Ông bà ta ngày xưa đã dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” cũng đủ biết mọi thứ cần phải học, kể cả những chuyện tưởng chừng “nhỏ nhặt” hàng ngày. Trong nhà trường, môn văn các cấp học đều có mục đích cung cấp kiến thức cơ bản; luyện viết, luyện nói sao cho hay, cho trôi chảy. Nhưng chương trình môn văn nghiêng về luyện viết vì có các bài kiểm tra 15 phút. Kiểm tra hai tiết (4 bài viết/ học kỳ). Còn luyện nói chỉ có kiểm tra miệng đầu giờ (trả bài đầu giờ) và các tiết luyện nói theo từng phần (một tiết cho các phần luyện nói văn tự sự, luyện nói văn chính luận)…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kỹ năng nói của học sinh hiện nay còn rất yếu. Nhiều em muốn diễn đạt một vấn đề gì cảm thấy rất khó khăn về vốn từ, về cách nói. Hoặc nói không đầu không đuôi, không biết gút lại vấn đề; khiến cho người nghe nhiều khi không hiểu các em muốn nói cái gì.
Tôi từng dạy văn lớp chuyên toán của trường chuyên. Các em tư duy tốt về môn toán nhưng tư duy về môn văn chưa tốt vì các em nghĩ nếu sau này trở thành bác sĩ thì… cần gì văn! Thật là những suy nghĩ quá sai lầm! Tôi nói cho các em biết, muốn diễn đạt tốt một công trình nghiên cứu, muốn thông báo một vấn đề cho mọi người hiểu thì phải học văn, học diễn đạt, học dùng từ…
Trở lại vấn đề trên, trong một năm học, số tiết luyện nói không đáng kể. Đó là chưa nói đến quan niệm của giáo viên, của học sinh về tiết luyện nói này. Giáo viên căn cứ vào yêu cầu bài dạy, ra câu hỏi cho các nhóm về nhà chuẩn bị. Cả nhóm “phân công” lại cho một bạn khá nhất làm. Khi đến giờ luyện nói, bạn này sẽ lên đọc bài chuẩn bị sẵn! Lẽ ra giáo viên phải hướng dẫn mục đích của tiết này là luyện tập cách nói, cách trình bày một vấn đề trước một tập thể. Người được phân công (hoặc sẽ chỉ định) chỉ cho phép nhìn vào những gạch đầu dòng để nói chứ không phải cầm tờ giấy có sẵn để đọc! Như vậy đâu còn là “luyện nói” nữa mà là “luyện đọc”! Nhiều giáo viên cho biết gặp những tiết này thì muốn dạy cho xong, dạy cho có vì nghĩ rằng luyện “nói” không quan trọng bằng luyện “viết”! Bởi vì đi thi sẽ làm bài viết, không bao giờ có chuyện thi “vấn đáp” bằng tiếng Việt!
Mặt khác, thời đại công nghệ phát triển; các em hàng ngày chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại để bấm, để quẹt… không còn thời gian dành cho việc đọc sách để trau dồi vốn từ ngữ; không có chuyện ngồi tụm năm tụm ba như ngày xưa để trò chuyện, trao đổi… Ngôn ngữ nói hàng ngày của các em bị rút gọn đến mức có thể nên ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng diễn đạt, nói năng là vì thế!
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)