn, không thích nghi được với môi trường làm việc và lúng túng trong giải quyết các tình huống, vấn đề. 
Đưa vào chương trình dạy bắt buộc
Hiện môn học KNM đã được một số trường ĐH đưa vào dạy như một môn tự chọn hoặc bằng các hình thức như hội thảo, báo cáo chuyên đề do các chuyên gia về KNM đảm trách. Tuy nhiên những hoạt động này vẫn chưa thu hút được đa số SV. Phần vì không chủ động được thời gian, phần vì không phải môn bắt buộc nên SV lơ là… Nhưng với những SV có nhu cầu trang bị thì ngoài các hoạt động trên còn tự xoay xở bằng nhiều cách khác nhau.
Thực tế nhu cầu về KNM của người lao động là có thật. Rất nhiều trung tâm dạy KNM ồ ạt mọc lên như nấm sau mưa. Họ dạy theo nhu cầu của người học. Tuy nhiên, trong phương án trang bị KNM tại các trung tâm dạy kỹ năng, chỉ có 2% SV lựa chọn. Lý do mà các bạn đưa ra chủ yếu là học phí cao, kế đến là thời gian, rồi phương pháp không phù hợp.
Theo số liệu khảo sát mới đây tại Khoa Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (tháng 10-2012): Khi được hỏi có sẵn sàng tham gia khóa học (tự chọn) KNM do khoa tổ chức không thì  91% SV trả lời là có và 70% ý kiến đồng ý đưa môn học KNM vào chương trình học bắt buộc. Theo cô Tạ Vũ Thục Oanh, giảng viên Khoa May và Thời trang (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): “Đưa môn KNM vào chương trình học bắt buộc là một giải pháp. Phải cung cấp cho SV nền tảng lý thuyết, trên nền tảng đó các em nhận thức được giá trị cốt lõi của KNM để từ đó vận dụng tốt vào cuộc sống, giúp các em có sự chắt lọc và trau dồi các KNM cho chính bản thân, mềm dẻo linh hoạt trong mọi tình huống”.
Thực hành là yếu tố quyết định
KNM nói riêng và kỹ năng nói chung đơn giản là những thói quen, phản xạ chứ không phải là bộ phim nhiều tập chỉ cần xem đủ là xong. Muốn cải thiện chúng thì sự thực hành, luyện tập thường xuyên chính là yếu tố quyết định để nó trở thành phản xạ tự nhiên của mỗi người. Bởi vì khi sinh ra, con người chưa có kỹ năng về một khía cạnh cụ thể nào cả (trừ kỹ năng bẩm sinh). Đa số kỹ năng có được và hữu ích với cuộc sống là xuất phát từ việc được đào tạo, học tập, rèn luyện và cũng có thể học gián tiếp từ xã hội hay trong nhà trường.
Tuy nhiên, được giáo dục về mọi mặt của cuộc sống nhưng không có nghĩa là ai cũng được trang bị đủ KNM cần thiết. KNM mang lại những giá trị sống nhất định và được góp nhặt từ cuộc sống của mỗi người. Giá trị cuộc sống được hình thành từ nhận thức. Từ nhận thức biến thành hành động theo xu hướng tích cực, mang tính xây dựng, hướng vào giáo dục hành vi, ứng xử, tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, suy xét, khả năng thích ứng của mỗi người trong từng hoàn cảnh. Hiện nay, nhóm kỹ năng đang được SV rất quan tâm và có nhu cầu trang bị học tập là kỹ năng phỏng vấn xin việc làm (75%), kỹ năng ứng xử giao tiếp (73%), kỹ năng làm việc nhóm (67%), thuyết trình (64%), phát triển bản thân (53%), giải quyết xung đột (46%)… Ngoại trừ kỹ năng phỏng vấn xin việc thì các kỹ năng còn lại SV có thể được học bằng cách tích hợp trong chương trình học. Nhưng thực tế hiện nay nội dung, phương pháp dạy chưa chú trọng lắm tới tích hợp KNM vào môn học để tác động đến ý thức rèn luyện, thực hành của SV. Vấn đề kiểm tra đánh giá còn rất nặng về kiến thức chuyên môn.
Nói về quan điểm dạy KNM, TS. Ngô Anh Tuấn – Trưởng khoa Đào tạo Chất lượng cao – cho rằng: “KNM là phần có sẵn trong con người. Có 3 vấn đề quan trọng khi dạy KNM cho SV đó là giúp các em nhận thức tầm quan trọng của KNM, khơi thông sự nhút nhát để SV tự tin vào bản thân và uốn nắn trên cơ sở những cái đã có. Khi đã kết hợp với rèn luyện và thực hành thường xuyên thì đương nhiên KNM sẽ được cải thiện”.
Phải thừa nhận rằng KNM không phải là một thứ có thể tự học được qua sách vở và không thể đo lường được. Tuy nhiên việc đưa môn học KNM vào chương trình là cung cấp cho SV nền tảng lý thuyết và trên cơ sở đó hiểu được bản chất của KNM, nhận thức tầm quan trọng của KNM, giúp SV tự tin phát huy những cái có sẵn, từ đó SV có ý thức trau dồi, rèn luyện và thực hành KNM hơn. Đó thực sự là cách trau dồi KNM hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong thời hội nhập.
Bùi Thị Hải Lý
(Cao học giáo dục 19B, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Ngày 22-4-2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản về việc hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo. Theo đó, các trường ĐH, CĐ cần tổ chức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành nghề đào tạo của trường góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của từng cơ sở đào tạo và toàn ngành. Đây là cam kết của các cơ sở giáo dục về chất lượng đào tạo với xã hội, về năng lực của người học sau khi tốt nghiệp. Nội dung chuẩn đầu ra quy định rõ yêu cầu về kỹ năng, theo đó KNM trang bị cho SV là nhóm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, ngoại ngữ, tin học…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)