Học sinh được phân chia nhóm thảo luận trong một tiết học ở bậc THPT. Ảnh: N.Quang
|
Hoạt động nhóm được coi là phương pháp phát huy tốt nhất tính tích cực và làm việc tập thể của học sinh (HS) trong các môn học. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức cho HS tham gia hoạt động nhóm không phải giáo viên (GV) nào cũng có đầy đủ kỹ năng quản lý hoạt động có tính cộng đồng này.
Vì thế hoạt động nhóm đôi khi lại không có hiệu quả, thậm chí mang nặng tính hình thức phô trương dù người GV rất cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
1. Kinh nghiệm cho thấy, quy trình thực hiện hoạt động nhóm thực sự có hiệu quả khi GV biết và tránh được những điều đáng tiếc xảy ra khi thực hiện phương pháp mới mẻ này.
Hoạt động nhóm còn được gọi bằng các thuật ngữ như: Kỹ thuật dạy học theo nhóm nhỏ, kỹ thuật dạy học theo nhóm… Trong thực tế nhiều GV khi sử dụng phương pháp này lại gọi vắn tắt là “làm bài tập nhóm” hay “thảo luận nhóm”. Thực ra cách gọi này đúng nhưng chưa đủ vì làm bài tập hay thảo luận nhóm chỉ là một bước quan trọng chứ chưa phải là toàn bộ quy trình khi người thầy sử dụng phương pháp dạy học theo nhóm.
Theo lý thuyết, phương pháp dạy học theo nhóm thường được áp dụng vì hai lý do khác nhau, đó là lý do xã hội và lý do giáo dục. Về mặt xã hội, dạy học theo nhóm tạo điều kiện phát triển quan hệ giao tiếp giữa các thành viên trong nhóm với nhau. Nó góp phần phát triển các kỹ năng giao tiếp cá nhân như nghe, nói, tranh luận và lãnh đạo. Về mặt giáo dục, dạy học theo nhóm có ích cho việc phát triển những kỹ năng trí tuệ bậc cao như suy luận hay giải quyết vấn đề.
Phương pháp dạy học theo nhóm chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi bài tập nhóm mang tính khích lệ và thử thách phù hợp với mức độ kiến thức, kinh nghiệm của người học, không quá dễ cũng không quá khó. Ngoài mục đích được xác định rõ ràng, các ý kiến trong hoạt động nhóm phải có hiệu ứng để đóng góp cho kết quả chung.
2. Sai sót chung thường thấy của người GV khi sử dụng phương pháp dạy học theo nhóm là chưa có kế hoạch chi tiết mà làm việc theo kiểu “ăn đong”. Quan trọng hơn là cách tổ chức và quản lý như thế nào cho có hiệu quả gây được ấn tượng tốt cho người học. Cụ thể, một bài tập về một vấn đề liên quan đến bài học chưa phải là đủ mà điều quan trọng là cách điều phối và tổ chức hoạt động nhóm như thế nào cho hợp lý. Không chỉ thời gian thảo luận quá ngắn, chỉ trong vòng 4-5 phút mà nhiều GV còn không biết đưa ra mục đích của hoạt động trong khi bài tập chỉ được tuyên bố bằng miệng. Quan trọng hơn là “người chỉ huy” không theo dõi, phụ giúp các nhóm lúc cần thiết. Nếu người GV lo làm việc riêng trong lúc này thì quá tệ hại. Ngoài ra, nếu người GV tự ý cắt xén thời gian không đúng như thời gian đã tuyên bố ban đầu làm cho các nhóm không đủ thời gian để trình bày thì cũng làm ảnh hưởng đến quy trình thảo luận. Khi có sự cố lại lúng túng do thiếu kinh nghiệm và chưa biết xử lý kết quả làm việc cũng như tổng kết rút kinh nghiệm. Những tiết học như vậy chỉ phá vỡ, làm mất giá trị của các hoạt động nhóm mà vốn trước đó các em HS rất hứng thú.
3. Để có một quy trình thực hiện giúp người GV tổ chức và quản lý HS hoạt động nhóm có hiệu quả, trước hết phải xác định rõ bài tập/vấn đề mà các nhóm phải thực hiện. Đây chính là nền tảng của bất kỳ một hoạt động nhóm nào bởi vì nó sẽ tạo nên một không khí bình tĩnh và tích cực. Việc thành lập nhóm có thể theo cách ngẫu nhiên hoặc theo chủ đích của GV đều được. Theo đó, ngoài xác định số thành viên (4 đến 7 HS), GV cần xác định cả số nhóm để phân chia thời gian báo cáo phù hợp. Thời lượng phải đủ để GV thực hiện các bước theo tuần tự như phổ biến mục đích, tên bài tập và các thông tin cần thiết để khi thực hiện không còn sự vướng mắc nào, qua đó tránh được sự khó hiểu hỏi tới hỏi lui mất thời gian. Bên cạnh đó cần chọn địa điểm phù hợp tránh sự ồn ào phân tán, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư và dụng cụ cần thiết. Nên cắt cử một nhóm trưởng để quản lý quá trình hoạt động. Khi nhóm đang làm việc, GV cố gắng ít can thiệp, chỉ hỗ trợ khi thấy cần thiết để tránh cho HS ỷ lại mà chỉ quan sát và bao quát chung. Có thể linh động kéo dài thời gian theo tình hình thực tế nhưng cũng không được quá lâu. Khi thời gian đã hết, các nhóm kết thúc công việc, GV hãy thúc đẩy công việc báo cáo của từng nhóm. Tổng kết và rút kinh nghiệm là bước cuối cùng nhưng lại rất quan trọng nên đảm bảo cho tất cả các báo cáo của cả nhóm đều được trình bày và GV cần ghi chép đầy đủ rồi tổng kết rút kinh nghiệm. GV có thể yêu cầu HS nêu những gì đã xảy ra trong quá trình làm việc nhóm như phát biểu cảm tưởng, những kinh nghiệm hay bài học rút ra để có kinh nghiệm lần sau trước khi GV đưa ra đánh giá chung.
4. Hiện nay việc tổ chức hoạt động nhóm cho HS được GV ở các trường phổ thông sử dụng khá phổ biến trong quá trình dạy học. Tuy nhiên với nhiều lý do, trong đó có lý do GV chưa được trang bị kỹ về kiến thức, kỹ năng quản lý hoạt động nhóm nên việc áp dụng phương pháp dạy học này còn mang tính chất hình thức, đối phó và kém hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị trong quá trình đào tạo tại các trường sư phạm, giảng viên phụ trách môn học thuộc các khối nghiệp vụ sư phạm cần trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng như đã trình bày ở trên. Làm được điều này chính là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu thực tế của hoạt động giáo dục phổ thông cho sinh viên trường sư phạm.
ThS. Võ Duy Lân (Khoa Sư phạm kỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn)
Với nhiều lý do, trong đó có lý do GV chưa được trang bị kỹ về kiến thức, kỹ năng quản lý hoạt động nhóm nên việc áp dụng phương pháp dạy học này còn mang tính chất hình thức, đối phó và kém hiệu quả. |
Bình luận (0)