Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỹ năng nói bị bỏ quên trong giảng dạy môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Là môn học quan trọng, xuyên suốt chương trình giáo dục phổ thông, môn văn có đóng góp rất lớn đến “chuẩn đầu ra” của một học sinh đã tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, kỹ năng nói dường như bị cả giáo viên lẫn học sinh bỏ quên trong quá trình dạy và học môn văn. Thành ra, không khó để thấy nhiều sinh viên tỏ ra rụt rè trong phát biểu, diễn đạt suy nghĩ. Nếu mạnh dạn chia sẻ thì các em lại mắc phải trạng thái lúng túng ngập ngừng, nói không trôi chảy những gì mình muốn trình bày. Đây là thực trạng mà bản thân người viết bài này cảm nhận được trong quá trình giảng dạy đại học trong những năm qua.

Tất nhiên, có nhiều lý do để kỹ năng nói của người trẻ hiện nay còn chưa tốt, thậm chí là kém. Nhưng rõ ràng, việc dạy và học văn ở các cấp không thể tránh khỏi trách nhiệm là có sự ảnh hưởng nhất định đến kỹ năng nói của các em. Thực tế cho thấy, ngay cả khung chương trình đào tạo môn văn, chúng ta cũng không đặt yêu cầu đúng mức đối với kỹ năng nói. Chúng ta quá thiên về kỹ năng đọc và viết, yêu cầu trẻ cảm thụ văn học theo những bài văn. Ngay cả khâu kiểm tra, đánh giá, chúng ta cũng dừng lại ở các hình thức viết là chủ yếu với những bài luận theo khuôn mẫu! Thời gian dành cho các hoạt động hỏi đáp, đàm thoại, thuyết trình vẫn chỉ chiếm tỷ lệ khá ít ỏi trong khung chương trình giáo dục.

Khi mà ngay cả đối với giáo viên cũng không đặt nặng việc rèn luyện kỹ năng nói trong quá trình giảng dạy văn thì việc học sinh chưa có nhận thức và sự quan tâm đúng mức đối với kỹ năng nói cũng là điều dễ hiểu. Thêm vào đó là bối cảnh của thời đại công nghệ hiện nay, giao tiếp giữa trẻ và gia đình đang có xu hướng giảm dần (cha mẹ bận rộn công việc, ít trò chuyện cùng con trẻ), và việc trẻ vùi mình trong các trò chơi điện tử, hay lang thang trên internet, thường xuyên giao tiếp ảo trên các trang mạng xã hội… cũng là những nguyên nhân tác động đến việc yếu kỹ năng nói của trẻ.

Thiết nghĩ, chúng ta cần thay đổi nhận thức về việc rèn luyện kỹ năng nói trong việc dạy môn văn. Từ sự thay đổi nhận thức đúng với bản chất của môn học hơn, sẽ giúp chúng ta có những hành động phù hợp. Cần tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng nói như hỏi đáp, đàm thoại, thuyết trình, cho học sinh nhập vai kể lại tác phẩm… Cả công tác kiểm tra, đánh giá cũng cần tăng tỷ lệ kiểm tra, đánh giá kỹ năng nói để học sinh tăng sự chủ động đối với kỹ năng này. Ngoài ra, cũng cần sự kết nối của phụ huynh để trẻ có nhiều cơ hội, môi trường thực hành kỹ năng nói.

Đơn Thun

 

Bình luận (0)